• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Nhờ lần nắm tay động viên ấy, bà mới vượt qua được căn bệnh ung thư 20 năm

23/02/2023 15:02

BVK - Đó là câu nói của cụ Nguyễn Thị Hoàng Yến, 83 tuổi, quê tại Nam Định - một trong những chiến binh kỳ cựu của Bệnh viện K hơn 20 năm qua chia sẻ với chúng tôi trong ngày tái khám vừa qua. Qua câu chuyện cụ chia sẻ mới thấy bên trong con người có vóc dáng nhỏ bé, mảnh khảnh ấy là nghị lực kiên cường và ý chí mạnh mẽ quyết tâm rất lớn để vượt qua căn bệnh ung thư máu. Cụ đã làm được, đã vượt qua ngần ấy năm đằng đẵng với bao niềm âu lo, “Tôi vượt qua được nhờ buổi khám hôm ấy, mãi không thể quên câu nói của bác sỹ điều trị cho tôi, là bác sỹ Đỗ Anh Tú, lúc bấy giờ mới công tác tại bệnh viện, ân cần động viên tôi “Y học ngày càng phát triển cụ cứ yên tâm, ngoài thuốc điều trị cho bệnh thuyên giảm, ở đây còn có chúng cháu”.

Nỗi niềm lo sợ ban đầu của người mẹ dặn các con“Đến bệnh viện K mẹ chỉ khám rồi về nhé”

Nhớ lại những ngày đầu tiên đối diện với bệnh tật, hai chữ “ung thư” chưa bao giờ len lỏi trong suy nghĩ của mình, cụ Yến bình lặng kể lại chậm rãi câu chuyện như thể cụ hiểu những người bệnh nằm cùng phòng điều trị cũng đang muốn được lắng nghe để cùng vượt qua và có được hành trình dài như của cụ.

Cách đây 20 năm, vùng cổ, cánh tay, sau cổ của cụ có những hạch nhỏ nổi lên, nghĩ là bệnh tuổi già cụ năm điều trị tại bệnh viện gần nhà. Sau hơn 2 tuần nằm điều trị chưa chẩn đoán ra bệnh, các hạch ngày càng tiến triển to hơn, cụ và gia đình rất lo lắng, cũng tìm đến các phương thuốc nam để uống kết hợp nhưng không đỡ. Một tháng sau đó, cụ được người quen tới thăm và khuyên phải tới Bệnh viện K để khám, chần chừ mãi bởi bệnh viện điều trị ung thư là nơi không người bệnh nào có mong muốn nghĩ tới, nhưng với sự động viên của gia đình, cụ chỉ đến với lời dặn dò 5 người con: “Đưa mẹ đi khám một lần ở đây rồi về nhé”.

“Khám xong thì bác sỹ bảo tôi ra ngoài chờ, để lại hồ sơ khám bệnh bác sỹ xem thêm, quay qua quay lại con tôi được bác sỹ gọi vào tư vấn lúc nào không hay, nhưng nhìn gương mặt thẫn thờ của con trai tôi khi trở ra là tôi hiểu có điều gì không hay rồi ...” – Cụ Yến chia sẻ.

Từng có ý định không điều trị khi phát hiện ung thư, hạch ở khắp cơ thể

Gặng hỏi mãi cuối cùng bác sỹ cũng đã trao đổi trực tiếp với gia đình, “cụ không may chẩn đoán ban đầu là ung thư máu, cần nhập viện điều trị” là câu nói ám ảnh đến tận bây giờ không thể quên, “Trời đất như sụp đổ dưới chân, đi không vững, không muốn nghĩ thêm điều gì, tôi từ chối nhập viện ngày hôm đó ...”.

“Những ngày sau đó bầu không khí cả gia đình trở nên nặng nề hơn, mọi người lo cho sức khỏe của mẹ và nghĩ đến sự chia ly là nhiều, bởi ung thư vẫn là nỗi ám ảnh quá lớn, không ai trong 5 người con từng hình dung ...” – con trai cụ Yến chia sẻ.

“Sau mấy ngày từ bệnh viện trở về, đã có lúc định uống thuốc nam để điều trị rồi đến đâu thì đến, nhưng con cái động viên nhiều, tôi ậm ừ lên nhập viện để nghe bác sỹ tư vấn thêm điều trị ra sao, suy sụp lắm chứ nhưng lúc bấy giờ ngoài 60 rồi, con cái ổn định nên cứ mặc theo số phận. Đến viện thì bác sỹ điều trị cho tôi là bác sỹ Tú – giờ như một người thân của gia đình tôi, cũng chính là người giúp tôi vững tâm điều trị giờ được ngồi ở đây để nói chuyện.” - Cụ Yến cười hiền kể lại.

20 năm không quên lời bác sỹ nói “Y học ngày càng phát triển nên bác cứ yên tâm ở viện, ngoài thuốc điều trị cho bệnh thuyên giảm, ở đây còn có chúng cháu nữa ...”

Nhắc đến bác sỹ Tú là cụ niềm nở, vui vẻ như nhắc đến một người thân, ấn tượng lần đầu tiên gặp bác sỹ mà đến giờ vẫn không quên “Bác sỹ Tú khi ấy rất trẻ, ở phòng bệnh tư vấn, bác sỹ không hỏi tôi về bệnh, chưa nhắc tôi phải theo điều trị, lặng lẽ hỏi tôi đêm đầu tiên ở viện cụ có ngủ được không? nhắc việc ăn nhiều hơn ... Nghe bác sỹ hỏi đâu là tôi rơm rớm vì vừa lo vừa xúc động, vào viện là nhờ cậy cả vào bác sỹ nhưng khác với hình dung của tôi. Bác sỹ chưa nói gì nhiều về bệnh tình cả mà như một người nhà hỏi thăm bà, thăm người thân của mình. Sau 3 ngày đầu ở viện làm các xét nghiệm, buổi trưa hôm ấy bác sỹ trở vào gặp tôi và gia đình. Ngày hôm đó là ngày tôi khóc nhiều nhất, nhưng sau đó thì không ....”. Cụ Yến nhớ lại ngày đầu ở viện.

“Bệnh của bác cũng ở giai đoạn tiến triển rồi, để điều trị ổn định, bác cố gắng hợp tác cùng các bác sỹ, Y học ngày càng phát triển nên bác cứ yên tâm, ngoài thuốc điều trị cho bệnh thuyên giảm, ở đây còn có chúng cháu nữa, sau câu nói ấy là tôi bật khóc, lời nói của bác sỹ Tú nguyên như vậy đến giờ 20 năm tôi vẫn nhớ như in, ai thăm tôi tôi cũng nói đến câu này bởi đó là câu nói giúp tôi quyết tâm phải vượt qua bệnh tật” – Cụ Yến xúc động nhớ lại.

Nỗi niềm với người bệnh lâu năm nhất từng điều trị

“Bệnh nhân Yến là người bệnh tôi điều trị lâu năm nhất trong suốt quá trình công tác, cách đây 20 năm cụ đã được chẩn đoán là bạch cầu mãn dòng lympho, bệnh đã ở giai đoạn III, tiên lượng cũng khá dè dặt nhưng ở thể trạng bệnh nhân tốt còn khả năng điều trị nên tôi cố gắng động viên cụ theo phác đồ. Tinh thần là yếu tố rất quan trọng để người bệnh vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này, lúc đó chỉ chia sẻ với cụ như với người thân là bà của mình, dần dần cụ cởi mở hơn, hiểu hơn về bệnh tình mà từ đó cố gắng. Và rất may mắn sau khi chẩn đoán năm 2004, cụ được điều trị phác đồ hóa chất, sau 8 lần truyền đáp ứng rất tốt, ổn định, và được về nhà theo dõi”. – TS.BS Đỗ Anh Tú, hiện là Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ.

Sau điều trị sức khỏe cụ Yến ổn định, khi thấy người mệt hay có hạch đau là cụ là tới viện, bệnh đã có dấu hiệu tái phát sau đó mỗi 4 năm là 2008, 2012 và 2016 và cụ lại trở lại mái nhà thứ hai vô cùng thân thuộc mang tên “Bệnh viện K” để điều trị, nhưng những lần truyền điều trị ngắn ngày không khiến cụ có tâm lý nặng nề, mà giờ thấy gần gũi hơn. “Lâu lâu không đến viện lại nhớ các cô chú bác sỹ” – Cụ cười hiền chia sẻ.

Một thoáng ngậm ngùi cụ cũng tránh kể về người chồng trong câu chuyện bởi cụ ông đã mất và cũng vì căn bệnh ung thư, khi đó cụ đã điều trị hơn 3 năm, “Ông mất vì bệnh ung thư, 5 người con mỗi người đều ổn định, có gia đình riêng cũng là đủ với một người mẹ rồi, nhưng lúc đó đã điều trị ổn định, dù 2 ông bà cùng bị bệnh ung thư nhưng tôi vẫn tâm niệm rằng phải cố gắng, lạc quan, tập luyện và ăn uống để khỏe mạnh hơn, bởi mình còn sống là các con, các cháu còn có một điểm tựa tinh thần, có nơi để trở về để gọi Mẹ ơi, Bà ơi ...”.

Gắn liền với hình ảnh người mẹ già mái tóc đã bạc trắng mỗi khi tới bệnh viện là những người con, 2 anh con trai đầu của cụ là thường xuyên ở gần, chăm nom mẹ nhất “Nghe thấy mẹ bị bệnh, anh sắp xếp xin nghỉ việc, về nghỉ trước tuổi để tiện chăm nom bà, đêm hôm mưa gió nay đường xá xa xôi cũng không ngại, mẹ cứ đau là các anh em bảo nhau đưa mẹ lên kiểm tra, ổn định thì mới về”. – anh Hải con trai thứ 2 của cụ Yến chia sẻ.

Lời cảm ơn không đủ để diễn tả niềm vui hân hoan của cả gia đình cụ Yến, Tết này cả gia đình sum vầy bên nhau cũng đánh dấu 20 năm cụ chiến thắng căn bệnh ung thư, đến nay là 7 năm sau đợt điều trị cuối cụ vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, trò chuyện cùng con cháu, đó cũng là niềm hạnh phúc bình dị nhưng lớn lao của gia đình.

“Phải nói đúng là biết ơn các bác sỹ đã đồng hành cùng mẹ tôi 20 năm qua, có diễn tả ra sao cũng không thể kể hết được sự hy sinh, chăm sóc của tập thể các bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ Tú. Hy vọng là câu chuyện của mẹ tôi sẽ phần nào đó tiếp thêm tinh thần, nghị lực cho những người bệnh khác” – anh Hải chia sẻ.

Hình ảnh người con trai ngoài 60 tuổi chăm mẹ già, nhẹ nhàng xoa bàn tay cụ, ân cần chuyện trò chẳng còn xa lạ với các bác sỹ và cả những người bệnh ở khoa Nội Tam Hiệp, nụ cười hiền hậu của anh và ánh mắt hướng về mẹ như một nỗi niềm tự hào về sức chiến đấu bền bỉ của cụ và đó là hình ảnh đẹp, đáng trân trọng về sự hiếu thảo, tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả.

"Cả tuổi xuân, cả sự nghiệp, tâm huyết của tôi là Bệnh viện K với 25 năm công tác”

Ai cũng nhắc đến ngành Y với cả sự trân trọng “Nghề Y là một nghề cao quý”, đúng vậy không có điều gì ý nghĩa và cao quý hơn khi được cống hiến, thực hiện sứ mệnh là cứu người. Bằng tất cả tình cảm trách nhiệm của người Thầy thuốc và quan trọng là dòng chảy của sự hy sinh có sẵn trong mình, bác sỹ Tú luôn chọn cách trao đi yêu thương, ân cần, tận tụy trong công việc. TS.BS Đỗ Anh Tú đã gắn bó với Bệnh viện K và hàng chục ngàn người bệnh ung thư trong suốt 25 năm công tác kể từ khi rời mái trường Đại học Y Hà Nội.

“Vừa là bác sỹ, vừa ở vai trò quản lý nên tôi càng ý thức rõ về sự gương mẫu, trách nhiệm và thận trọng trong chăm sóc mỗi người bệnh và hướng dẫn các bác sỹ, học viên trong chuyên môn, đôi khi cũng thấy mình “khó” với các bạn đồng nghiệp. Nhưng đó là trách nhiệm, là cái “khó” cần có của mỗi bác sỹ khi chọn nghề Y, hàng ngày phải tôi luyện bản thân, trau dồi chuyên môn, kinh nghiệm sống bởi ngoài là người thầy thuốc, tôi và các đồng nghiệp cũng như người thân động viên bệnh nhân khi họ lựa chọn bệnh viện K để gửi gắm niềm tin và sinh mệnh” – TS Tú chia sẻ.

Thành quả lớn nhất của người Thầy thuốc có lẽ là sự yên tâm, hồi phục trở lại sớm của người bệnh. Nụ cười của những người bệnh như cụ Yến cũng là lời cảm ơn chân thành và đáng quý nhất, để những bác sỹ như TS Tú lặng lẽ hy sinh giây phút bên gia đình, bên người thân để gắn bó với bệnh viện, phòng hội chẩn, phòng bệnh. Đó cũng là sự hy sinh thầm lặng, cống hiến với công việc của rất nhiều y bác sỹ Bệnh viện K và những Thầy thuốc đã, đang công tác trong ngành Y, để mỗi khi nhớ về luôn trào dâng lên nỗi niềm tự hào, xúc động về “Màu áo trắng tôi yêu”.

Nhân dịp Thầy thuốc Việt Nam, trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc, tri ân tới những cán bộ y bác sỹ với sự hy sinh thầm lặng của mình đã cống hiến vì nụ cười của người bệnh, vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook