• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Bệnh viện K cứu sống bệnh nhân nhược cơ nặng bằng kỹ thuật thay huyết tương

16/10/2018 09:10

BVK – Cuối tháng 9/2018, lần đầu tiên các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện K đã thực hiện thành công kỹ thuật thay huyết tương điều trị cho nam bệnh nhân bị nhược cơ nặng do ung thư tuyến ức di căn màng phổi - căn bệnh dễ gây tử vong do các cơ hô hấp bị yếu, khiến bệnh nhân không thở được.

U tuyến ức là gì?

U tuyến ức thuộc khối u vùng trung thất, chiếm 30% trường hợp các u trung thất trước ở người lớn, 15% các u trung thất trước ở trẻ em. Theo thống kê của Hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc u tuyến ức khoảng 15/100.000 dân. Tỷ lệ mắc nam: nữ là 1: 1. Thể mô học hay gặp nhất là ung thư tuyến ức. Tuy nhiên tất cả các trường hợp u tuyến ức đều có khả năng xâm lấn nên phải được xem là ác tính. Phương pháp điều trị được áp dụng bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hoá chất đơn thuần hoặc phối hợp tuỳ theo giai đoạn bệnh. 

Có thể gặp u tuyến ức ở cả trẻ em và người già, tuổi hay gặp từ 50-69 tuổi đối với u tuyến ức không có biểu hiện nhược cơ, 30-69 tuổi đối với u tuyến ức có biểu hiện nhược cơ. Các triệu chứng cơ năng đa dạng, từ không có triệu chứng và được phát hiện sau khi chụp lồng ngực sàng lọc đến một số bệnh nhân có biểu hiện đau tức ngực, khó thở, ho khan, nhược cơ (liên quan đến cơ chế tự miễn). 

Nam bệnh nhân nguy kịch do u tuyến ức đã di căn

Bệnh nhân Ng. Đ. H, sinh năm 1987 nhập viện cấp cứu tại bệnh viện K trong tình trạng hôn mê, khó thở, suy hô hấp nặng do liệt cơ hô hấp. Khai thác nhanh bệnh sử của nam bệnh nhân, người nhà cho biết bệnh nhân đang điều trị ung thư tuyến ức.

Ngay lập tức bệnh nhân được đặt ống nội khí quản và thở máy qua ống nội khí quản, điều chỉnh các rối loạn về hô hấp và huyết động, đồng thời khẩn trương làm các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị tích cực cho bệnh nhân. Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu chẩn đoán bệnh nhân bị nhược cơ nặng do ung thư tuyến ức di căn màng phổi. Tiên lượng đây là trường hợp nặng và khó điều trị bởi trước đó bệnh nhân đã được truyền hóa chất 4 chu kì để điều trị ung thư tuyến ức.

Bệnh nhược cơ là một bệnh lý thần kinh cơ tự miễn (autoimmune neuromuscular disease) dẫn đến yếu cơ hoặc suy nhược cơ từng đợt gây ra do xung động thần kinh từ dây thần kinh đến cơ vân không dẫn truyền được làm cho cơ không vận động được, biểu hiện yếu các hệ cơ xương nhiều mức độ khác nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhược cơ, song u tuyến ức gây nhược cơ là bệnh lý rất thường gặp. Khi mắc bệnh cơ thể sẽ tự sản sinh ra các chất làm giảm khả năng vận động của cơ. Khi đó bệnh nhân có một số biểu hiện như: đau tức ngực, khó nuốt, dễ sặc, khó thở, sụp mi, nét mặt đờ đẫn…, Bệnh khó phát hiện sớm do dấu hiệu ở giai đoạn này không rõ ràng. Tính mạng bệnh nhân có thể bị đe dọa khi bệnh tiến triển sang các giai đoạn nặng hơn, gây ra nhược cơ hô hấp dẫn tới suy hô hấp và tử vong.

Bệnh nhân hoàn toàn hồi phục sau khi thay huyết tương

Có nhiều phương pháp điều trị nhược cơ như: Điều trị nội khoa, phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức, thay huyết tương. Thay huyết tương được áp dụng cho các trường hợp nhược cơ nặng, có nhược cơ hô hấp.

Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu đã đưa ra quyết định kịp thời và chuẩn xác, lập tức áp dụng kĩ thuật thay huyết tương cho bệnh nhân với hy vọng cải thiện tình trạng nhược cơ để anh H. sống không phải phụ thuộc máy thở. Thay huyết tương (Plasma exchange - PEX) trong bệnh lý cơn nhược cơ nặng là phương pháp loại bỏ các kháng thể tự miễn có trong bệnh lý nhược cơ ra khỏi cơ thể cùng với huyết tương và được thay thế bằng huyết tương mới. Do đó làm cải thiện tình trạng yếu cơ và giúp cho người bệnh được hồi phục nhanh cơ lực.

Bệnh nhân đang thay huyết tương

Với sự tận tình, theo dõi tích cực của đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm và hệ thống trang thiết bị hiện đại, sau hai lần thay huyết tương, tình trạng liệt cơ được cải thiện rõ. Đến lần thay thứ 3 bệnh nhân không phải thở máy, đã rút được ống nội khí quản và tự thở. Sau 6 lần thay huyết tương kết hợp điều trị nội khoa (Mestinon, corticoid) bệnh nhân đã thở tốt, ăn uống không sặc và sinh hoạt đi lại bình thường.

Bệnh nhân hồi phục sau thay huyết tương

Không chỉ thay huyết tương cho bệnh nhân nhược cơ nặng, thời gian gần đây khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện K còn triển khai các kĩ thuật hồi sức tích cực như: siêu lọc máu liên tục, lọc máu ngắt quãng…góp phần thúc đẩy, hỗ trợ tích cực vào quá trình phát triển chuyên môn của bệnh viện.

U tuyến ức là một trong số những bệnh phổ biến ở trung thất và có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho bệnh nhân. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, có thể la u lành tính hoặc ác tính nhưng sẽ thuyên giảm hoặc điều trị tận gốc nếu phát hiện sớm và điêu trị kịp thời.

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook