• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

VIỆN CURIE, PHÁP HỖ TRỢ ĐÀO TẠO VỀ UNG THƯ Ở TRẺ EM

05/12/2018 10:12

BVK - Ngày 4/12, Bệnh viện K tổ chức hội thảo khoa học cập nhật u nguyên bào thần kinh và u nguyên bào thận với sự tham gia của các chuyên gia về ung thư nhi, phẫu thuật ngoại nhi và di truyền học của Viện Cuire (Pháp).  

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia Viện Curie (Paris, Pháp) gồm TS Jerome Couturier, nguyên Trưởng Labo Di truyền tế bào; TS Gaelle Pierron, bác sĩ Labo Di truyền; TS Jean Michon nguyên Trưởng khoa Ung thư Nhi. Ngoài ra còn có TS Pascale Philippe-Chomette, bác sỹ phẫu thuật ngoại Nhi, Bệnh viện Robert Debre (Paris, Pháp). 

Đồng thời còn có sự tham gia của các bác sỹ nhi khoa làm việc trong lĩnh vực ung thư nhi, bác sỹ nội trú, điều dưỡng, kỹ thuật viên di truyền và giải phẫu bệnh từ các Bệnh viện K, Nhi trung ương, Việt Đức, Vinmec Times City, Trung ương Huế, các bệnh viện của TP HCM.

Phát biểu khai mạc hội thảo, tiến sĩ Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, điều trị rất khó. Các bác sỹ chủ yếu được đào tạo chuyên nghành về ung thư, ít bác sĩ được đào tào về nhi khoa. Trong khi đó, để điều trị cho bệnh nhi đạt hiệu quả thì cần phối hợp chặt chẽ giữa nhi khoa và nhi ung thư. 

Ung thư thường gặp ở người trung tuổi trở lên, tuy nhiên, có một số bệnh ung thư thường gặp ở trẻ em. Đa số loại ung thư ở trẻ em là ung thư bạch cầu, ung thư hạch, ung thư não, vv… Khác với người lớn, ung thư ở trẻ em có thể hình thành từ các tế bào non thời kỳ phôi thai.

Ung thư ở trẻ em thường bắt đầu ở hệ thống thần kinh, não, xương, cơ, thận và đôi khi cả máu. Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ có thể mắc các bệnh ung thư như người lớn. Trẻ sẽ có cơ hội được cứu sống tốt hơn nếu phát hiện sớm ung thư.

Gửi lời cảm ơn các thầy cô Viện Curie sang và làm việc tại Bệnh viện K, tiến sĩ Quảng cho rằng đây là cơ hội để các bác sĩ của Bệnh viện cập nhật thêm các kiến thức chuyên về nhi khoa.

Hội thảo nhằm cập nhật về chẩn đoán, điều trị về u nguyên bào thần kinh, u nguyên bào thận. Từ đó thảo luận xây dựng phát đồ quốc gia. Đồng thời cập nhật về di truyền phân tử trong ung thư Nhi:áp dụng trong chẩn đoán, điều trị nội khoa và ngoại khoa, ứng dụng vào yhọc chính xác.

Đồng thời, thay đổi cái nhìn về chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu, sinh học phân tử và phẫu thuật. Chúng cũng đóng vai trò rất quan trọng, góp phần thay đổi hiệu quả điều trị. Xét nghiệm về di truyền giúp tiên lượng bệnh rất tốt, từ đó giúp bác sĩ quyết định được phác đồ điều trị như thế nào cho phù hợp.  

Đoàn chuyên gia Pháp sẽ làm việc trong một tuần, giúp một số bệnh viện có chuyên khoa ung bướu nhi trang bị kiến thức về hai bệnh này. Tại Bệnh viện K, ngoài các bài giảng trên hội trường, các chuyên gia sẽ làm việc trực tiếp tại các labo, phòng mổ.

TS.BS Phạm Thị Việt Hương, Phó khoa Nhi, Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, u nguyên bào thần kinh ở trẻ em thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, gặp nhiều nhất ở trẻ 2-3 tuổi. Mỗi năm tại Bệnh viện K gặp khoảng 30 trẻ mắc u nguyên bào thần kinh (cả bệnh nhi cũ, mới). Trong đó hầu hết trẻ được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, nặng, di căn nhiều bộ phận. Khi đó, việc điều trị vô cùng khó khăn. 

“Đối tượng mắc là trẻ nhỏ, bệnh lại nặng đây thực sự là một thách thức với các bác sĩ lâm sàng, phẫu thuật, xạ trị…”, bác sĩ Hương chia sẻ. 

Trường hợp bé trai 5 tuổi là một ví dụ. Cậu bé vào viện với biểu hiện đau bụng từ một tháng trước. Kết quả chẩn đoán hình ảnh phát hiện có u kích thước lớn 9x8 cm ở vùng cực trên thận phải, nhiều hạch ổ bụng, tụ dịch dưới bào thận, có nhiều dịch ổ bụng. Khối u sau phúc mạc đã vỡ, di căn hạch, gan.

Theo bác sĩ Trần Trung Toàn, Trung tâm Giải phẫu bệnh-Sinh học Phân tử, Bệnh viện K, bệnh nhi được chẩn đoán mắc u nguyên bào thần kinh không biệt hóa giai đoạn 4 L2, thuộc nhóm tiên lượng xấu. 

Ngược lại, u nguyên bào thận là bệnh hay gặp thứ 7 trong số các bệnh ung thư ở trẻ em. Tiên lượng tốt hơn nhiều so với u nguyên bào thần kinh. Thậm chí có thể coi là điều trị khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Tại Bệnh viện K một năm gặp 15-16 ca, đây là bệnh hiếm. Một số trường hợp sau khi ra viện vẫn sống mười mấy năm bình thường. Song nếu để u to, vỡ sẽ làm lan tràn tế bào ác tính ra ổ bụng, thất bại điều trị.

Trong bài giảng của mình về u nguyên bào thần kinh, tiến sĩ Jean Michon, bác sỹ ung thư Nhi, nguyên Trưởng khoa Ung thư Nhi, Viện Curie (Paris, Pháp) nhấn mạnh đến việc đánh giá yếu tố tiên lượng bệnh, trong đó yếu tố di truyền được sử dụng rộng rãi. Xét nghiệm về gene giúp bác sĩ biết được bệnh nhân có biến đổi về số lượng hay cấu trúc NST không, từ đó tiên lượng về bệnh, giúp tiếp cận điều trị ở hướng cá thể. Chẳng hạn, bệnh nhân chỉ có biến đối nhiễm sắc thể tiên lượng tốt hơn nhiều so với trường hợp có biến đổi về cấu trúc. 

Ngoài ra, chuyên gia cũng chỉ ra mối tương quan giữa biến đổi di truyền và vị trí khối u. Vị trí u ở cổ, tiểu khung thì 100% có biến đổi NST tiên lượng tốt hơn, ít khi có biến đổi di truyền tiên lượng không tốt. Trong khi đó vị trí khối u ở ngực thì 2/3 là biến đổi số lượng, 1/3 biến đổi cấu trúc NST…

Dưới đây là những bệnh ung thư thường gặp nhất ở trẻ em và cách phát hiện sớm:

Bệnh bạch cầu

Đây là loại ung thư thường gặp nhất ở trẻ em, còn gọi là ung thư máu. Nguyên nhân là do tủy xương sản sinh các bạch cầu bất thường, chúng không thực hiện đúng chức năng bình thường của tế bào bạch cầu, và ngày càng lấn chiếm các tế bào bạch cầu lành khác khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng.

Triệu chứng nhận biết: Cha mẹ hãy chú ý khi con bị sốt dai dẳng, dễ bầm tím, mệt mỏi, làn da nhợt nhạt, sụt cân, dễ chảy máu và bầm tím, đau xương khớp, vv… và đưa con đi khám ngay khi có những triệu chứng này.

Ung thư hạch (u lymphô)

Loại ung thư này phát sinh từ hệ miễn dịch (hệ lymphô). Nhiều tế bào lymphô bất thường sản sinh lan tràn khắp cơ thể đe dọa tính mạng.

Các triệu chứng gồm: hạch to không đau ở cổ, nách, bẹn, sụt cân không lý do; nóng sốt; đổ mồ hôi đêm; ho khó thở đau ngực; mệt mỏi, đau và đầy bụng.

U não

Bệnh u não là loại u đặc hay gặp nhất và là loại u thường gặp ở trẻ em, chỉ đứng hàng thứ hai sau bệnh ung thư máu. Các bậc phụ huynh chớ coi thường khi thấy con thường xuyên bị nhức đầu, nôn mửa, thay đổi tính tình, có vấn đề về tầm nhìn hoặc ngôn ngữ. Hãy đưa con đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

Ung thư thận

Bướu nguyên bào thận, là một trong những ung thư thường gặp nhất ở trẻ em. Bướu thường gặp ở trẻ từ 1 đến 5 tuổi, là ung thư thận thường gặp nhất ở độ tuổi này.

Dấu hiệu cha mẹ cần chú ý: trẻ đau bụng hoặc bụng to, bác sĩ khám có thể thấy bướu ở bụng. Thông thường bướu Wilms được phát hiện khi cha mẹ thấy trẻ đau bụng hoặc bụng to, hoặc bác sĩ khám thấy bướu ở bụng. Trẻ có thể bị nóng sốt, tiểu ra máu…

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook