• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Dấu hiệu và cách phòng ngừa, điều trị ung thư phổi

26/08/2020 08:08

BVK - Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn, chiếm tỷ lệ khoảng 12% tổng số ung thư các loại tính chung trên toàn thế giới. Ung thư phổi ở giai đoạn sớm thường ít có các triệu chứng rõ ràng, nhiều người bệnh có thể bị ho khan kéo dài, tức nặng ngực, khó thở khi gắng sức. Các triệu chứng này dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh đường hô hấp trên như viêm phế quản, phổi do đó thường gây tâm lý chủ quan, rất khó phát hiện bệnh. Tuy nhiên, tính chất của các triệu chứng trong bệnh ung thư phổi có sự khác biệt, đó là kéo dài, tăng dần, liên tục, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường.

Những dấu hiệu sớm phát hiện ung thư phổi

Đến giai đoạn muộn hơn, các dấu hiệu rõ rệt dần xuất hiện, các triệu chứng rõ ràng hơn khi khối u phát triển lan rộng, xâm lấn đến cơ quan xung quanh hoặc di căn xa đến các cơ quan khác.

- Các triệu chứng hô hấp:

+ Ho tăng lên, có thể ho đờm lẫn máu (triệu chứng đuôi khái huyết)

+ Khó thở: gặp ở giai đoạn muộn khi u to, chèn ép, bít tắc đường hô hấp.

+ Khò khè, thở rít do u chèn ép phế quản lớn.

- Các triệu chứng do u xâm lấn và chèn ép:

- Khối u xâm lấn thành ngực

+ Đau ngực: vị trí điểm đau thường tương ứng với khối u

+ Hội chứng tràn dịch màng phổi do u xâm lấn, di căn màng phổi.

-Khối u xâm lấn đến các thành phần trong trung thất

+ Nấc và khó thở: u chèn ép cơ hoành

+ Khàn tiếng: do u chèn ép dây thần kinh thanh quản quặt ngược

+ Phù áo khoác: phù mặt và nửa thân trên

+ Hội chứng chèn ép tim cấp: do tràn dịch màng tim.

+ Nuốt nghẹn: u chèn ép thực quản gây nuốt nghẹn

- Triệu chứng do di căn xa: Ung thư phổi thường di căn đến các cơ quan như gan, não, xương, tuyến thượng thận, màng phổi.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi

Nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư phổi chưa rõ ràng song người ta tìm thấy mỗi liên hệ giữa một số yếu tố với bệnh lý ác tính này.

- Thuốc lá: Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Tỉ lệ ung thư phổi tăng lên theo số năm hút thuốc và số lượng thuốc hút mỗi ngày. Tỉ lệ ung thư phổi ở người nghiện thuốc lá cao hơn rất nhiều. 90% các trường hợp ung thư phổi là ở người nghiên thuốc lá.

Trong khói thuốc lá có đến hơn 40 chất có khả năng gây ung thư đó là các Hydrocarbure thơm đa vòng (như: 3-4 Benzopyren, Dibenzanthracen), Polonium 40 và Sélénium trong giấy cuốn thuốc lá. Hút thuốc lá chủ động làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi lên 13 lần. Hút thuốc thụ động trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ.

- Ô nhiễm không khí: Do hơi đốt ở gia đình, xí nghiệp, hơi xả ra từ các động cơ.

- Nghề nghiệp: Công nhân làm việc ở một số mỏ mỏ kền, mỏ phóng xạ… hay làm việc trong một số ngành công nghiệp hóa dầu, khí đốt, nhựa… có nguy cơ ung thư phổi cao hơn.

- Di truyền: có yếu tố gia đình liên quan đến một số đột biến gene.

- Các bệnh ở phế quản phổi

Một số yếu tố khác như: 

- Giới: Nam giới mắc ung thư phổi nhiều hơn nữ giới song đây có lẽ do nam giới hút thuốc nhiều hơn nam giới.

- Tuổi: Thường gặp nhiều nhất ở tuổi 40-60, dưới 40 tuổi ít gặp và trên 70 tuổi tỉ lệ cũng thấp.

Các phương pháp điều trị ung thư phổi

Để điều trị ung thư phổi cần dựa vào thể trạng bệnh nhân, loại mô bệnh học, giai đoạn bệnh. Điều trị ung thư phổi là phác đồ đa mô thức gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất. Có thể điều trị đơn thuần một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau.

Phẫu thuật 

Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn, đặc biệt là với những trường hợp được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Nguyên nhân là bởi khi đó khối u còn nhỏ, chưa di căn, sức khỏe bệnh nhân chưa bị ảnh hưởng nhiều nên đáp ứng điều trị khá tốt. Phương pháp phẫu thuật thường được tiến hành để loại bỏ hoàn toàn thùy phổi chứa khối u và nạo vét hạch.

Xạ trị 

Khi xét đến ung thư phổi và cách điều trị, xạ trị là phương pháp được áp dụng khá phổ biến. Phương pháp này được sử dụng để điều trị ung thư phổi trong trường hợp khối u to nhưng chưa lây lan đến những cơ quan khác. Xạ trị sử dụng các máy chiếu tia năng lượng cao (tia X, tia gamma, proton,...) giúp tiêu diệt tế bào ung thư, phá hủy khối u, làm khối u phát triển chậm hơn. Với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn III, không được chỉ định phẫu thuật có thể điều trị hóa xạ trị đồng thời hoặc tuần tự để thu được hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.

Phương pháp xạ trị có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân. Các biến chứng sớm xuất hiện sau một vài ngày là: chán ăn, buồn nôn, đỏ vùng da chiếu xạ, rụng tóc,... Một số biến chứng muộn sẽ xuất hiện sau đó là: đau rát, khô da, viêm da, xơ phổi...

Hóa trị

Ung thư phổi và cách điều trị hóa chất chủ yếu được áp dụng cho những bệnh nhân đã bước sang giai đoạn muộn, khi tế bào ung thư đã lây lan rộng. Hóa trị giúp tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn di căn ung thư. Ngoài ra, hóa trị cũng được sử dụng kết hợp với một vài liệu pháp khác như phẫu thuật hoặc xạ trị điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn để làm giảm kích thước khối u, tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể.

Do thuốc được đưa vào cơ thể bệnh nhân theo đường tĩnh mạch nên sẽ gây ảnh hưởng tới một số cơ quan khỏe mạnh khác. Vì vậy, phương pháp điều trị ung thư phổi này cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như: thiếu máu, buồn nôn, nôn ói, cơ thể suy kiệt, thiếu chất, suy giảm miễn dịch, rụng tóc, giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng,...

Điều trị đích

Ngoài các phương pháp trên, tùy từng trường hợp bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị nhắm trúng đích để tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng ít gây ảnh hưởng tới tế bào lành, ít gây tác dụng phụ. Phương pháp này giúp cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Phòng ngừa bệnh ung thư phổi

- Không hút thuốc lá, hay từ bỏ thói quen hút thuốc lá có thể giảm rõ rệt tỷ lệ mắc ung thư phổi.

- Có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, làm việc hợp lý…

- Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có triệu chứng ho kéo dài, đau ngực…

- Tầm soát ung thư phổi hàng năm. 

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook