• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

UNG THƯ LÀ GÁNH NẶNG LỚN CHO NHIỀU QUỐC GIA

03/11/2017 15:11

QĐND Online - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị quốc tế “Kiểm soát ung thư thực trạng và giải pháp” do Bộ Y tế tổ chức ngày 3-11, tại Hà Nội. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia và hơn 300 đại biểu là các chuyên gia quốc tế và trong nước về lĩnh vực ung thư.

Mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 người mắc bệnh ung thư

Theo số liệu ghi nhận của ung thư toàn cầu và ước tính ghi nhận của ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Trong đó, đáng chú ý, một trong những nguyên nhân khiến con số bệnh nhân mắc và chết vì ung thư tại Việt Nam là do người bị bệnh đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

PGS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, ung thư có thể phòng ngừa, chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. 80% nguyên nhân gây ung thư là do môi trường sống, còn lại do yếu tố bên trong (di truyền và nội tiết). Riêng hút thuốc lá (chủ động và bị động) gây nên 30% các bệnh ung thư; 90% người ung thư phổi do hút thuốc lá. Nước uống, thực phẩm bẩn; dinh dưỡng không hợp lý; khẩu phần ăn nhiều chất béo, ít rau xanh và hoa quả cũng có thể gây ung thư đường tiêu hóa, đại tràng, dạ dày… Ngoài ra, sống và làm việc trong môi trường độc hại, không khí ô nhiễm, bệnh nhiễm trùng (virus viêm gan B gây viêm, xơ, ung thư gan), cũng là các yếu tố nguy cơ. 

-PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc bệnh viện K động viên người bệnh đang điều trị tại bệnh viện K-

Phòng, chống ung thư cần sự chung tay của cả xã hội

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng đã đưa ra các giải pháp triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở. Đến năm 2025 phấn đấu 95% trạm y tế, xã phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

Theo TS, bác sĩ Lại Đức Trường, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, hiện nay, ung thư đang là gánh nặng với sức khỏe cộng đồng, tỷ lệ mắc và tử vong ngày càng cao. Bệnh ung thư nói chung cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm sẽ giúp khả năng chữa khỏi bệnh cao và chi phí ít tốn kém. Hiện nay, các loại bệnh ung thư có thể được phát hiện sớm nếu người dân quan tâm đến sức khỏe của mình, tầm soát bệnh. Qua đó, sẽ giúp phát hiện sớm các bất thường của cơ thể. Trong đó, có thể phát hiện sớm được các bệnh ung thư. “Điều trị ung thư đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương pháp, bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ. Chính vậy mà cuộc chiến chống ung thư đòi hỏi sự phối hợp của nhiều tổ chức, ban, ngành; đoàn thể trong xã hội”, TS, bác sĩ Lại Đức Trường nhấn mạnh

Còn Giáo sư Wei Zheng, Giám đốc trung tâm dịch tễ học Vanderbilt, Hoa Kỳ thì cho rằng, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế đi kèm với sự thay đổi về môi trường sống và lối sống trong vòng 3 thập kỷ qua ở châu Á đã dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ ung thư và các bệnh mãn tính khác. Sự thay đổi này đưa tới một thách thức lớn đối với những nhà thực hành y tế công cộng và các nhà hoạch định chính sách trong việc thiết kế chiến lược phòng bệnh hiệu quả về mặt chi phí, đặc biệt khi hầu hết các nghiên cứu dịch tễ xác định nguyên nhân gây ung thư được tiến hành ở Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Để xác định nguyên nhân của sự gia tăng nguy cơ ung thư và để điều tra các giả thuyết về căn nguyên gây ung thư đã không được đánh giá đầy đủ ở các quần thể khác. Thông qua việc sử dụng số liệu và các mẫu sinh học cho thấy lối sống và yếu tố di truyền liên quan đến nguy cơ ung thư và các bệnh mãn tính khác.

Tại Việt Nam, việc phát hiện sớm các bệnh ung thư trong giai đầu chưa đạt được kết quả như mong đợi, vì vậy tỷ lệ bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nhiều, khiến chi phí điều trị lớn và hiệu quả thấp. Do đó, để các bệnh lý về ung thư giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội rất cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đồng thời, cũng là trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc chủ động phòng chống bệnh ung thư.

Tại hội nghị, các chuyên gia chuyên về ung thư quốc tế và Việt Nam cũng đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm một cách toàn diện trong lĩnh vực kiểm soát ung thư bao gồm: Dịch tễ  học và kiểm soát các yếu tố nguy cơ; giám sát và ghi nhận ung thư; dự phòng và sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư; các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư; chăm sóc giảm nhẹ và kiểm soát đau trong ung thư; kinh tế và chính sách trong phòng chống bệnh ung thư; hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh ung thư nhằm mục đích đưa ra đường lối và chiến lược phòng, chống ung thư tại Việt Nam.

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook