• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Lưu ý trong chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh sau phẫu thuật điều trị ung thư đường tiêu hóa

18/03/2022 15:03

BVK - Với người bệnh ung thư, chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị và sức khỏe của người bệnh. Đặc biệt với người bệnh ung thư đường tiêu hóa thì bên cạnh sử dụng thuốc để điều trị, việc bổ sung dinh dưỡng, chế độ ăn hợp lý góp phần quan trọng giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe.

Điều trị ung thư đường tiêu hóa là điều trị đa mô thức gồm phẫu thuật, hóa, xạ trị. Phẫu thuật có vai trò tối quan trọng để loại bỏ hoàn toàn các tổn thương ung thư. Nhiều bệnh nhân sau quá trình phẫu thuật có thể gặp phải tình trạng chán ăn, mệt mỏi dẫn đến cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng làm sức khỏe suy yếu. Do đó, việc lựa chọn loại thực phẩm để cải thiện sức khỏe cần được chú trọng.Vậy người bệnh sau phẫu thuật điều trị ung thư đường tiêu hóa nên có chế độ ăn như thế nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Ăn đồ lỏng, dễ tiêu và chia nhỏ các bữa ăn trong ngày

Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường mệt mỏi, chán ăn, do đó các món lỏng, dễ tiêu như cháo, súp là thức ăn phù hợp trong giai đoạn này, đồng thời nên chia nhỏ các bữa trong ngày, không ăn quá no hay quá nhiều trong một bữa.

Ăn các chất béo có lợi

Người bệnh sau phẫu thuật nên thay mỡ động vật bằng các loại chất béo có lợi như dầu oliu, dầu cá. Theo nhiều nghiên cứu, chất béo động vật làm tăng khả năng hấp thu, hòa tan các chất gây ung thư, tăng sự bài tiết axit mật trong ruột, kích thích và làm tổn thương niêm mạc, dễ khiến đường ruột bị viêm, lâu ngày sẽ tái sinh tế bào ung thư. Chính vì thế, bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa cần hạn chế ăn các chế phẩm, thực phẩm chứa nhiều chất béo động vật như mỡ lợn, gà, bò, dầu dừa và đồ ăn chiên rán.

Thường xuyên ăn rau xanh, hoa quả tươi

Trong rau xanh, hoa quả tươi có chứa nhiều chất xơ giúp làm giảm nồng độ các chất gây ung thư có trong ruột, hỗ trợ tiêu hóa, tránh táo bón.

Ngoài ra, bệnh nhân sau phẫu thuật nên bổ sung đủ đủ vitamin, khoáng chất, nguyên tố vi lượng giúp cơ thể tăng đề kháng, tránh bệnh tái phát và phòng chống các bệnh khác. Đặc biệt, selen và beta carotene là hai chất có khả năng phòng chống ung thư. Selen có nhiều trong các loại cá biển như cá biển như cá thu, cá ngừ, cá hồi, nấm, lòng đỏ trứng và các loại ngũ cốc nguyên hạt. Beta carotene là tiền chất vitamin A, có nhiều trong rau củ quả màu vàng, cam và rau màu xanh đậm.

Tránh thực phẩm lên men, chế biến sẵn

Những thực phẩm lên men như dưa, cà muối, thực phẩm cay nóng như ớt, tiêu, sa tế hay bia rượu, thuốc lá sẽ gây tác động lên vết thương hở. Do đó, người bệnh sau phẫu thuật nên tránh các loại thức ăn gây ảnh hưởng đến vết mổ. Đồng thời, người bệnh cần hạn chế thức ăn chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, đồ nướng bởi những loại thực phẩm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư.

Bên cạnh chú ý chế độ ăn uống, người bệnh cần chăm sóc vết mổ và tuân thủ chỉ dẫn điều trị của bác sĩ để giúp cơ thể hồi phục nhanh, tăng tỷ lệ điều trị thành công trong chữa trị ung thư đường tiêu hóa.

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng tác động trực tiếp đến hiệu quả điều trị của người bệnh ung thư. Ung thư là một bệnh mãn tính, ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động đến tình trạng dinh dưỡng. Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến việc đáp ứng điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh. Do vậy hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư có ý nghĩa quan trọng trong việc hồi phục tình trạng suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư. Cùng với đó các tác dụng phụ từ phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch,… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân do vậy với người bệnh đang điều trị những phương pháp này thì mục tiêu dinh dưỡng là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, phục hồi thể trạng tiếp tục đảm bảo sức khỏe điều trị bệnh. Thời gian qua, bên cạnh phác đồ điều trị thì các bác sỹ Bệnh viện K luôn phối hợp cùng trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng để đưa ra chế độ, suất ăn bệnh lý phù hợp với từng người bệnh, điều này vừa giúp người bệnh đảm bảo về dinh dưỡng vừa cảm thấy yên tâm vì sự đồng hành của các y bác sỹ ngay trong sinh hoạt hàng ngày.

Với người bệnh đang trong quá trình điều trị, không nên kiêng khem nghiêm ngặt, tránh việc không đủ năng lượng, dinh dưỡng hàng ngày gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Người bệnh đang điều trị nên lưu ý một số điều dưới dây: 

  • Ăn ít nhưng đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng và giàu đạm. Bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (sữa dinh dưỡng).
  • Kiểm soát được lượng thức ăn mà người bệnh ăn vào.
  • Nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút. Tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng.
  • Không nên ăn uống đồ có đường, nước ngọt, thức ăn nhiều chất béo.
  • Thường xuyên thay đổi cách chế biến và màu sắc của thức ăn để tăng sự hấp dẫn. 
  • Tránh ngửi mùi thức ăn khi đang chế biến.
  • Giữ vệ sinh răng, miệng. 
  • Nếu không ăn được thức ăn thông thường thì chuyển sang chế độ ăn nhỏ, mềm, nhuyễn (cháo, súp...)
  • Khi người bệnh không ăn được hoặc ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế.

Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với người bệnh ung thư, do đó bệnh nhân ung thư nên đến gặp bác sĩ điêu trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để thiết lập cho mình chế độ ăn phù hợp, hiệu quả. 

Người bệnh có nhu cầu tư vấn về dinh dưỡng vui lòng liên hệ 0836.292.226.

 

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook