• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Giám đốc Bệnh viện K nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt vì đột phá điều trị ung thư vú

21/11/2018 09:11

BVK – Tối 20/11, tại Hà Nội cụm công trình khoa học Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư vú của GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K và các cộng sự được trao giải Nhất lĩnh vực Y dược giải thưởng Nhân tài Đất Việt. 

Lễ trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội vào tối ngày 20/11 với sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bà Nguyễn Thị Doan – Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Ông Phan Xuân Dũng- Uỷ viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Ông Chu Ngọc Anh- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-CN; Ông Đào Ngọc Dung- UV Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Ông Đặng Vũ Minh- Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt là các tác giả của 20 sản phẩm Công nghệ thông tin vào Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 và thành viên các công trình trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học. 

Được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do báo Dân trí, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đồng tổ chức bắt đầu từ năm 2005. 14 năm qua, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt ngày càng được mở rộng nhằm tìm kiếm và tôn vinh những nhân tài trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông, đã sáng tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, có khả năng ứng dụng và hiệu quả cao, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nước nhà. Nhân Tài Đất Việt là cuộc thi có tầm ảnh hưởng và uy tín.

Tại buổi lễ tôn vinh Nhân tài đất Việt, ông Phan Xuân Dũng, UV Trung ương Đảng đã công bố công trình đạt Nhất giải Y dược năm nay cho cụm công trình khoa học: "Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư vú" của tác giả: GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện ung thư Quốc gia và cộng sự.

Đối với bệnh ung thư vú, hiện nay trên thế giới có khoảng 2,1 triệu ca mới mắc và 627 nghìn ca tử vong, ước tính trong số đó có 15.229 ca mới mắc, 6.103 ca tử vong tại Việt Nam. Ung thư vú có thể sàng lọc, phát hiện sớm và tiên lượng điều trị tốt nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Ở Việt Nam, hiện có khoảng 42.188 người đang sống cùng căn bệnh ung thư vúvà đòi hỏi sự quan tâm của cả cộng đồng. Nhằm tăng tỷ lệ chữa khỏi, giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư vú, qua đó đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội và cộng đồng, GS.TS. Trần Văn Thuấn và cộng sự đã thực hiện“Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú” bao gồm tổng hợp các nghiên cứu từ dịch tễ học, các yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư vú cho tới hiệu quả điều trị bằng các phác đồ nội khoa khác nhau và phẫu thuật, xạ trị cũng như các yếu tố tiên lượng và chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư vú tại Việt Nam từ năm 1999 đến nay. Cụm công trình này là kết quả tổng hợp từ 03 đề tài cấp nhà nước, 03 đề tài cấp bộ, 02 đề tài cấp cơ sở, các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và 25 đề tài hướng dẫn học viên cao học, nội trú, nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công.

Các kết quả nghiên cứu đạt được từ cụm công trình đều mang tính ứng dụng cao. Thứ nhất, nghiên cứu về dịch tễ học, yếu tố nguy cơ chính là cơ sở cung cấp các số liệu quan trọng cho việc xây dựng kế hoạch quốc gia cũng như hoạch định chính sách kiểm soát ung thư tại Việt Nam. Cụ thể, ung thư vú là loại ung thư phổ biến hàng đầu ở nữ giới với tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi (ASR) vào năm 2013là 24,4/100.000 dân (ước tính của GLOBOCAN năm 2018 là 26,4/100.000 dân). Tại Hà Nội, tỷ lệ này khá cao trong giai đoạn 2005-2008 là 40,3/100.000 dân và có khuynh hướng tăng lên trong những năm gần đây. Ngoài các yếu tố di truyền, nguy cơ ung thư vú có liên quan đến tuổi bắt đầu kinh nguyệt muộn, tuổi sinh con lần đầu trên 30 tuổi. Xu hướng mắc ung thư vú ở phụ nữ Việt Nam bắt đầu tăng từ độ tuổi 30-34 tuổi và tăng nhanh, đỉnh cao ở 55-59 tuổi với tỷ lệ là 135/100.000 dân.

Thứ hai, nghiên cứu mô tả, đánh giá các hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm ở cộng đồng chính là bằng chứng cho thấy tính cấp thiết, tầm quan trọng và hiệu quả của các chương trình sàng lọc đối với việc giảm tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư vú. Trong giai đoạn 2008-2010, qua sàng lọc 70.980 phụ nữ tại 7 tỉnh/thành phố, tỷ lệ phát hiện ung thư vú qua sàng lọc là 59,2/100.000 phụ nữ là khá cao, cho thấy hiệu quả khi triển khai các chương trình này tại cộng đồng.Tại cộng đồng, chỉ có 24,2% phụ nữ có thực hành tự khám vú hàng tháng trong số những người tham gia chiến dịch sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng đó là tỷ lệ phát hiện bất thường ở nhóm phụ nữ thực hành tự khám vú thấp hơn ở nhóm không thực hành cho thấy hiệu quả và ý nghĩa của việc hướng dẫn phụ nữ tự khám vú đối với việc phát hiện sớm tổn thương ung thư vú.

Tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú đến khám ở giai đoạn muộn (III, IV) vẫn còn cao, chiếm tỷ lệ trên 50%, nguyên nhân chủ yếu do chủ quan, thiếu hiểu biết, kéo daì thời gian từ khi có triệu chứng đến khi tới cơ sở y tế đầu tiên. Theo Tổ chức Y tế thế giới, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư thuộc nhóm dự phòng cấp 2 và là một trong những hoạt động được khuyến khích thực hiện tại tuyến y tế cơ cở. Tuy nhiên, có đến 78,5% bác sỹ tuyến quận/huyện chưa được đào tạo về dự phòng và sàng lọc bệnh ung thư vú, thậm chí ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 99% các bác sỹ tuyến này mong muốn được đào tạo về nội dung này.

Thứ ba, ung thư vú cần áp dụng nhiều phương pháp điều trị và thời gian điều trị lâu dài với tổng chi phí cho điều trị lên đến 9.159 tỷ đồng/năm, cao nhất trong 6 loại ung thư phổ biến. Đây thực sự là gánh nặng kinh tế lớn đối với gia đình người bệnh và cả xã hội, đồng thời, đặt ra yêu cầu cần phải có sự quan tâm, vận động các chính sách bảo hiểm y tế phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, cụm công trình còn thể hiệntính mới, sáng tạo và hiệu quả ở các nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mới, thử nghiệm lâm sàng đánh giá, so sánh hiệu quả điều trị của các phác đồ khác nhau chính là cơ sở xây dựng, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị ung thư vú cũng như cải thiện thời gian sống thêm cho người bệnh. Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú”là ví dụ điển hình của việc lần đầu tiên áp dụng các kỹ thuật, phương pháp điều trị tiên tiến tại Việt Nam. Bằng kỹ thuật FISH – phương pháp lai tại chỗ gắn huỳnh quang, tỷ lệ bộc lộ HER2 lên đến 41%, và tỷ lệ khuyếch đại gen chiếm 39%, là dấu ấn quan trọng cho việc ứng dụng liệu pháp điều trị đíchbằng kháng thể đơn dòng Trastuzumab, qua đócải thiện ngoạn mục về tỷ lệ sống thêm cho bệnh nhân ung thư vú có thụ thể HER2 dương tính, cụ thể tỷ lệ sống thêm toàn bộ sau 1-3 năm là 87-98%, kể cả ở các nhóm có di căn hạch tỷ lệ sống không bệnh sau 5 năm là trên 75%.Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sống và khả năng tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh, đề tài cũng xây dựng phác đồ hoá chất bổ trợ trước kết hợp với chỉ định phẫu thuật bảo tồn, kết hợp với các phương pháp phẫu thuật tạo hình mới với thời gian tiến hành ngắn, khá an toàn, ít tai biến, và mang lại tính thẩm mỹ cao và đa số bệnh nhân hài lòng với kết quả điều trị. Ngoài ra, điều trị xạ trị kỹ thuật cao như xạ trị điều biến liều IMRTcũng lần đầu được ứng dụng đã giúp tăng tính chính xác và giảm độc tính đối với các mô lành xung quanh tổ chức u, tăng hiệu quả điều trị ung thư vú.

Bên cạnh đó, các phác đồ điều trị bổ trợ như cắt buồng trứng phối hợp với Tamoxifen, phác đồ TAC, phác đồ TA (Taxanes – Doxorubicin), phác đồ CMF và CAF, phác đồ AC, Anastrozole… cho thấy tỷ lệ sống thêm từ2-5 năm từ 70-96%. Ứng dụng tiến bộ về sinh học phân tử và giải phẫu bệnh cũng được chú trọng nghiên cứu nhằm đánh giá các yếu tố tiên lượng thời gian sống thêm (ER, PR HER2)cho bệnh nhân ung thư vú.

Song song với việc điều trị nâng cao tỷ lệ chữa khỏi và giảm tỷ lệ tử vong, cụm công trình cũng chỉ ra rằng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư vú cũng cần phải được quan tâm, thậm chí kể từ khi chẩn đoán bệnh. Sức khoẻ tinh thần, các chức năng xã hội và cảm giác đau là những yếu tố tác động lớn nhất đối với chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tỷ lệ stressở ngườibệnh ung thư vú là 40,4%; lo âu, trầm cảm tương ứng là 28,8%, 15,9%. Ngoài ra, trong số các nhu cầu hỗ trợ tâm lý - xã hội, nội dung mong muốn được hỗ trợ nhiều nhất là dinh dưỡng và điều trị. Vì vậy, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, cần phải có những biện pháp đồng bộ trong việc xây dựng các mô hình hỗ trợ tâm lý xã hội ngay tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.

“Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú” đã cung cấp bằng chứng tương đối đầy đủ và toàn diện liên quan tới ung thư vú tại Việt Nam với 78 bài báo đã xuất bản, trong đó có 4 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế và 02 sách chuyên khảo. Việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị đã nâng cao được tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú có thể trên 95% nếu bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Các kết quả nghiên cứu cũng đã giúp ích cho việc đào tạo nhân lực, cung cấp số liệu cho hoạch định chính sách, cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ứng dụng rộng rãi trong mạng lưới phòng chống ung thư ở Việt Nam nhờ các chương trình chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện K đối với nhiều bệnh viện ung bướu tuyến tỉnh trên cả nước. 

Đề tài này của GS.TS Trần Văn Thuấn và các cộng sự mở ra một cánh cửa tươi mới cho bệnh nhân ung thư vú. Các kết quả nghiên cứu cũng đã giúp ích cho việc đào tạo nhân lực, cung cấp số liệu cho hoạch định chính sách, cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ứng dụng rộng rãi trong mạng lưới phòng chống ung thư ở Việt Nam nhờ các chương trình chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện K đối với nhiều bệnh viện ung bướu tuyến tỉnh trên cả nước. 

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt không chỉ đã đóng góp cho sự phát triển nền y dược nước nhà mà còn tạo nên niềm tự hào của Việt Nam khi những công trình của những Giáo sư, bác sỹ trong lĩnh vực Y dược được tôn vinh trong nước và quốc tế đánh giá cao.

 

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook