• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

TRIỆU CHỨNG VÀ NHÓM ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ CAO MẮC UNG THƯ DẠ DÀY

27/07/2022 11:07

BVK - Ung thư dạ dày là tình trạng tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào biểu mô tuyến của dạ dày, từ đó hình thành nên khối u tại dạ dày, có thể xâm lấn các cấu trúc xung quanh, thậm chí di căn sang các cơ quan khác của cơ thể. Đây là một trong số các bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo số liệu toàn cầu năm 2020, ung thư dạ dày đứng thứ 5 trong số các bệnh ung thư thường gặp với hơn 1 triệu người mắc mới, đứng thứ 4 về tỷ lệ tử vong do bệnh ác tính với 770.000 ca. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc mới sau ung thư gan, phổi, vú với 17.902 ca mắc mới và 14.615 ca tử vong, cứ 100.000 sẽ có 24,64 người mắc ung thư dạ dày.

NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ

Các tổn thương tiền ung thư: Viêm dạ dày mãn tính kéo dài nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày,rồi các biến đổi dị sản, loạn sản mức độ từ nhẹ đến nặng. Cuối cùng dẫn đến ung thư dạ dày .

Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): HP làm viêm teo niêm mạc dạ dày mãn tính, gây nên các tổn thương tiền ung thư.

Thói quen ăn uống: Ăn thức ăn nhiều muối, chứa Nitrate như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói.. làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày .

Béo phì: người béo phì dễ bị mắc ung thư tâm vị dạ dày hơn người khác.

Nhóm máu: nhóm máu A hay bị ung thư dạ dày hơn các nhóm máu khác.

Tiền sử phẫu thuật dạ dày trước đó: nguy cơ mắc ung thư cao nhất sau 15-20 năm.

Di truyền: ung thư dạ dày liên quan tới một số hội chứng di truyền như ung thư đại trực tràng không polyp có tính chất gia đình, đa polyp có tính chất gia đình, Polyp dạ dày tăng sản…

ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ MẮC UNG THƯ DẠ DÀY

- Người có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày, như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột từng mắc ung thư dạ dày. Theo thống kê, những người trong gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 4 lần so với những người khác.

- Những người có viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm teo thân vị hoặc toàn bộ niêm mạc đều có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày. Hay những người bị viêm dạ dày mạn tính có nhiều dị sản ruột có nguy cơ phát triển thành ung thư dạ dày cao hơn.

- Những người bị hội chứng đa polip tuyến có tính chất gia đình, những polip này rất dễ trở thành ác tính.

- Người có tiền sử nhiễm HP dạ dày. Các nghiên cứu cho thấy có từ 35 – 90% bệnh nhân ung thư biểu mô dạ dày có liên quan tới nhiễm khuẩn HP.

- Người bị cắt dạ dày, dịch mật trào ngược gây viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tiến triển thành ung thư dạ dày.

- Người có thói quen ăn uống các thực phẩm chứa nhiều nitrat như ngũ cốc mốc, thịt hun khói, thực phẩm ướp nhiều muối. Khi vào dạ dày, các nitrat sẽ phản ứng với các amin tạo thành các nitrosamine, làm tăng nguy cơ gây ung thư.

TRIỆU CHỨNG

Triệu chứng lâm sàng của ung thư dạ dày thường không đặc hiệu, dễ nhầm với các bệnh lành tính. Khi triệu chứng lâm sàng điển hình thường bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Giai đoạn sớm các triệu chứng thường mờ nhạt:

- Chán ăn

- Đầy hơi, ậm ạch, khó tiêu

- Đau thượng vị (thoảng qua hoặc liên lục, thường không có liên quan đến bữa ăn)

- Nôn, buồn nôn

- Mệt mỏi

Giai đoạn muộn hơn có thể có các triệu chứng:

- Xuất huyết tiêu hoá: nôn máu, đại tiện phân đen

- Đau thượng vị dữ dội do thủng,vỡ u

- Đầy hơi, chướng bụng

- Nuốt nghẹn, đau sau xương ức ung thư cực trên dạ dày

- Nôn do hẹp môn vị

- Suy kiệt, thiếu máu

- Sốt do hội chứng cận u

- Sờ bụng: có thể sờ thấy u vùng thượng vị, bụng trướng do di căn màng bụng, bụng lõm lòng thuyền do biến chứng hẹp môn vị, bụng cứng như gỗ ( biến chứng thủng dạ dày).

- Có thể sờ thấy hạch thượng đòn trái

Trên đây là những dấu hiệu giúp bạn cảnh giác tới bệnh lý ung thư dạ dày. Để khẳng định có phải ung thư dạ dày hay không, các bác sỹ sẽ tư vấn nội soi dạ dày, giúp xác định vị trí u, hình ảnh đại thể của khối u (sùi, loét, thâm nhiễm, xơ chai), từ đó sẽ sinh thiết tổn thương để khẳng định ung thư.

Nếu không may bản thân có triệu chứng như trên, hãy nhanh chóng tới các cơ sở chuyên khoa gần nhất để được thăm khám, sàng lọc sớm nhất bệnh ung thư dạ dày!

Hãy liên hệ ngay với Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người bệnh của Bệnh viện K 1900886684 để được tư vấn khám tầm soát ung thư!

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook