• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

PHÁT HOẢNG VỚI KHỐI U VÚ TO HƠN QUẢ BƯỞI ĐƯỢC BÁC SĨ BỆNH VIỆN K PHẪU THUẬT TẠO HÌNH THÀNH CÔNG

29/06/2020 11:06

BVK – Năm 2016, ở tuổi 55 chị Trần Thị L.bắt đầu cảm nhận được sự bất thường ở vùng ngực do có khối u kích thước 25cm ở vú phải, cho đến khi tình trạng này kéo dài, khối u “khủng” ngày càng phát triển gây bất tiện trong sinh hoạt, chị L.mới đi khám và được phẫu thuật cắt bỏ tại bệnh viện K với chẩn đoán u phyllode vú phải. Năm 2020, khối u tái phát với kích thước còn lớn hơn so với 4 năm trước, kết quả khám u phyllode tái phát, có dấu hiệu vỡ loét, chảy máu đã khiến các bác sỹ và chị L.đều bày tỏ sự tiếc nuối, “nếu như tôi thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sỹ thì có lẽ giờ đã khỏi bệnh rồi, lần này tôi phải chữa trị đến cùng......” – chị L ngậm ngùi chia sẻ.

Ân hận vì bỏ dở phác đồ điều trị, để 4 năm sau bệnh tái phát, trở nặng

Ngực phì đại nhiều năm, chị Trần Thị L. (59 tuổi) trú tại tỉnh Nam Định phải sống chung với khối u ở vú phải, kích thước 20 x 25cm trong một khoảng thời gian dài, năm 2016 chị L.đã đến khám và được chẩn đoán u phyllode vú phải, sau đó các bác sỹ đã phẫu thuật cắt tuyến vú phải và đưa ra chỉ định xạ trị. Nhưng vì lý do cá nhân, chị L.đã xin ra viện. Cũng vì chủ quan cứ nghĩ khối u đã cắt bỏ là bệnh đã khỏi nên chị L.không lo lắng nhiều. “Đến đầu năm 2020, trong một lần đi lại ở nhà, không may bị một vật nặng va đập vào vùng ngực đó. Sau đó, vùng ngực tấy đỏ, sưng lên, nhưng không đau, rồi cứ nghĩ chắc do ăn đồ nếp là bánh chưng với đồ ngọt nhiều nên nó sưng, nhưng rồi lại vì dịch bệnh nên tôi không đi khám”. – Chị L.chia sẻ.

Khối u rất lớn chiếm toàn bộ vùng ngực của chị L.

Anh Trần Trung T.26 tuổi là con trai bệnh nhân L.chia sẻ “Thấy khối u của mẹ ngày càng to lên, biến dạng và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và tinh thần của mẹ nên tôi và mọi người trong nhà khuyên bà đi khám, đến bệnh viện các bác sỹ khám rồi tư vấn, giải thích rõ về bệnh tình của mẹ, lúc đấy chỉ tự trách sao không đưa bà đi khám sớm hơn”.

“Điều đáng tiếc của người bệnh L.đó là không thực hiện theo hết các chỉ định, phác đồ điều trị mà bác sỹ đưa ra. Nếu lúc đó, chị L.xạ trị thì kết quả có lẽ sẽ khả quan hơn rất nhiều.” – TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại vú nhận định.

Vì chủ quan, bệnh nhân vô tình đặt mình và các bác sỹ vào tình huống khó khăn

Ngay khi bệnh nhân nhập viện vào đầu năm 2020, các bác sỹ đã cho chị L.thực hiện các xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính .... kết quả là khối u tái phát chứ không đơn thuần như suy nghĩ do va đập. Khối u phát triển ngày một to lên, kích thước vô cùng lớn đường kính gần 40cm, vỡ loét, chảy máu, nếu không xử lý sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.

Nhận định đây là khối u lớn, đã vỡ loét, chảy máu, với những khối u khủng như thế này có 2 vấn đề khó khăn chính mà ekip phẫu thuật phải giải quyết, một là có hệ thống các mạch máu phát triển để nuôi khối u, nên khi cắt bỏ u thì nguy cơ mất máu rất lớn. Hai là khối u lớn sẽ phát triển xâm lấn vào cấu trúc, tế bào xung quanh. Do đó, các bác sỹ khoa Ngoại vú đã tiến hành hội chẩn kỹ càng với bác sỹ chuyên khoa Xạ để đưa ra phác đồ tốt nhất vào thời điểm này cho bệnh nhân.

Hình ảnh chụp nghiêng khối u

Phẫu thuật cắt bỏ u “khủng” đường kính gần 40cm

Tháng 5/2020, chị L. được tia xạ tiền phẫu và ngày 24/06/2020 các bác sỹ khoa Ngoại vú, Bệnh viện K tiến hành phẫu thuật.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, các bác sỹ đã phối hợp chặt chẽ với ekip gây mê hồi sức để đưa ra phương án cầm máu tốt trong mổ. Trước đó, chị L.cũng được chụp cắt lớp để đánh giá kỹ về nguy cơ xâm lấn, từ đó bác sỹ đưa ra phương án tiếp cận phẫu thuật phù hợp nhất.

 “Với bệnh nhân L.tổn thưởng tái phát, vỡ loét lớn, khi cắt toàn bộ khối u đi đã để lại khuyết hổng vô cùng lớn chiếm 1/3 diện tích ngực. Các bác sỹ đã dùng vạt da tại chỗ, xoay và lấp vùng thiếu khuyết cho người bệnh vừa đảm bảo lấy toàn bộ khối u, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ 2 bên ngực cho chị L. Ekip phẫu thuật là các bác sỹ có kinh nghiệm lâu năm, thực hiện rất bài bản, tỉ mỉ, may mắn là ca phẫu thuật thành công. Hiện chị L.đã ăn uống được, giao tiếp tốt”.

Bác sỹ kiểm tra, tư vấn cho chị L. sau mổ

Sau phẫu thuật các bác sỹ sẽ đánh giá lại toàn trạng bệnh nhân và chăm sóc tích cực sau mổ để giúp người bệnh phục hồi nhanh nhất và đặc biệt là theo dõi vấn đề tái phát và đưa ra phác đồ điều trị tiếp theo.

 “Trước đây tôi luôn phải mặc những chiếc áo rộng, sinh hoạt rất khó khăn, luôn ái ngại vì vùng ngực của mình. Tôi rất ân hận vì không điều trị ngay từ đầu, lần này mổ xong, bác sỹ tư vấn điều trị thế nào tôi sẽ thực hiện theo. Qua đây, tôi cũng muốn khuyên mọi người đừng để chờ đau mới đi khám, phát hiện bất thường nên đến bệnh viện điều trị luôn , đừng để bệnh trở nặng như tôi ....” – chị L.chia sẻ cùng các bác sỹ và con trai.

Lâu nay, việc người dân không tuân thủ điều trị hết các phác đồ hay đang điều trị thì sợ sẽ có ngoại hình thiếu tự tin như rụng tóc, da sạm .... thì từ bỏ điều trị hoặc tìm đếm các bài thuốc đông y chữa bệnh, điều này vẫn được nhiều chuyên gia cảnh báo. Theo đó, chỉ có khoa học hiện đại mới có thể giúp hiệu quả điều trị được nâng cao, đắp lá hay theo đông y, hay bỏ điều trị thì càng không thể chữa khỏi ung thư. Đã có không ít trường hợp bị ung thư phải nhập viện điều trị trong tình trạng nguy kich, thậm chí tử vong vì dùng lá cây chữa bệnh ung thư, và việc từ bỏ điều trị càng khiến sức khỏe diễn biến xấu. Do đó người bệnh nên tin tưởng vào Y học hiện đại và chỉ dẫn của bác sỹ để quá trình điều trị hiệu quả và đỡ tốn kém, đừng để "tiền mất tật mang rồi" mới nói ân hận nói"Giá như".

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook