• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Điều trị ung thư vú có nên ăn thực phẩm làm từ đậu nành và bổ sung chất đạm?  

01/10/2018 10:10

BVK – Dinh dưỡng đối với mỗi người đều đóng vai trò quan trọng, đặc biệt với bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên nhiều người có quan điểm chưa đúng đắn là người mắc bệnh ung thư không được ăn bồi dưỡng, sử dụng hạn chế các chất đạm có nguồn gốc động vật. Vì chất đạm là một yếu tố cơ bản giúp cơ thể làm lành vết thương, chống nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, là nguyên liệu bồi phụ khối nạc trong quá trình dị hóa, giúp bệnh nhân tăng khả năng ngon miệng.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vú mà bạn cần lưu ý:

  • Đảm bảo đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn cho người bệnh để cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm tươi đã được làm sạch và bảo quản trong điều kiện lạnh, tránh sử dụng thực phẩm ướp muối mặn, thực phẩm qua chế biến ở nhiệt độ cao, thực phẩm qua xào rán dầu mỡ nhiều lần.
  • Ăn uống phải điều độ, không nên ăn quá nhiều hoặc quá ít.
  • Tăng cường chất dinh dưỡng cao trong khẩu phần, vitamin, dinh dưỡng. Đặc biệt là nhóm chất xơ, chất chống oxy hóa cần được cung cấp nhiều trước và sau các đợt điều trị nhằm giảm thiểu việc làm giảm tác dụng phụ của các đợt truyền hóa chất, xạ trị…
  • Lưa chọn thực phẩm dành cho người mắc ung thư vú cần chọn các loại thực phẩm tươi sạch, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Tránh uống các nước uống có chứa cồn như rượu, bia…

Đặc biệt chị em phụ nữ rất quan tâm đến sản phẩm từ đậu nành vì đây là sản phẩm khá phổ biến, chế biến nhiều món ngon miệng. Các sản phẩm từ đậu nành và đậu nói chung có chứa một chất có hoạt tính gần giống với hormone của nữ giới, do đó nhiều người cho rằng nếu bị ung thư vú phải kiêng các thực phẩm này. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy quan điểm đó là không khoa học. Việc sử dụng ở mức độ trung bình từ 2-3 đơn vị còn mang lại lợi ích cho một số bệnh ung thư. Bởi vậy, bệnh nhân ung thư vú không phải kiêng các thực phẩm này mà nên lựa chọn để chế độ ăn của mình đa dạng, phong phú hơn.

Đậu nành tự nhiên có chứa isoflavone, một loại estrogen thực vật (phytoestrogen) có cấu trúc tương tự như estrogen. Do đó đã từng có tin đồn cho rằng ăn đậu nành có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại bệnh ung thư nhất định đặc biệt là ung thư vú vì estrogen có liên quan tới sự phát triển của các bệnh ung thư nhạy cảm với estrogen như ung thư vú.

Đã từng có những ý kiến phản bác nhận định này. Và gần đây nhất, một nghiên cứu mới được công bố vừa qua trên tạp chí Cancer, một lần nữa khẳng định, đậu nành không những không gây bất lợi cho bệnh nhân ung thư vú mà thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích cho những bệnh nhân này.

Để làm rõ những hoài nghi xung quanh lợi ích hay nguy cơ đến từ việc sử dụng đậu nành, nhóm nghiên cứu (dưới sự tài trợ của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ) đã khảo sát mối liên hệ giữa lượng isoflavone trong khẩu phần ăn và tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân trong một quần thể đa sắc tộc gồm 6235 phụ nữ châu Mỹ Latinh và châu Úc có ung thư vú. Họ đã sử dụng dữ liệu thu thập về các phụ nữ và chế độ ăn uống trong vòng 5 năm cả trước và sau khi được theo dõi bệnh ung thư vú.

Sữa đậu nành mang lại nhiều lợi ích cho những bệnh nhân ung thư vú

Cụ thể, sau thời gian theo dõi trung bình 9,4 năm, ghi nhận có tất cả 1224 ca tử vong. Phụ nữ có tỷ lệ phần trăm isoflavone trong chế độ ăn kiêng cao nhất (≥1.5 mg/ngày) có tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân giảm 21% so với phụ nữ có tỷ lệ thấp nhất (<0.3 mg/ngày, khoảng tin cậy 95% , P cho xu hướng <0,01).

Phân tích phân tầng cho thấy, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân liên quan đến chế độ ăn giàu isoflavone chỉ có ý nghĩa thống kê trên những phụ nữ ung thư vú âm tính (không nhạy cảm) với thụ thể hormone (estrogen và progesterone), và đối với phụ nữ không được điều trị bằng liệu pháp hormone trong quá trình điều trị ung thư vú. Không tìm thấy mối liên hệ tương tự ở những phụ nữ dương tính (nhạy cảm) với thụ thể hormone (estrogen và progesterone) và những người được điều trị bằng nội tiết tố.

Nói tóm lại, sự giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân phần lớn chỉ giới hạn ở những phụ nữ ung thư vú âm tínhvới thụ thể hormone và những phụ nữ không được điều trị bằng thuốc kháng estrogen như tamoxifen.

Trong một thông cáo báo chí của mình, Tiến sĩ Zhang phát biểu: "Dựa trên kết quả của chúng tôi, chúng tôi không thấy tác động bất lợi của việc ăn đậu nành trên những phụ nữ được điều trị bằng nội tiết", như một lần nữa khẳng định quan điểm nói trên. Ngoài ra, Tiến sĩ Zhang cũng bổ sung: "Ở những phụ nữ có ung thư vú âm tính với thụ thể hormone, các sản phẩm từ đậu nành có thể có tác dụng bảo vệ", bởi kết quả của nghiên cứu cho thấy có sự liên kết yếu hơn nhưng vẫn có ý nghĩa thống kê cho khẳng định này.

Mặc dù không tham gia nghiên cứu, Tiến sĩ Omer Kucuk, thuộc viện nghiên cứu ung thư Winship, đại học Emory, đã rất hào hứng với kết quả này. Ông viết trong bài xã luận của mình: "Giờ đây chúng ta có bằng chứng cho thấy các loại thực phẩm từ đậu nành không chỉ ngăn ngừa ung thư vú mà còn có lợi cho những phụ nữ bị ung thư vú. Vì vậy chúng tôi đã có thể khuyên phụ nữ ăn nhiều đậu nành vì lợi ích sức khoẻ của họ". Ông cho biết thêm rằng việc sử dụng các thực phẩm từ đậu nành đã được chứng minh là ngăn ngừa nhiều bệnh khác, như bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.

Hạt đậu nành chứa: 8% nước, 5% chất vô cơ, 15-25% glucose, 15-20% chất béo, 35-45% chất đạm với đủ các loại amino acid cần thiết (isoleucin, lysin, metionin, pheny lalanin, tryptophan, valin) và nhiều sinh tố, khoáng chất, Ca, Fe, Mg, P, K, Na, S, các vitamin A, B1, B2, D, E, F, các enzyme, sáp, nhựa, cellulose.

Vì có nhiều chất đạm nên đậu nành đã được coi như “thịt không xương” ở nhiều quốc gia Á Châu. Đạm rất tốt để thay thế cho thịt động vật vì có ít mở và cholesterol. Đậu nành có nhiều đạm hơn thịt, nhiều calcium hơn sữa bò, nhiều lecithin hơn trứng. Các amino acid cần thiết mà cơ thể không tạo ra được đều có trong đậu nành.

Thành phần dinh dưỡng của sữa đậu thành có nhiều điểm tương tự với sữa bò. Sữa đậu nành có lượng protein cao gần bằng sữa bò, nhưng nhiều calcium hơn sữa bò. Sữa đậu nành có ưu điểm là không có lactose, có thể thay thế sữa bò cho những người bị dễ bị đau bụng do lactose. Sữa đậu nành cũng chứa ít chất béo bão hòa hơn sữa bò, có thể có lợi cho tim mạch hơn.

Trong giai đoạn người bệnh được tiến hành phẫu thuật, truyền hóa chất, xạ trị, hoặc kết hợp các phương pháp điều trị làm cho bệnh nhân mệt mỏi, nôn nhiều… không thể cung cấp thức ăn bằng đường tiêu hóa, các bác sĩ điều trị sẽ chỉ định cho bệnh nhân nuôi dưỡng theo đường tĩnh mạch như truyền đường, đạm, điện giải… đảm bảo đủ mức dinh dưỡng cho cơ thể.

Bác sĩ đưa ra lời khuyên với bệnh nhân điều trị ung thư nên có chế độ ăn tự nguyện và chọn các món ăn, thực phẩm theo sở thích của bệnh nhân, tuy nhiên cần đảm bảo tính cân đối của bữa ăn dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng.

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook