• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Bệnh viện K phát động "Giảm thiểu chất thải nhựa toàn Bệnh viện"

28/08/2019 16:08

BVK - Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, chiều ngày 28/08 Bệnh viện K tổ chức Hội nghị “Giảm thiểu chất thải nhựa trong Bệnh viện K” nhằm phổ biến triển khai Chỉ thị tới tất cả các đơn vị, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc Bệnh viện; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, viên chức, người lao động trong Bệnh viện, tạo sự đồng thuận tham gia của cán bộ y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân, về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.

Tham dự chương trình có TS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế; PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K cùng các đồng chí trong Ban lãnh đạo Bệnh viện, Trưởng các đơn vị thuộc bệnh viện và đông đảo cán bộ y tế cùng các cơ quan thông tấn, báo chí.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K kêu gọi các đơn vị thuộc Bệnh viện giảm dần và tiến tới không dùng các sản phẩm từ nhựa khó phân huỷ để hạn chế rác thải nhựa trong ngành Y tế.

PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K kêu gọi các đơn vị thuộc Bệnh viện giảm dần
và tiến tới không dùng các sản phẩm từ nhựa khó phân huỷ để hạn chế rác thải nhựa trong ngành Y tế

Theo thống kê của Ủy ban Châu Âu (EC), ước tính khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018. Khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải; và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hàng năm, tổng cộng khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương. Hơn 1 nửa trong số này là rác thải nhựa từ các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Trong quá trình khám chữa bệnh, các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và người sử dụng dịch vụ y tế và từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, vật liệu, đồ dùng trong y tế. “Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt, phòng, chữa bệnh. Trên cả nước, ngành y tế có hơn 13.000 cơ sở y tế, khoảng 150 triệu bệnh nhân nội trú, khoảng 450 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú hàng năm, vì vậy chất thải từ các nguồn trên là rất lớn.” Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết. 

Đánh giá cao việc Bệnh viện K triển khai thực hiện hội nghị này, TS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường cho rằng, việc Bệnh viện K đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ công chức, viên chức hiểu để từ đó thực hiện sẽ đem lại những kết quả thiết thực hướng tới mục tiêu trong tương lai tất cả các hoạt động y tế trên cả nước cơ bản không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

Đại diện các đơn vị thuộc Bệnh viện; đặc biệt là các đơn vị thực hiện mua sắm các dụng cụ, thiết bị y tế đã ký cam kết với Ban Giám đốc Bệnh viện đảm bảo về nguồn vào, phê duyệt lệnh đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phải hạn chế tối đa các dụng cụ nhựa dùng 1 lần, nhựa khó phân huỷ, phải giảm thiểu ngay, giảm thiểu tối đa và tiến tới không dùng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong y tế. Ngoài ra các đơn vị cung cấp dịch vụ trong bệnh viện cũng phải ký cam kết tiết chế sử dụng các sản phẩm y tế, sinh hoạt làm từ nhựa.

Phó Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh, “Bệnh viện K quyết tâm chung tay cùng tất cả các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế trên cả nước, tích cực chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, góp phần giải quyết vấn đề chất thải nhựa mà Chính phủ đã đề ra, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.”

Đại diện các đơn vị thuộc Bệnh viện ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa

Các đơn vị cam kết nội dung cụ thể như sau:

1. Tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của các khoa, phòng, viện, Trung tâm, bộ phận thuộc Bệnh viện; trong đó phải có các nội dung, chỉ tiêu phấn đấu và mốc thời gian thực hiện đối với các hoạt động sau đây:

- Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.

- Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của Bệnh viện; tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

- Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong Bệnh viện.

2. Đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động  của Bệnh viện.

3. Thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định.

4. Tổ chức quán triệt, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, truyền thông, vận động cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa tại Bệnh viện.

5. Tổ chức ký cam kết giữa Ban Giám đốc Bệnh viện với Lãnh đạo các khoa, phòng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại cơ sở y tế về việc giảm thiểu chất thải nhựa.

6. Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động y tế để bảo đảm an toàn cho người bệnh, cộng đồng và môi trường.

7. Bố trí kinh phí trong nguồn kinh phí được giao hàng năm của Bệnh viện và nguồn thu hợp pháp khác để thực hiện Chỉ thị.

8. Chủ động phát hiện, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa tại Bệnh viện.

9. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; Thường xuyên kiểm tra đánh giá toàn diện Đổi mới phong cách, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, kết hợp đánh giá bệnh viện  xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường; định kỳ hằng năm tiến hành tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Giám đốc Bệnh viện.

Clip hướng dẫn thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế (Nguồn: Bộ Y tế)

 

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook