• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

BÁC SĨ KHUYẾN CÁO CHỊ EM KHÁM SÀNG LỌC CỔ TỬ CUNG ĐỊNH KỲ

25/11/2018 09:11

BVK - Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Theo Ghi nhận ung thư 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Những con số trên như hồi chuông cảnh báo để chị em phụ nữ quan tâm hơn đến sức khỏe của mình.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

- Lây nhiễm virus HPV: HPV (Human Papilloma) là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung  (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Hầu hết, các trường hợp nhiễm HPV không gây triệu chứng và có thể tự khỏi, sau khi nhiễm vài tháng đến 1 năm mà không cần điều trị.

HPV lây truyền qua tiếp xúc da qua da, đặc biệt là quan hệ tình dục. Vì vậy, hầu như phụ nữ nào có sinh hoạt tình dục đều có thể nhiễm HPV. Tuy nhiên, từ quá trình lây nhiễm đến diễn biến ung thư cổ tử cung mất 10-15 năm. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng người ta tìm thấy 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Trong đó, có 2 type nguy cơ cao nhất là type 16 và type 18.

- Quan hệ tình dục sớm.

- Hút thuốc: thuốc lá chứa nhiều hóa chất có thể gây hại cho cơ thể. Phụ nữ hút thuốc sẽ dễ bị ung thư cổ tử cung gấp hai lần so với người không hút thuốc;

- Ức chế miễn dịch: thuốc hay các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), virus gây ra bệnh AIDS, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng HPV và dẫn đến ung thư cổ tử cung;

- Ăn ít trái cây và rau quả: phụ nữ ăn không đủ các loại trái cây và rau quả sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung;

- Thừa cân: phụ nữ thừa cân có nhiều khả năng bị ung thư cổ tử cung;

- Sử dụng thuốc tránh thai lâu dài: các nhà nghiên cứu đưa ra bằng chứng về việc uống thuốc ngừa thai trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung;

- Sử dụng thiết bị trong tử cung: một nghiên cứu gần đây cho thấy những phụ nữ từng sử dụng dụng cụ tử cung (IUD, một thiết bị được đưa vào tử cung của bạn để ngăn ngừa mang thai) có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung thấp hơn bình thường;

- Mang thai nhiều: những phụ nữ mang thai 3 lần hoặc nhiều hơn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung;

- Mang thai lần đầu khi dưới 17 tuổi: phụ nữ dưới 17 tuổi mang thai lần đầu sẽ có khả năng mắc bệnh gấp 2 lần so với người bình thường;

- Di truyền: nếu mẹ hoặc chị em bị ung thư cổ tử cung, nguy cơ bạn mắc bệnh sẽ tăng lên 2-3 lần cao hơn so với người bình thường.

Tại sao chị em cần tầm soát sớm ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là một việc rất cần thiết cho việc điều trị căn bệnh này, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro. Chi phí cho một lần đi khám sàng lọc ung thư sớm là rất nhỏ so với số tiền bạn phải bỏ ra để mua thuốc và điều trị bệnh lâu dài khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh có thể được ngăn ngừa nếu phát hiện sớm. Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn giúp chị em phụ nữ chuẩn bị về mặt tâm lý, quyết tâm điều trị bệnh, nâng cao khả năng chữa trị thành công:

Tầm soát sớm ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào?

Tại bệnh viện K với trang thiết bị hiện đại và đặc biệt các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ung bướu các bác sĩ sẽ tầm soát ung thư:

  • Thăm khám lâm sàng.
  • Khám phụ khoa, soi cổ tử cung.
  • Thực hiện xét nghiệm huyết học đánh giá tình trạng sức khỏe.
  • Thực hiện xét nghiệm Pap smear và HPV.
  • Đọc kết quả và tư vấn (hoặc chỉ định khác nếu có).
  •  

Bệnh ung thư cổ tử cung có tỉ lệ mắc cao hơn ở những người có quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình, có nhiều con...Giai đoạn sớm của bệnh thường không có triệu chứng, khi bệnh tiến triển có thể thấy ra máu bất thường âm đạo. Việc điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, đối với ung thư cổ tử cung giai đoan sớm điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật, còn đối với bệnh nhân ở giai đoạn muộn điều trị bằng tia xạ đơn thuần hoặc phối hợp hóa chất. Tỷ lệ điều trị khỏi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm là 90%, nhưng tỷ lệ chữa khỏi chung cho mọi giai đoạn ung thư cổ tử cung chỉ đạt được 60%. Ung thư cổ tử cung là loại tiến triển chậm bệnh tiến triển qua nhiều năm, sàng lọc phát hiện sớm  mang lại hiệu quả điều trị cao.

Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao. Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sỹ, cùng với tiêm ngừa vắc xin, đây là cách phòng tránh bệnh hiệu quả nhất đối với phụ nữ đã quan hệ tình dục.

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook