• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Chẩn đoán và điều trị ung thư thực quản

05/11/2018 16:11

BVK – Ung thư thực quản là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa thường gặp. Bệnh ở giai đoạn đầu không có nhiều dấu hiệu rõ ràng, thường đến khi ở giai đoạn tiến triển mới có triệu chứng như nghẹn, khó nuốt, đau rát cổ họng.......

Chẩn đoán ung thư thực quản bao gồm:

Chụp Xquang: biện pháp chụp Xquang thực quản cho thấy bất kỳ hình ảnh bất thường nào về hình dạng của thực quản.

Nội soi thực quản:là phương pháp dùng một ống mỏng có đèn sáng gọi là ống nội soi. Nếu có nghi ngờ vùng bất thường của thực quản, các bác sỹ có thể lấy bệnh phẩm tế bào và mô bệnh học qua nội soi để nghiên cứu dưới kính hiển vi điện tử, quy trình này được gọi là làm giải phẫu bệnh. Qua giải phẫu bệnh có thể nhìn thấy tổ chức ung thư hoặc các bất thường của tổ chức dẫn đến ung thư hoặc các tổn thương khác.

Đánh giá giai đoạn của ung thư thực quản

Khi đã được chẩn đoán là ung thư thực quản, bác sỹ cần phải biết đánh giá giai đoạn của ung thư hay còn gọi là mức độ phát triển, di căn của khối u. Đánh giá giai đoạn là bước để tìm ra xem khối u đã xâm lấn hay chưa và đã xâm lấn đến bộ phận nào của cơ thể. Biết được giai đoạn của bệnh sẽ giúp các thầy thuốc lập kế hoạch điều trị. Dưới đây mô tả 4 giai đoạn của ung thư thực quản:

-  Giai đoạn 1: Ung thư chỉ nằm ở lớp trên cùng của thành thực quản.

-  Giai đoạn 2: Ung thư lan đến lớp sâu hơn của thành thực quản hoặc xâm lấn đễn tổ chức bạch huyết lân cận.Ung thư chưa xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể.

-  Giai đoạn 3: Ung thư xâm lấn lớp sâu hơn của thành thực quản hoặc xâm lấn tổ chức hoặc hạch bạch huyết trong vùng cạnh thực quản.

-  Giai đoạn 4: Ung thư xâm lấn các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư có thể lan đến mọi vị trí bao gồm: gan, phổi não xương. Một số các xét nghiệm giúp xác định sự xâm lấn của ung thư bao gồm:

Chụp cắt lớp vi tính (C.T. Scanner): một máy tính được nối với máy chụp Xquang cho ra hàng loạt các chi tiết về các bộ phận bên trong cơ thể.

Xạ hình xương: Với kỹ thuật này, hình ảnh của xương được tái tạo lại trên màn hình máy tính và trên phim chụp giúp chẩn đoán xem khối u đã di căn xương hay chưa. Một lượng nhỏ hoạt chất có hoạt tính phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch., chất này sẽ đi theo bộ máy tuần hoàn đến tập trung chủ yếu vào xương đặc biệt vùng xương phát triển bất thường. Một dụng cụ đo hoạt tính phóng xạ vùng này giúp xác định di căn xương.

Nội soi phế quản: Sử dụng một ống soi phế quản mềm và có đèn chiếu qua đường miệng hoặc mũi của bệnh nhân đi xuống qua đường dẫn khí để đánh giá các tổn thương của đường hô hấp.

Điều trị ung thư thực quản phụ thuộc một số yếu tố bao gồm kích thước, vị trí, sự lan tràn khối u và tình trạng chung của bệnh nhân. Bệnh nhân thường được điều trị một nhóm các bác sỹ gồm nhiều chuyên ngành khác nhau như bác sỹ chuyên khoa tiêu hoá (chuyên điều trị các bệnh tiêu hoá), các phẫu thuật viên (chuyên cắt bỏ hoặc sửa chữa các bộ phận của cơ thể), bác sỹ nội khoa ung thư, các bác sỹ xạ trị ung thư.

Điều trị ung thư thường gây tình trạng tăng cảm răng miệng và nhiễm khuẩn do đó bác sỹ thường khuyên bệnh nhân đến gặp nha sỹ khám và điều trị các bệnh răng miệng trước điều trị.

Có nhiều nhiều biện pháp  được sử dụng nhằm kiểm soát ung thư, giảm các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Phẫu thuật: Là biện pháp điều trị chủ yếu ung thư thực quản. Thông thường khối u được lấy cùng với một phần hoặc toàn bộ thực quản, tổ chức bạch huyết kế cận và các tổ chức khác trong vùng. Sau đó phần còn lại của thực quản sẽ được nối với dạ dày giúp bệnh nhân vẫn tiếp tục nuốt như bình thường. Trong một số trường hợp đoạn nối có thể được tạo bởi một đoạn ruột non hoặc một ống nhựa. Phẫu thuật viên có thể mở rộng đoạn nối giữa dạ dày và rột non giúp thức ăn đi xuống dạ dày dễ dàng hơn. Phẫu thuật có thể được thực hiện sau các biện pháp điều trị khác.

Xạ trị: là biện pháp sử dụng nguồn tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị chỉ ảnh hưởng đến các tế bào trong vùng điều trị. Tia phát ra có thể xuất phát từ máy xạ trị (xạ ngoài), hoặc từ hoạt chất có hoạt tính phóng xạ được đặt vào khối u (xạ trong). Một ống nhựa được đặt vào thực quản giúp thực quản luôn mở. Xạ trị có thể được điều trị đươn thuần hoặc kết hợp hoá chất như một biện pháp điều trị khởi đầu thay cho phẫu thuật đặc biệt khi khối u lớn và ở vị trí khó khăn cho phẫu thuật. Thậm chí cả khi khối u không thể lấy bỏ được bằng phẫu thuật hoặc xạ trị thì điều trị tia xạ có thể giúp giảm đau và giúp bệnh nhân nuốt dễ dàng hơn.

Hoá trị liệu là biện pháp sử dụng các hoá chất kháng u để tiêu diệt tế bào ung thư. Các hoá chất thường được sử dụng bằng đường tĩnh mạch và sẽ lưu thông khắp cơ thể. Hoá chất có thể kết hợp xạ trị như biện pháp điều trị khởi đầu thay cho phẫu thuật hoặc nhằm làm giảm kích thước u trước phẫu thuật. 

Điều trị Laser: Sử dụng ánh sáng năng lượng cao tiêu diệt tế bào ung thư. Laser liệu pháp chỉ ảnh hưởng đến các tế bào trong vùng điều trị và được sử dụng nhằm phá huỷ tổ chức ung thư và giải phóng vùng tắc nghẽn của ung thư thực quản giúp làm giảm triệu chứng khó nuốt.

Điều trị quang động học: Sử dụng một số thuốc được hấp thụ chủ yếu bởi tế bào ung thư. Khi các tế bào này được chiếu dưới ánh sáng đặc biệt, các thuốc sẽ trở nên có hoạt tính và có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư. Có thể sử dụng liệu pháp quang động học giúp giảm các triệu chứng khó nuốt của ung thư thực quản.

Bệnh nhân có thể lựa chọn các biện pháp mới điều trị ung thư thực quản. Trong một số nghiên cứu, toàn bộ bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp mới, trong một số nghiên cứu khác, một nhóm bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp mới, một nhóm bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp thông thường (điều trị chuẩn), các bác sỹ sẽ so sánh hiệu quả các biện pháp điều trị và đưa ra biện pháp điều trị hiệu quả nhất.

Thường khác nhau tuỳ thuộc loại thuốc và từng bệnh nhân. Các bác sỹ sẽ giải thích về các tác dụng phụ và đưa ra các biện pháp giúp làm giảm các triệu chứng này.

Phẫu thuật ung thư thực quản: Gây đau và tăng cảm giác vùng phẫu thuật trong một thời gian ngắn và có thể kiểm soát được bằng một số thuốc.

Xạ trị: Có thể ảnh hưởng đến tế bào lành và tế bào ung thư. Tác dụng phụ của xạ trị phụ thuộc vào vùng điều trị và liều điều trị. Thường gặp các triệu chứng khô, đau họng, miệng, khó nuốt, sưng đau lợi, mệt mỏi và thay đổi vùng da điều trị. Bệnh nhân có thể mất cảm giác ăn ngon miệng. 

Hoá chất: Cũng giống điều trị tia xạ, hoá chất có thể ảnh hưởng đến cơ quan bình thường hoặc các cơ quan bị ung thư. Tác dụng phụ chủ yếu phụ thuộc vào thuốc điều trị và liều lượng sử dụng. Có thể gặp các triệu chứng: buồn nôn, nôn, giảm cảm giác ngon miệng, rụng tóc, đỏ da, ban đỏ, đau môi và họng miệng. Các triệu chứng này hết dần trong quá trình hồi phục giữa các  đợt điều trị hoặc sau khi điều trị kết thúc.

Điều trị Laser: Có thể gây đau trong một thời gian ngắn khi điều trị nhưng có thể kiểm soát được bằng thuốc.

Điều trị quang động học: Có thể làm da và mắt tăng nhây cảm với ánh sáng sau 6 tuần điều trị hoặc lâu hơn. Các tác dụng phụ khác có thể bao gồm: ho, khó nuốt, đau bụng, đau khi thở, hoặc cảm giác hụt hơi.

 

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook