• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Vì sao cần bỏ thuốc lá?

07/07/2023 16:07

BVK - Khói thuốc lá và thuốc lào chứa nhiều loại hóa chất độc hại cho cả người hút thuốc và người không hút thuốc. Thậm chí, trong không khí chỉ có một ít khói thuốc cũng có thể gây hại.

Trong khói thuốc lá có hơn 7.000 hóa chất khác nhau. Trong đó, ít nhất 250 loại hóa chất độc hại, bao gồm: hydrogen cyanide, carbon monoxide, và ammonia. Trong số 250 loại hóa chất độc hại, có ít nhất 69 loại có thể gây ung thư, bao gồm:

  • Aromatic amines
  • Acetaldehyde
  • Arsenic
  • Benzene
  • Beryllium (a toxic metal)
  • 1,3–Butadiene (a hazardous gas)
  • Cadmium (a toxic metal)
  • Chromium (a metallic element)
  • Ethylene oxide
  • Formaldehyde
  • Nickel (a metallic element)
  • Polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs) 
  • ...

Tác hại của hút thuốc lào cũng tương tự như hút thuốc lá

1. Tác hại của hút thuốc

Hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc gây ra khoảng 480.000 trường hợp tử vong sớm mỗi năm ở Hoa Kỳ. Trong số đó, khoảng 36% do ung thư, 39% do bệnh tim mạch và đột quỵ, và 24% do các bệnh phổi.

Tỷ lệ tử vong của những người hút thuốc cao hơn gấp 3 lần so với những người không bao giờ hút thuốc.

Khói thuốc gây hại cho gần như tất cả các cơ quan và hệ thống trong cơ thể và giảm sức khỏe tổng thể của con người. Hút thuốc gây ra các loại ung thư như: ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư họng, ung thư miệng, ung thư thanh quản, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư gan, ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng và bệnh bạch cầu cấp.

Hút thuốc cũng gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ, phình tách động mạch chủ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái đường, loãng xương, viêm khớp dạng thấp, làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen ở người lớn. Người hút thuốc cũng có nguy cơ bị lao và các nhiễm trùng khác..

Tổ chức Nghiên cứu ung thư Quốc tế xếp hút thuốc thụ động là một yếu tố gây ung thư. Những người không hút thuốc mà sống với người hút thuốc có nguy cơ ung thư phổi tăng 20 – 30%. Nguy cơ bệnh tim mạch tăng từ 25 – 30%. Nguy cơ đột quỵ cũng tăng 20 – 30%.

Trẻ con tiếp xúc với khói thuốc lá làm tăng nguy cơ bị hội chứng ngừng thở, nhiễm trùng tai, cảm lạnh, và viêm phế quản. Hút thuốc thụ động cũng làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của bệnh hen, làm chậm phát triển phổi ở trẻ em, có thể gây ho, khò khè và khó thở.

2. Những lợi ích ngay lập tức của bỏ thuốc

– Sau vài phút, nhịp tim và huyết áp – thường cao bất thường trong thời gian hút thuốc – sẽ bắt đầu quay trở lại bình thường.

– Sau vài giờ, nồng độ carbon monoxid (CO) trong máu bắt đầu giảm, giúp cải thiện khả năng mang ô xy.

– Sau vài tuần, những người bỏ thuốc sẽ cải thiện tuần hoàn, giảm đờm dãi, giảm ho và khò khè.

– Sau vài năm, những người bỏ thuốc sẽ giảm nguy cơ ung thư, các bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác so với việc họ tiếp tục hút thuốc.

3. Những lợi ích lâu dài của bỏ thuốc

Bỏ thuốc làm giảm nguy cơ ung thư và các bệnh khác, như các bệnh tim mạch và COPD, thường do hút thuốc gây ra.

Những người bỏ thuốc trước tuổi 40 làm giảm 90% nguy cơ chết sớm do những bệnh liên quan đến hút thuốc. Nếu họ bỏ thuốc ở tuổi 45-54 thì có thể giảm 2/3 nguy cơ chết sớm.

Bất kỳ độ tuổi nào, những người bỏ thuốc sẽ cải thiện thời gian sống thêm mong đợi so với những người hút thuốc. So với những người tiếp tục hút thuốc, những người bỏ thuốc giữa tuổi 25-34 sống thọ hơn 10 năm. Nếu họ bỏ thuốc giữa tuổi 35-44, họ sẽ sống thọ hơn 9 năm. Nếu họ bỏ thuốc giữa tuổi 45-54, họ sẽ sống thọ hơn 6 năm. Và nếu họ người bỏ thuốc giữa tuổi 55-64, họ sẽ sống thọ hơn 5 năm so với những người tiếp tục hút thuốc.

Mặc dù không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc, nhưng lợi ích càng lớn khi bỏ thuốc ở độ tuổi càng trẻ.

4. Bệnh nhân ung thư có cần bỏ thuốc? 

Bỏ thuốc là một yếu tố giúp tiên lượng của bệnh nhân ung thư tốt hơn. Với một số ung thư, bỏ thuốc tại thời điểm chẩn đoán ung thư có thể làm giảm nguy cơ tử vong từ 30 – 40%.

Khi thực hiện các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa chất và các phương pháp điều trị khác, bỏ thuốc có thể giúp cải thiện khả năng phục hồi của cơ thể và khả năng đáp ứng điều trị. Hơn nữa, bỏ thuốc có thể làm giảm nguy cơ ung thư tái phát, hoặc phát triển ung thư thứ hai.

Tóm lại, nếu bạn chưa hút thuốc lá, thì hãy chủ động tránh sử dụng. Còn nếu bạn đã hút thuốc, vì sức khỏe chính mình, gia đình và những người xung quanh, hãy bỏ thuốc càng sớm càng tốt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       National Cancer Institute (2017). Harms of Cigarette Smoking and Health Benefits of Quitting. .

2.       Knishkowy B. and Amitai Y. (2005). Water-pipe (narghile) smoking: an emerging health risk behavior. Pediatrics116(1), e113-119.

3.       Cobb C., Ward K.D., Maziak W., et al. (2010). Waterpipe tobacco smoking: an emerging health crisis in the United States. Am J Health Behav34(3), 275–285.

4.       U.S. Department of Health and Human Services (2014). The Health Consequences of Smoking—50 Years of Progress: A Report of the Surgeon General, 2014. Atlanta, GA: US Department of Health and Human Services, Centers for Disease Control and Prevention, National Center for Chronic Disease Prevention and Health Promotion, Office on Smoking and Health.

5.       Jha P., Ramasundarahettige C., Landsman V., et al. (2013). 21st-century hazards of smoking and benefits of cessation in the United States. N Engl J Med368(4), 341–350.

6.       U.S. Department of Health and Human Services (2006). The Health Consequences of Involuntary Exposure to Tobacco Smoke: A Report of the Surgeon General. Rockville, MD: US Department of Health and Human Services, Centers for Disease Control and Prevention, Coordinating Center for Health Promotion, National Center for Chronic Disease Prevention and Health Promotion, Office on Smoking and Health,.

7.       McBride C.M. and Ostroff J.S. (2003). Teachable moments for promoting smoking cessation: the context of cancer care and survivorship. Cancer Control10(4), 325–333.

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook