• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Giới thiệu Khoa Y học hạt nhân

27/02/2023 15:02

 

KHOA Y HỌC HẠT NHÂN

Địa chỉ: Tầng 1, Nhà C, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều

Điện thoại: 02466880030/ 0967432099

Email: yhochatnhan.bvk@gmail.com

 

1. Lãnh đạo đương nhiệm:

Trưởng khoa: TS.BS Phạm Lâm Sơn

Phó trưởng khoa: ThS. BS CK2. Nguyễn Hữu Thường.

Điều dưỡng trưởng: ThS. ĐD Trương Thị Thúy Lương

2. Nhân sự:

Tổng số: 23 cán bộ.

Trong đó:

Tiến sĩ: 02

BSCK II: 04

Thạc sĩ: 02

Kỹ sư vật lý: 01

Thạc sĩ Điều dưỡng: 01

Cử nhân Điều dưỡng: 03

Cử nhân Cao đẳng Điều dưỡng: 06

Kỹ thuật viên cao đẳng: 03

Hộ lý: 01  

3. Lịch sử hình thành:

Khoa Y học hạt nhân, tiền thân là Đơn vị Y học hạt nhân được thành lập ngày 01/09/2008 thuộc Trung tâm vật lý trị liệu, tại bệnh viện K cơ sở Quán Sứ. Số lượng cán bộ ban đầu gồm có: 04 bác sĩ, 03 điều dưỡng và 02 cố vấn chuyên môn, đó là: TS Nguyễn Thanh Đạm, Ths Trần Thanh Bình, BS Nguyễn Quang Văn,… và cố vấn PGS.TSKH Phan Sĩ An và PGS.TS Trần Xuân Trường. Bước đầu triển khai với hệ thống máy Chụp cắt lớp đơn photon – SPECT tiên tiến, giúp chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh lý ung thư và đánh giá chức năng các cơ quan trên cơ thể qua phương pháp chụp xạ hình tuyến giáp, chụp xạ hình xương, chụp xạ hình thận chức năng, chụp xạ hình hạch gác… Đơn vị còn cử cán bộ tham gia học tập nghiên cứu tại các bệnh viện như khoa Y học hạt nhân bệnh viện 103, bệnh viện 108 và trung tâm Y học hạt nhân – Ung bướu bệnh viện Bạch Mai; cũng như các chương trình đào tạo do cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - IAEA và Hội Điện quang – Y học hạt nhân Việt Nam tổ chức.

Trải qua những ngày tháng khởi đầu khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu phương tiện, cũng như thiếu đội ngũ cán bộ chuyên sâu, dù vẫn tạm thời đáp ứng được nhu cầu của người bệnh nhưng rồi dần dần xu hướng chuyên ngành Y học hạt nhân phát triển, cùng với nhu cầu đáp ứng cho bệnh nhân ngày một lớn. Khoa Y học hạt nhân đã được thành lập vào ngày 01 tháng 09 năm 2016 tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều, với Đơn vị Y học hạt nhân trực thuộc nằm ở bệnh viện K cơ sở Quán Sứ. Lúc này khoa Y học hạt nhân có 02 hệ thống máy SPECT ở 02 cơ sở, phục vụ công tác khám chữa bệnh của bệnh nhân tại cả 03 cơ sở của bệnh viện K. Đến ngày 21 tháng 06 năm 2017, khoa Y học hạt nhân đưa vào sử dụng hệ thống máy Ghi hình cắt lớp Positron kết hợp máy Chụp cắt lớp vi tính – PET/CT, đây là hệ thống máy hiện tại nhất giúp chẩn đoán sớm, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh ung thư, đánh giá được đáp ứng của bệnh nhân sau điều trị, đánh giá được tổn thương tái phát, di căn của bệnh nhân ung thư theo dõi và tìm tổn thương ung thư nguyên phát của bệnh nhân ung thư di căn chưa rõ nguyên phát. PET/CT giúp mở ra một cánh cửa khám phá mới về thế giới bên trong cơ thể con người, và trong hầu hết các trường hợp, thay thế những phẫu thuật thăm dò trước đây.

Bên cạnh đó, Khu điều trị I-131 phục vụ cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp và các bệnh lý bướu giáp cũng sẽ được đưa vào hoạt động trong tháng 12 năm 2019. Khu điều trị I-131 sẽ đáp ứng được một phần không nhỏ nhu cầu điều trị dược chất phóng xạ của bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau khi phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, cũng như là nền tảng để ứng dụng các dược chất phóng xạ như Y-90, I-125,… trong điều trị bệnh lý ung thư.

Hiện nay, số lượng bệnh nhân ung thư đã tăng lên đáng kể, nhưng tập thể cán bộ, nhân viên khoa Y học hạt nhân luôn làm việc với tinh thần cao nhất theo thông điệp “Trao hy vọng, Nhận niềm tin” để đáp ứng được yêu cầu của người bệnh, cũng như luôn không ngừng học tập, nghiên cứu ứng dụng thực tiễn Y học hiện đại.

4. Chức năng nhiệm vụ

4.1. Chức năng

Khoa Y học hạt nhân là khoa lâm sàng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về:

Tiếp nhận khám, chẩn đoán bệnh lý ung thư bằng các kỹ thuật Y học hạt nhân và điều trị bệnh ung thư tuyến giáp bằng I-131.

Tham gia đào tạo cán bộ, công tác chỉ đạo tuyến.

Nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng khoa học, kỹ thuật Y học hạt nhân hiện đại trong chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh ung thư.

4.2. Nhiệm vụ:

Khám, chữa bệnh:

Phối hợp với khoa Khám bệnh tổ chức khám chuyên khoa ung bướu vùng đầu mặt cổ, tiếp nhận bệnh nhân ung thư tuyến giáp vào điều trị tại khoa. Khám và theo dõi định kỳ người bệnh đã điều trị.

Tổ chức và tham gia thường trực bệnh viện 24/24 giờ.

Thực hiện đúng các quy trình, kĩ thuật bệnh viện trong khám, theo dõi, điều trị, chăm sóc toàn diện cho người bệnh trước, trong và sau điều trị, đảm bảo an toàn bức xạ cho nhân viên và người bệnh.

Tổ chức hội chẩn tiểu ban và tham gia hội chẩn bệnh viện, hội chẩn liên khoa, hội chẩn liên viện về chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư bằng phương pháp Y học hạt nhân.

Đào tạo cán bộ:

Tư vấn cho Giám đốc bệnh viện và tham gia đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao trình độ cho bác sĩ, điều dưỡng trong khoa và các cán bộ y tế tuyến dưới được gửi đến học tập và thực hành khi có yêu cầu.

Tham gia đào tạo cán bộ y tế ở bậc sau đại học (chuyên khoa1, chuyen khoa 2, tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ nội chú) đại học, cao đẳng và trung học chuyên ngành YHHN do bệnh viện phân công.

Nghiên cứu khoa học:

Đề xuất và triển khai các đề tài nghiên cứu chẩn đoán bệnh ung thư bằng phương pháp Y học hạt nhân và điều trị I-131 trong ung thư tuyến giáp theo xu hướng phát triển của Y học hiện đại.

Thường xuyên hợp tác nghiên cứu khoa học với cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - IAEA, trung tâm Y học hạt nhân: Hàn Quốc, Nhật Bản,… trong đào tạo chuyên ngành Y học hạt nhân.

Chủ trì và tham gia các công trình nghiên cứu khoa học các cấp về điều trị bệnh ung thư tuyến giáp và trong chẩn đoán bệnh ung thư bằng các kĩ thuật Y học hạt nhân do bệnh viện phân công.

Phối hợp cùng các khoa trong bệnh viện xây dựng và trình hội đồng khoa học kĩ thuật bệnh viện thông qua các phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư tuyến giáp phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam.

Chỉ đạo tuyến:

Tuyên truyền giáo dục bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về phòng, phát hiện sớm bệnh ung thư vùng đầu cổ và điều trị bệnh tuyến giáp.

Phối hợp với các cơ quan trong và ngoài ngành y tế thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe khi được bệnh viện phân công.

Tham gia chương trình sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư theo yêu cầu của bệnh viện.

Tham gia công tác chỉ đạo chuyên môn kĩ thuật cho y tế cơ sở về khám, phát hiện sớm, chẩn đoán bệnh ung thư bằng các kĩ thuật Y học hạt nhân và điều trị bệnh ung thư tuyến giáp bằng I-131 theo chỉ đạo của bệnh viện.

Xây dựng các quy trình và biên tập các tài liệu chuyên môn phục vụ cho công tác điều trị, phòng bệnh ung thư vùng đầu cổ.

Hợp tác quốc tế:

Tham gia các chương trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học về bệnh ung thư tuyến giáp và chuyên ngành Y học hạt nhân theo sự phân công của Giám đốc bệnh viện.

Chủ động khai thác, thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về khám, chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư tuyến giáp và chẩn đoán bệnh ung thư bằng kĩ thuật Y học hạt nhân dưới sự chỉ đạo của Giám đốc bệnh viện.

Tham gia các hội nghị, hội thảo, các lớp học quốc tế về ung thư chuyên ngành Y học hạt nhân dưới sự chỉ đạo của Giám đốc bệnh viện.

Thường xuyên hợp tác nghiên cứu khoa học với cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - IAEA,trung tâm Y học hạt nhân: Mỹ,Hàn Quốc, Nhật Bản,…  trong đào tạo chuyên ngành Y học hạt nhân.

Công tác an toàn bức xạ:

Công tác an toàn bức xạ được duy trì, thực hiện thu gom phân công quản lý rác thải phóng xạ đúng quy định.

Đảm bảo an toàn bức xạ cho nhân viên và người bệnh, không xảy ra sự cố tai nạn trong quá trình thực hiện kĩ thuật, tiếp xúc với nguồn phóng xạ.

Quản lý khoa:

Triển khai và thực hiện quy chế hoạt động của khoa, quy định tại quy chế bệnh viện, các quy định khác của Nhà nước, Bộ Y tế và bệnh viện.

Tổ chức giao ban khoa, tham gia giao ban bệnh viện, tham gia sinh hoạt khoa học.

Thường xuyên giáo dục nâng cao y đức trong cán bộ và thực hiện tốt quy chế giao tiếp của khoa.

Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của khoa như: Nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế được bệnh viện giao theo quy định.

Thực hiện tiết kiệm, chống thất thoát và lãng phí trong điều trị, kê khai, tính đúng, tính đủ các chi phí điều trị của bệnh nhân. Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.

Thực hiện xã hội hóa công tác y tế theo quy định của Nhà nước và bệnh viện.

 

5. Những thành tựu:

Trải qua 8 năm thành lập, xây dựng và trưởng thành, mặc dù Khoa Y học hạt nhân còn non trẻ, có nhiều thử thách và khó khăn đối với tập thể y bác sĩ, điều dưỡng và kĩ thuật viên. Nhưng không vì thế mà tập thể khoa nản chí, với một chặng đường ngắn đi qua, khoa Y học hạt nhân cũng đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng. Tổng số bệnh nhân chụp SPECT và chụp PET/CT tại khoa YHHN Bệnh viện K năm 2020:

PET/CT: 4.407 ca.

Xạ hình: 18.560 ca.

Điều trị I -131: 1.693 ca.

Ung thư thường hay di căn xương, tại khoa Y học hạt nhân đã phát hiện gần 1500 trường hợp tổn thương xương ác tính, trong đó 80% di căn xương sống, xương chậu, 5% di căn xương sọ, 10% di căn xương chi và 5% tổn thương xương nguyên phát, giúp các bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Hệ thống máy PET/CT giúp đáp ứng được nhu cầu lớn cũng như nguyện vọng của bệnh nhân. Báo cáo 2020 cho thấy số bệnh nhân chụp PET/CT tại khoa Y học hạt nhân bệnh viện K chiếm 31,8% tổng số bệnh nhân được chụp PET/CT của cả nước. Trong đó có 38,2% bệnh nhân được chụp để đánh giá giai đoạn trước điều trị, 20,5% đánh giá hiệu quả sau điều trị và 37,2% bệnh nhân đánh giá tái phát, di căn. Bên cạnh đó,ung thư phế quản phổi chiếm tỷ lệ cao nhất (19,9%), lymphoma (18,7%), ung thư vú (14,6%), di căn ung thư chưa rõ nguyên phát là 4,1%, các loại ung thư khác chiếm tỷ lệ 42,7%. Đặc biệt, trong ung thư chưa rõ nguyên phát, PET/CT đã phát hiện được 60% các tổn thương ác tính nguyên phát, giúp các bệnh nhân có được phương thức điều trị hợp lý nhất và tránh những can thiệp không cần thiết.

Khu điều trị I-131 sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 12 năm 2019 sẽ đáp ứng được nhu cầu lớn của bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau khi phẫu thuật được cắt tuyến giáp toàn bộ, qua đó hoàn thành một phác đồ điều trị và theo dõi cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Tạo tiền đề ứng dụng những dược chất phóng xạ như Y-90, I-125, P-32,… vào điều trị bệnh lý ung thư.

Không ngừng nâng cao công tác chuyên môn, cũng như tiếp thu những quy trình hiện đại của thế giới, khoa Y học hạt nhân còn chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho các bệnh viện, khoa Y học hạt nhân tuyến cơ sở như khoa Ung bướu – Y học hạt nhân của bệnh viện Bãi Cháy,… Bên cạnh đó, khoa cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực Y học hạt nhân cho các bệnh viện như bệnh viện Ung bướu Nghệ An, khoa Y học hạt nhân – Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng,…

Thong ke

Kết nối facebook