• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Ngành y tế vượt chỉ tiêu về số giường bệnh và tỉ lệ dân số tham gia BHYT

19/01/2018 10:01

Ngày 19/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành y tế năm 2018 và Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu các tỉnh, quận, huyện, thị xã, thành phố với khoảng trên 12.000 đại biểu của cả nước tham dự.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị.

Vượt chỉ tiêu Quốc hội giao về số giường bệnh và tỉ lệ dân số tham gia BHYT

Tổng kết công tác năm 2017, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đã hoàn thành vượt mức 2 chỉ tiêu Quốc hội giao là chỉ tiêu số giường bệnh trên 10.000 dân: giao 25,5%, đạt 25,7%; chỉ tiêu tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT): giao 82,2%, đạt 86,4%. Đạt 11/11 chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Kết quả xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật đã hoàn thành Đề án và được Hội nghị Trung ương 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Hai là, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới. Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII năm 1993, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã ban hành 2 Nghị quyết về công tác y tế, công tác dân số với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hết sức cụ thể nhằm mục tiêu: Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.

Đồng thời, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế; đấu thầu thuốc tập trung quốc gia; lập hồ sơ sức khỏe cá nhân…

Bộ trưởng cho biết, ngành y tế đã lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng số đơn vị tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng tỷ lệ BHYT lên 86,4%. Việc lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế, cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn… vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua thẻ hoặc hỗ trợ phần lớn để mua BHYT, phần tăng thêm do bảo hiểm xã hội thanh toán, tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người có thẻ BHYT được tốt hơn, khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới phát triển các kỹ thuật y tế, giảm tải tuyến trên. Mặt khác khuyến khích người dân mua BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng từ 81,7% năm 2016 lên 86,4% năm 2017.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị.

Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia giúp giảm chi phí thuốc, tiết kiệm ngân sách: Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã hoàn thành đợt mua sắm tập trung cấp quốc gia đầu tiên, gồm 5 hoạt chất thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia. Tổng giá trúng thầu là hơn 2.269 tỷ đồng, giá kế hoạch là 2.746 tỷ đồng, đã tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (17%) so với giá kế hoạch. Trong đó, các biệt dược tiết kiệm được khoảng hơn 114 tỷ đồng (giảm 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu); các thuốc generic tiết kiệm được hơn 362 tỷ đồng (giảm 33% so với giá kế hoạch).Lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện. Với hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc là điều rất thuận lợi cho việc triển khai việc quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Đây là tuyến y tế gần dân nhất, nhanh nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuy nhiên hiện tuyến y tế này vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả do những khó khăn về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ... Do đó, cùng với việc bao phủ y tế toàn dân để đảm bảo cơ chế tài chính, quyết tâm của Chính phủ thực hiện việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe sẽ tạo ra một cơ chế mới, khắc phục được khó khăn này, trở thành một trong những bước thực hiện bao phủ toàn diện về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại cơ sở.

Cũng trong năm 2017, ngành y tế đã đổi mới, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy y tế từ trung ương tới địa phương theo hướng tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tại trung ương, thực hiện Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, đã giảm được 36 phòng trong các Vụ, Cục (từ 94 xuống còn 58 phòng). Thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế. Hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dân số; Quyết định ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế để thay thế Quyết định số 246/QĐ-TTg ngày 12/2/2014. Đã ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục phòng chống HIV/AIDS. Đang khẩn trương hoàn thiện để quy định chức, năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, Cục còn lại, Tổng cục, Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ trong đầu năm 2018. Đã tiến hành thẩm định đề án thành lập Bệnh viện Nội tiết TW TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TW Cần Thơ trực thuộc Bộ Y tế.

Tại địa phương, đã thực hiện sáp nhập một số trung tâm không có giường bệnh làm nhiệm vụ y tế dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (thực hiện theo Thông tư số 26/2017/TT-BYT ngày 26/6/2017), đến nay đã có 40 tỉnh, TP được UBND tỉnh, TP ban hành quyết định quy định thực hiện; 202/420 huyện đã thực hiện hợp nhất bệnh viện, trung tâm y tế huyện 1 chức năng thành trung tâm y tế huyện 2 chức năng và quản lý trạm y tế xã. Ban hành Thông tư 29/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.

Về lĩnh vực khám chữa bệnh, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng: Ngày 21/2/2017, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người tại Việt Nam. Bệnh nhân được ghép là cháu bé 6 tuổi.

Trường hợp ghép tim nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam đó là bệnh nhân Nguyễn Thành Đạt 10 tuổi với chẩn đoán cơ tim giãn nở do suy tim giai đoạn cuối, không còn giải pháp điều trị khác ngoài ghép. Ngày 15-3, ca ghép kéo dài khoảng 10 tiếng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành công.

Bệnh viện Chợ Rẫy lập 8 kỷ lục Việt do Hội Kỷ lục Việt Nam xác nhận, đó là các kỷ lục về "Bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam”; “Bệnh viện tổ chức và thực hiện quy trình ghép thận từ người hiến tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam”; “Đơn vị thực hiện nhiều ca ghép thận nhất Việt Nam”; “Đơn vị tổ chức vận chuyển tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”; “Người thực hiện ca ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam”; “Người thực hiện ca phẫu thuật lấy và ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam”; “Người tổ chức điều phối tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”; “Người thực hiện ca ghép thận đổi chéo người cho đầu tiên tại Việt Nam”.

Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được khai trương vào ngày 24/3/2017, hệ thống đã được áp dụng và triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/6/2017, 63 tỉnh/thành phố với 12.877 đơn vị. Đến nay, Hệ thống đã ghi nhận: 8.713.381 đối tượng. Đảm bảo quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng, là trẻ em, phụ nữ theo mã ID, quản lý suốt đời từ khi trẻ sinh ra, quản lý vật tư vắc xin và các tiện ích khác cho người dùng như quét mã vạch đối tượng, nhắn tin cho người dân, cổng thông tin tra cứu lịch sử tiêm chủng. Hệ thống thực hiện quản lý quá trình, toàn diện các công tác tiêm chủng cho cán bộ trực tiếp và cán bộ quản lý 4 tuyến từ Trung ương đến trạm y tế xã.

Việt Nam tự hào trở thành một trong bốn nước Châu Á có thể tự sản xuất vắc xin phối hợp sởi-rubella, sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ (Dự án Tăng cường năng lực sản xuất Vắc xin Sởi Rubella do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA). Đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vắc xin 2 trong 1 trên dây truyền công nghệ hiện đại. Vắc xin này đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành vào tháng 3/2017, dự án đã hoàn thành sớm 01 năm so với kế hoạch (kế hoạch là tháng 3/2018).

Theo Suckhoedoisong

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook