• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

23 năm đầy nghị lực người phụ nữ 4 lần điều trị ung thư thành công

11/09/2019 10:09

BVK – Bệnh viện K đã ghi nhận nhiều trường hợp người bệnh chiến thắng ung thư hàng chục năm, có những người coi nơi đây như ngôi nhà thứ hai, nơi không chỉ đơn thuần là bệnh viện điều trị ung thư, có bác sĩ tận tâm điều trị, mà còn có sự sẻ chia niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống thường ngày. Một trong số những người như thế là bác Trần Thị Chiêm 66 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội.

Trải qua bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn từ những ngày đầu thành lập, Bệnh viện K đã có những bước chuyển mình đầy mạnh mẽ để trở thành Bệnh viện chuyên khoa ung thư hàng đầu của cả nước. Song hành cùng với những bước tiến dài đó của Bệnh viện K là những người bệnh ung thư trên cả nước hàng ngày luôn kiên cường, lạc quan chiến đấu chống lại bệnh tật, một lòng tin tưởng vào các y bác sỹ và nền y học hiện đại của nước nhà. Bác Trần Thị Chiêm 66 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội là nhân vật điển hình đấu tranh với căn bệnh ung thư quái ác đến 4 lần. 

Ngày 1/7/1996 bác phát hiện mình bị ung thư tuyến nước bọt được bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị. Bác còn nhớ như in những bác sĩ điều trị lúc bấy giờ là BS.Thanh, BS Bảo và BS Hợp. Sau khi phẫu thuật được khoảng 20 ngày bác được chuyển sang khoa Xạ đầu cổ để tiến hành xạ trị. Tại đây, BS. Ngô Thanh Tùng đã điều trị và đồng hành cùng bác trong suốt 23 năm. Bác nhớ lại “Khi mới mổ, bác vô cùng đau đớn và khó chịu, tuyến nước bọt tê liệt và hỏng tủy răng. Sau đợt điều trị kéo dài 3 tháng và vượt qua chuỗi ngày bế tắc ấy, nhận được sự chăm sóc tận tình từ các y bác sỹ, sự chia sẻ và yêu thương từ gia đình, bác đã có cách nhìn khác về cuộc sống, con người. Bác đón nhận mọi điều nhẹ nhàng hơn, không còn tâm lý nặng nề như ngày đầu phát hiện bệnh nữa”. Sự chăm sóc, biết ơn của mình đến những người thầy thuốc, bác đã truyền tải thành câu từ gửi bức thư tri ân đến Bộ trưởng Bộ Y tế vào năm 1997. Bác muốn cảm ơn tập thể cán bộ, y bác sĩ nói chung, Bệnh viện K nói riêng vì những sự hi sinh âm thầm, lặng lẽ, ngày đêm chăm sóc người bệnh ung thư – những người luôn mang tâm lý nặng nề....

Bác ổn định đến năm 2003 thì phát hiện bướu ở cổ và một lần nữa bác lại tin tưởng y bác sỹ của Bệnh viện K phẫu thuật. Sau quãng thời gian điều trị kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý và những hoạt động thể thao tích cực, bác lấy lại sức khỏe và tiếp tục công việc của mình. Tuy trong mình mang căn bệnh ung thư nhưng bác vẫn luôn lạc quan và yêu đời. Bác vẫn theo đuổi việc học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2007 là năm bác Chiêm nhận được tấm bằng Tiến sĩ Báo chí, cùng năm đó bác phát hiện khối u hạch trong miệng và lại nhập viện K điều trị. Ngày 9/5/2019, phát hiện có u và hạch tế bào lạ bất thường ở chân, bác Chiêm tiếp tục nhập viện vào khoa Ngoại bụng 2 để mổ một lần nữa, đánh dấu 4 lần điều trị thành công của bác ở Bệnh viện K.

Bốn lần đứng trước cửa tử, nhưng lần nào bác Chiêm cũng đối diện với nó bằng tinh thần thép và niềm tin vững vàng vào y học nước nhà. Bác chia sẻ với tôi “Đội ngũ y bác sỹ, thầy thuốc của Bệnh viện K đã để lại những dấu ấn rất tốt đẹp trong bác, bác tin yêu Bệnh viện K từ những phác đồ điều trị đúng đắn đến thái độ thân thiện, hết lòng vì người bệnh của các bác sỹ, y tá, ngoài cứu chữa cho người bệnh lại còn quan tâm đến đời sống của người bệnh có hoàn cảnh khó khăn như hỗ trợ những xuất cơm hàng ngày, món quà từ thiện, rồi đến những “Chuyến xe yêu thương” đưa người bệnh về quê ăn Tết cũng để lại trong bác nhiều xúc động.”

Bác Chiêm (váy xanh) hạnh phúc quây quần bên gia đình

Từ niềm tin với Bệnh viện mà mặc dù có đủ điều kiện để ra nước ngoài khám và điều trị, nhưng 23 năm qua bác vẫn một lòng tin tưởng vào Bệnh viện K. Bác đã từng giới thiệu và giúp đỡ rất nhiều người có bệnh giống mình đến khám và điều trị tại Bệnh viện K. Bác có 3 người con trai đều thành đạt, anh Nguyễn Thanh Tùng - người con thứ của bác Chiêm chia sẻ “Để có được thành công trong cuộc sống như ngày hôm nay, 03 anh em tôi cảm ơn sự dũng cảm chiến đấu bệnh tật của mẹ mình, chính điều đó là nghị lực, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Cảm ơn Bệnh viện K đã cùng mẹ tôi chiến đấu vượt qua căn bệnh này để có được ngày hôm nay.”

Đã có nhiều người bệnh ung thư sống khoẻ mạnh sau 40 năm

Trong bối cảnh ung thư đang là một vấn đề lớn của xã hội, tại Việt Nam, mỗi năm có  gần 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.000 người bệnh đang phải chiến đấu với ung thư, cùng với tăng cường tuyên truyền phòng chống ung thư, khuyến khích người dân đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh, việc áp dụng các thành tựu mới trong chẩn đoán và điều trị đã giúp Bệnh viện K nâng cao được tỷ lệ chữa khỏi nhiều loại ung thư, như ung thư vú tỷ lệ chữa khỏi đã đạt tới 75% tương đương với Singapore.

Theo Giám đốc Bệnh viện K, bệnh ung thư ảnh hưởng đến cơ thể và cuộc sống của mỗi người bệnh theo các cách khác nhau và mỗi cá nhân cũng có cách riêng của mình để đương đầu với chúng. Theo thời gian, hầu hết mọi người sẽ tìm ra cách để ổn định, tiếp tục làm việc, thực hiện những sở thích và duy trì các mối quan hệ xã hội của mình, đồng thời sẽ thêm trân trọng cuộc sống và sống sao cho trọn vẹn và ý nghĩa nhất.

Thứ nhất, hãy mạnh dạn bày tỏ cảm xúc. Nhiều người cho rằng việc tỏ ra buồn bã, suy sụp, sợ hãi hay giận dữ là một việc làm thể hiện sự yếu đuối. Nhưng thực tế cho thấy việc thể hiện được cảm xúc thực giúp người bệnh thoải mái và có thái độ tích cực hơn trong quá trình điều trị và trong cuộc sống.

Thứ hai, người bệnh hãy dành thời gian nhiều hơn chăm sóc bản thân, làm những việc yêu thích như nấu ăn, tâm sự với bạn bè, xem một bộ phim, nghe nhạc hay ngồi thiền, đồng thời luôn giữ cho mình một thái độ lạc quan, yêu đời. Nên nhớ rằng có thái độ lạc quan không có nghĩa là bạn không bao giờ cảm thấy buồn, căng thẳng.

Thứ ba, người bệnh hãy thực hiện một chương trình thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, tập yoga… trong điều kiện sức khỏe cho phép và theo khuyến cáo của bác sĩ. Điều này sẽ giúp người bệnh cảm thấy tràn đầy sức sống hơn.

Thứ tư, theo Giám đốc Bệnh viện K, khi tình hình trở nên nặng nề hơn và người bệnh cảm thấy khó khăn, cần có thêm sức mạnh, đừng tự đương đầu một mình mà hãy cố gắng mở rộng vòng tay hướng đến bạn bè, gia đình, người thân và các tổ chức hỗ trợ. Họ sẽ ở bên bạn để chia sẻ những sợ hãi, niềm hy vọng và những chiến thắng trên mỗi bước đi.

“Cuối cùng, bên cạnh việc tuân thủ điều trị và tiếp nhận những thông tin từ nhân viên y tế, bạn hãy trang bị thêm cho mình kiến thức về bệnh ung thư đang mắc phải, lối sống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng… qua các nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy từ sách, báo, tổng đài tư vấn, cổng thông tin điện tử… của các chuyên gia, bệnh viện, trường đại học y khoa…

loi-khuyen-cua-giam-doc-benh-vien-k-danh-cho-nguoi-benh-ung-thu-5

Nhân viên y tế cập nhật kiến thức về bệnh cho người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện

Giữ cho mình tình trạng thể chất và tinh thần thật tốt chính là chìa khóa giúp bạn đương đầu và chiến thắng bệnh ung thư”- lời khuyên hữu ích mà các bác sĩ dành cho bạn. 

 

 

 

 

 

 

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook