• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

HẠNH PHÚC ĐÃ MỈM CƯỜI SAU HÀNH TRÌNH PHI THƯỜNG CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ CỤT CHÂN PHẢI, CHIẾN THẮNG UNG THƯ VÚ 11 NĂM

09/08/2019 17:08

BVK - Nếu như bạn, khi mới 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của người con gái, mà trong một lần không may bị mất đi một bên chân, rồi sau đó lại nghe bác sĩ chẩn đoán bị ung thư vú thì bạn sẽ đối mặt với điều đó như thế nào? Còn tôi, sau khi nghe câu chuyện của người phụ nữ ấy thì trong tôi dâng lên một sự xúc động mạnh, rất khâm phục và ngưỡng mộ sự mạnh mẽ, tinh thần lạc quan và ý chí kiên cường của chị.    

Chị là Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1965 ở Hải Phòng. Khi chị mới là cô sinh viên đại học năm đầu với bao ước mơ và hoài bão thì chị bị tai nạn giao thông mất một bên chân phải. Trải qua 2 năm đau đớn với 4 lần phẫu thuật, chị đã tập đi lại bằng chân giả. Ra trường, chị lấy chồng và sinh hai đứa con kháu khỉnh. Những tưởng một gia đình hạnh phúc đã là sự đền đáp đầy ý nghĩa cho những mất mát trước đó của chị. Nhưng hình như cuộc đời vẫn muốn thử thách lòng kiên trì và sự mạnh mẽ của chị. Năm 2008, khi đó chị 43 tuổi, trong một lần tự thăm khám tại nhà, chị sờ thấy cục u nhỏ ở vú, ngay lập tức, chị lên kiểm tra tại bệnh viện K và có kết luận bị ung thư vú. Chia sẻ với tôi, chị nói: “Khi biết mình bị bệnh chị không sốc nhưng không khỏi sợ hãi”. Vì thời điểm chị mắc bệnh sự hiểu biết về bệnh ung thư còn hạn chế, nhắc đến ung thư là hết, là chết. Chị đã từng quyết định không điều trị sau một ngày dài suy nghĩ và cả một đêm chỉ biết khóc. Nhưng khi chị suy sụp nhất thì chồng chị và gia đình không quay lưng lại với chị, họ luôn bên cạnh động viên, thuyết phục và tiếp thêm sức mạnh để chị chiến đấu với căn bệnh mà ai cũng sợ hãi và muốn đầu hàng. Chị biết, nếu chị suy sụp lúc này thì chồng và con chị sẽ suy sụp theo vì vậy chị quyết định điều trị. Chị bắt đầu tìm hiểu và nhờ người thân giúp đỡ tìm tới các bác sĩ giỏi của viện K. Trong quá trình điều trị, chị luôn tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, lắng nghe tư vấn của bác sĩ về việc luyện tập thể dục, về chế độ ăn uống phù hợp, nói không với những sản phẩm có khả năng gây tổn hại đến gan, thận, bên cạnh một tinh thần lạc quan nên chất lượng cuộc sống của chị tốt dần lên.

Ý thức được tầm quan trọng của việc hiểu về ung thư đối với bản thân nói riêng và với đồng bệnh nói chung, nên ngoài việc tự nghiên cứu nhiều sách báo, tài liệu chị còn là một trong những thủ lĩnh của Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường, một câu lạc bộ dành riêng cho bệnh nhân bị ung thư vú. Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường được các Giáo sư, Bác sỹ chuyên khoa Ung bướu,Tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, Cơ xương khớp, nội tiết, tuyến giáp và tâm lý đồng hành và tư vấn cho các thành viên CLB có thêm kiến thức, hiểu biết về bệnh trong các buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ tại Hà Nội.

Theo chị, một người bệnh bị ung thư nếu chỉ có thực hiện đúng phác đồ điều trị của bác sĩ thôi chưa đủ, họ cần có sự động viên, hỗ trợ về mặt tinh thần để có thể mạnh mẽ đối diện với những nỗi buồn, nỗi lo lắng, nỗi cô đơn của chính mình cùng những kì thị của xã hội. Câu lạc bộ của chị được sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên ngành ung thư của cả nước và hội ung thư mỹ toàn cầu, luôn tổ chức những buổi tập huấn tư vấn đồng đảng cho các chị em cách đối diện với bệnh ung thư, cách vượt qua nỗi sợ hãi và cách tự chăm sóc bản thân. Từ những kiến thức thu nhận được, chị chia sẻ một cách nhiệt tình đến các chị em có quan tâm, tinh thần lạc quan trước những khó khăn của chị đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người bệnh giống như chị, họ coi chị như một điểm tựa tinh thần khi mắc bệnh. Những buổi tối, khi mọi người đều dành thời gian cho gia đình bé nhỏ của mình thì chị vẫn kiên nhẫn dành thời gian để lắng nghe những tâm sự, những lo lắng, những bất an của đồng bệnh. Là một bệnh nhân ung thư nên chị hiểu cảm giác hoang mang, thu mình đến trầm cảm của những đồng bệnh khi mới nghe tin mình bị ung thư. Chị lắng nghe và chia sẻ tâm tư cùng với họ, chị động viên và tư vấn họ từ những bước chuẩn bị đầu tiên về tâm lý cho bản thân, cách đối diện thực tế với một tinh thần lạc quan, rồi những bước chuẩn bị về mặt kinh tế như hướng dẫn họ mua bảo hiểm y tế vì bệnh sẽ phải điều trị lâu dài, khuyên nhủ họ phải ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, nhắc họ tránh xa những cách chữa trị bằng phương pháp chưa được kiểm chứng như thuốc nam, bột giun, bột cóc…

Khi chị bị bệnh, con gái chị mới học lớp 6 và con trai học lớp 2, lúc đó chị chỉ ước ao có thể sống để nắm tay con gái mình mặc một tà áo trắng bước chân vào cổng trường phổ thông trung học. Những tưởng ước mơ ấy xa vời đối với một bệnh nhân ung thư, nhưng không, giờ con gái chị đã học xong đại học và đã đi làm, còn chị, vẫn như xưa, vẫn vẹn nguyên một người phụ nữ năng nổ, nhiệt tình, đầy vui vẻ và hạnh phúc.

Hơn 11 năm mạnh mẽ chống lại căn bệnh ung thư cũng là chừng đó quãng thời gian chị đồng hành cùng đồng bệnh của mình trên từng giai đoạn chiến đấu kiên cường của họ. Chị không nhớ hết những người mình đã chia sẻ, tư vấn, động viên, nhưng chị luôn tâm niệm, sống một ngày có ý nghĩa có nghĩa là ngày đó chị còn được nấu một bữa cơm ngon chờ chồng con về ăn, giặt bộ quần áo cho chồng, ngắm nhìn hai con lớn lên từng ngày và được sẻ chia, giúp đỡ những người phụ nữ có cùng hoàn cảnh giống như mình để chứng minh một điều rằng: Ung thư không phải dấu chấm hết.

Lời khuyên của một bệnh nhân hiện khỏe mạnh sau điều trị ung thư vú 11 năm, tôi và các bạn, những người khỏe mạnh hay đang mang trong mình căn bệnh ung thư, hãy cùng thực hiện theo tiêu chí 4T để giữ gìn sức khỏe của chính mình nhé!

  1. Tinh thần: Luôn suy nghĩ tích cực, làm những việc có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội nếu có thể.
  2. Thực phẩm: Ăn đa dạng chất, nhiều rau xanh và trái cây, uống nhiều nước, giảm tinh bột.
  3. Thuốc: Luôn tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sỹ, tránh sử dụng những loại thuốc mà khoa học chưa kiểm chứng.
  4. Thể thao: Hãy lựa chọn một môn thể thao phù hợp với mình nhất để nâng cao sức khỏe ( tập yoga, đạp xe, đi bộ….).

Ngô Nhâm – Phòng CTXH

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook