• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Ung thư tuyến nước bọt

10/10/2023 10:10

BVK - Hầu hết các khối u tuyến nước bọt là lành tính và xảy ra ở tuyến nước bọt mang tai.Ung thư tuyến nước bọt bao gồm các tuyến nước bọt chính và phụ, trong đó các khối u tuyến mang tai chiếm 80%, còn lại là các khối u tuyến dưới hàm, dưới lưỡi.  Nhiều loại khối u tuyến nước bọt lành tính. U tuyến đa hình (còn được gọi là khối u đa hình) là các khối u tuyến nước bọt lành tính thường gặp nhất. Các khối u lành tính khác gồm ung thư biểu mô tuyến nang nhú dạng bạch huyết, u tế bào hạt tuyến mang tai và u tuyến.

U tuyến đa hình (khối u đa hình) có thể biến đổi thành ác tính, nhưng khả năng thường chỉ xảy ra sau khi u lành tính đã tồn tại được từ 15-20 năm. Một khi xảy ra tình trạng thoái hóa ác tính u tuyến đa hình, nó được gọi là ung thư u hỗn hợp. Các yếu tố ung thư biểu mô trong khối u di căn, khiến cho ung thư u hỗn hợp trở thành khối u rất dữ với tỷ lệ chữa khỏi rất thấp, bất kể áp dụng phương pháp điều trị nào.

Triệu chứng, dấu hiệu của ung thư tuyến nước bọt

  • Có cục hoặc sưng trong miệng, má, hàm hoặc cổ
  • Đau ở miệng, má, hàm, tai hoặc cổ mà không đỡ
  • Có khác biệt giữa kích thước, hình dạng của bên trái và bên phải của khuôn mặt hoặc cổ trước khi có khối u
  • Tê ở một phần khuôn mặt
  • Có yếu các cơ ở một bên mặt
  • Khó mở miệng rộng hơn
  • Có dịch bất thường chảy ra từ tai
  • Khó nuốt

Một số các dấu hiệu và triệu chứng trên cũng có thể được gây ra bởi các khối u tuyến nước bọt lành tính  hoặc do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ vấn đề nào trong số này, người bệnh phải gặp bác sĩ sớm nhất có thể để tìm và điều trị nguyên nhân nếu có.

Nguyên nhân ung thư tuyến nước bọt

Đa số các trường hợp ung thư tuyến nước bọt không tìm thấy nguyên nhân bệnh sinh. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh là: Sự tiếp xúc với bức xạ ion hóa, một số loại virus (Epstein Barr, Papiloma…), tiếp xúc với khói bụi công nghiệp (bụi nikel, amiăng…)

Điều trị ung thư tuyến nước bọt

Nguyên tắc chung là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến có u ác tính là phương pháp điều trị triệt căn có thể khỏi bệnh ở giai đoạn sớm.

Với u ác tính tuyến nước bọt, phẫu thuật, có thể kết hợp với xạ trị sau mổ là một lựa chọn để điều trị khối u còn khả năng cắt bỏ.

Khi phát hiện khối u tuyến nước bọt trong giai đoạn còn phẫu thuật được, không nên chỉ lấy u (nhân) hay lấy bỏ thùy nông đơn thuần. Cắt thùy hoặc cắt toàn bộ tuyến có bảo tồn dây thần kinh hoặc mạch máu nếu khối u nhỏ ở nông mà không xâm lấn ra ngoài nhu mô tuyến. Bảo tồn dây thần kinh mặt là một nguyên tắc phẫu thuật.  

Cắt toàn bộ tuyến kèm cắt rộng cắt mô liên quan như dây thần kinh, da, cơ, xương trong trường hợp u có xâm lấn.

Phẫu thuật vét hạch cổ chọn lọc, vét hạch chức năng và vét hạch cổ triệt căn tùy thuộc đánh giá di căn hạch trước điều trị.

Xạ trị bổ trợ hậu phẫu nếu khối u độ ác tính cao, xạ trị kết hợp hóa trị với trường hợp không còn khả năng phẫu thuật. Một số thuốc ức chế miễn dịch được nghiên cứu chứng minh rằng có tác dụng trên một nhóm các bệnh nhân đã thất bại với biện pháp hóa trị liệu.

Ung thư tuyến nước bọt có tiên lượng tốt khi bệnh ở giai đoạn sớm và được phẫu thuật triệt để và được đánh giá cẩn thận đa chuyên khoa. Sau điều trị cần theo dõi 1-3 tháng/lần trong năm đầu tiên, 4-6 tháng/lần trong năm thứ hai, 8 tháng/lần trong các năm tiếp theo. Sau 5 năm có thể tái khám 1 năm/lần.

Để phòng bệnh ung thư tuyến nước bọt cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, uống  đủ ít nhất 2 lít nước/ ngày. Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế bia rượu và cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.

 

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook