• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Lưu ý biểu hiện chứng đau đầu ở bệnh nhân ung thư

30/09/2020 11:09

BVK - Đau đầu là biểu hiện nhiều người bệnh ung thư thường gặp trong quá trình điều trị, đau đầu có nhiều triệu chứng và mức độ khác nhau, người bệnh cần trao đổi với bác sỹ để đánh giá cơn đau dựa trên nhiều yếu tố như thời điểm, tần suất, tác nhân, độ dài, điểm đau và cường độ. 

Có 2 loại đau đầu chính là:

Đau đầu nguyên phát: bao gồm chứng đau nửa đầu, đau đầu cụm và chứng đau căng đầu. Chứng đau căng đầu còn gọi là chứng đau đầu căng cơ.

Đau đầu thứ phát: gây ra bởi các bệnh lý khác hoặc các yếu tố tiềm ẩn, bao gồm khối u ở não, tổn thương vùng đầu, nhiễm trùng, hay do thuốc.

Đau đầu nguyên phát và thứ phát đều là triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân ung thư. Chăm sóc giảm nhẹ hay chăm sóc hỗ trợ giúp giảm nhẹ các triệu chứng là một phần quan trọng trong điều trị ung thư.

Các triệu chứng đau đầu thường gặp ở người bệnh ung thư

Thời điểm: là thời gian trong ngày mà người bệnh bị đau đầu. Đôi khi biết thời điểm đau có thể giúp xác định nguyên nhân, ví dụ cơn đau đầu cuối ngày thường là đau đầu căng cơ.

Tần suất: cơn đau có xảy ra thường xuyên không? Hàng ngày, hàng tuần hay thỉnh thoảng?

Tác nhân: là những yếu tố khởi phát cơn đau đầu. Tác nhân có thể là sự nhiễm lạnh, ảnh hưởng từ tiếng ồn lớn hay những loại thực phẩm nhất định.

Độ dài: Những cơn đau đầu có thể kéo dài chỉ vài phút hay có thể hàng giờ, thậm chí nhiều ngày. Có lúc cơn đau xuất hiện và biến mất rất nhanh. Có những cơn đau đầu sẽ chỉ biến mất sau nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

Điểm đau: là vị trí mà người bệnh cảm thấy đau, những vị trí phổ biến bao gồm:

  • Phía trên mắt

  • Vùng trước trán hay thái dương

  • Phía sau cổ

  • Một bên nửa đầu

Cường độ: cường độ của cơn đau đầu có thể dao động từ đau nhẹ đến đau dữ dội và đau không thể làm gì được (có nghĩa là gần như không cử động được hay không nói được). Đôi khi cơn đau chỉ xuất hiện nhẹ nhưng dần trở nên đau nhiều hơn. Đôi khi cơn đau đã rất dữ dội ngay từ đầu.

Ngoài triệu chứng đau đầu, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng đi kèm khác như buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, nhòe mắt, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng hay tiếng động, sốt, khó đi lại hay nói chuyện và đau tăng dần khi hoạt động.

Người bệnh nên theo dõi tất cả triệu chứng, điều này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và điều trị cơn đau đầu của bạn tốt hơn.

Nguyên nhân gây đau đầu

Đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, một số loại ung thư có thể gây đau đầu như ung thư não và tủy sống, ung thư tuyến yên, ung thư họng trên (còn được gọi là ung thư mũi họng), ung thư di căn lên não và một số dạng u lympho (lymphoma).

Các căn bệnh nhiễm trùng cũng gây ra đau đầu ở người bệnh như viêm xoang và viêm màng não. Viêm xoang là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở vùng xoang, là khoang trống thông nhau trong vùng xương mặt xung quanh mũi. Viêm màng não xảy ra khi màng bảo vệ che phủ não bộ và tủy sống bị sưng phù.

Đồng thời, một vài thuốc hóa trị cũng có thể gây đau đầu như fluorouracil (5-FU, Adrucil), procarbazine (Matulane), thuốc xạ trị vùng não, các liệu pháp kích thích hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể để chống lại ung thư. Các loại thuốc điều trị bệnh lý khác hoặc điều trị triệu chứng phụ của ung thư như kháng sinh điều trị nhiễm trùng, thuốc chống nôn phòng tránh hoặc điều trị chứng nôn, thuốc tim mạch cũng gây ra chứng đau đầu.

Ngoài ra, các triệu chứng phụ của điều trị ung thư hoặc các tình trạng bệnh khác như thiếu máu, suy giảm hồng cầu, tăng canxi trong máu, giảm tiểu cầu, mất nước quá nhiều do nôn hoặc tiêu chảy cũng có thể dẫn tới đau đầu. Chứng đau đầu còn có thể xảy ra do căng thẳng, mệt mỏi, lo âu hay khó ngủ.

Chẩn đoán đau đầu

Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng, bệnh sử, kiểm tra thể trạng, từ đó xác định loại đau đầu và nguyên nhân của nó. Do đó, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ nếu cơn đau xảy ra thường xuyên, dữ dội, khiến bạn tỉnh dậy giữa đêm. khi cơn đau thay đổi tính chất, tần suất xuất hiện hoặc có biểu hiện triệu chứng mới.

Để giúp xác định nguyên nhân, bác sĩ có thể sẽ làm thêm một số xét nghiệm máu, chụp cắt lớp (CT) để thiết lập hình ảnh 3D các bộ phận, chụp cộng hưởng từ MRI não, kỹ thuật sử dụng từ trường để thiết lập hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể hoặc làm xét nghiệm khác tùy vào các đặc điểm và triệu chứng của cơn đau.

Ngay khi thấy hiện tượng trên bạn nên liên hệ với bác sỹ điều trị để được hỗ trợ, thăm khám và tư vấn kịp thời!

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook