• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM: CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ KHÁM CHỮA BỆNH ĐÃ CÓ NHIỀU TIẾN BỘ.

04/12/2017 10:12

SKĐS - Giới thiệu về Nghị quyết “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”; và nghị quyết về “Công tác dân số trong tình hình mới” tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập,quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 vào sáng 30/ 11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh đã có nhiều tiến bộ, thời gian chờ khám bệnh giảm rõ rệt, trung bình 48,5 phút/lượt khám và nhân lực y tế cũng gia tăng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu lên nhiều con số giật mình về số người dân Việt thích uống bia/rượu/ăn ít rau/nhiều muối...

Người Việt ăn ít rau/nhiều muối và 45% sử dụng bia, rượu

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù thời gian qua đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng hiện nay công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hóa tinh thần... ở nhiều nơi vẫn chưa được chú trọng, bảo đảm. Đặc biệt, tầm vóc người Việt tăng chậm, trên thế giới gọi là thấp còi. Trung bình nam giới cao 1,64m, nữ cao 1,53m. Ngoài ra, bữa ăn của người Việt chủ yếu ăn ngon và no nhưng không đủ vi chất nên tỷ lệ thấp còi vẫn còn cao, lên tới 24,6% (trong khi mức chung của thế giới là gần 23%, tại Tây Thái Bình Dương chỉ còn 12,2%).

Phó Thủ tướng cũng dẫn số liệu điều tra của các tổ chức quốc tế cho thấy, tại Việt Nam, hơn 57% người trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong khi ăn mặn gấp đôi so với mức cần thiết, rất không tốt cho sức khỏe với lượng muối mỗi người dân dùng 9,4 gam muối/ngày, gấp 2 lần so với khuyến cáo. 22,5% người dân hút thuốc lá và đặc biệt có đến trên 45% nam giới hút thuốc.

Phó Thủ tướng cũng lo lắng về thực trạng tiêu thụ rượu bia quá nhiều khi tới 43,8% uống bia và 22,4% uống ở mức nguy hại (60 độ cồn), tương đương 6 lon bia/ngày. Nếu tính cộng dồn trung bình, mỗi người Việt trên 15 tuổi uống 6,6 lít cồn nguyên chất/năm. Những con số này đã khiến người Việt vào danh sách đứng thứ 2 Đông Nam Á sau Thái Lan, đứng thứ 10 châu Á và 29 thế giới về sử dụng bia rượu.

Bệnh tật học đường ở mức rất cao và tiếp tục gia tăng, cận thị có đến 20-35% và cong vẹo cột sống chiếm 15-30%. Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là môi trường nông thôn.

Về tài chính, đầu tư, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mức đầu tư, chi cho y tế bình quân của Việt Nam còn thấp, tư nhân đầu tư vào y tế còn thấp...

Công tác phòng chống dịch của Việt Nam được đánh giá cao

Trong bài giới thiệu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, thế giới đánh giá cao các mặt tích cực của y tế Việt Nam. Công tác phòng chống dịch và tìm kiếm cứu nạn rất tốt, ví như trong phòng chống dịch SARS thì Việt Nam đưa ra được phác đồ phòng chống dịch khiến giới y khoa thế giới ngưỡng mộ. “Thế giới ghi nhận Việt Nam có nhiều nỗ lực vượt khó trong lĩnh vực y tế...” - Phó Thủ tướng nói.

Một trong những điểm đáng mừng của y tế Việt Nam, theo Phó Thủ tướng, là nhân lực y tế phát triển mạnh, số lượng tăng từ 200.000 (năm 1993) lên 465.000 người vào năm 2016. Đến nay, 87,5% số xã đã có bác sĩ, 96% thôn, bản có nhân viên y tế. Tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân tăng từ 4,1 năm 1993 lên trên 8% vào năm 2016. Một số bác sĩ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, có uy tín trong khu vực và thế giới.

Người dân cần được khám sức khỏe định kỳ

Theo Phó Thủ tướng, thế giới hiện đã hướng về y tế cộng đồng, mô hình bác sĩ gia đình. Tại Việt Nam, y tế cơ sở cấp xã, phường thường có đến 6 nhân viên, nhưng người bệnh lại cứ hướng hết lên trên. “Ta phải thay đổi căn bản. Bây giờ phải giao nhiệm vụ cho nhân viên y tế xã, cấp xã phải phấn đấu nâng cao năng lực để làm được các việc cơ bản. Sau đó sẽ căn cứ theo công việc mà giao chi phí. Làm tốt thì tay nghề bác sĩ cơ sở sẽ nâng lên, thu nhập của họ cũng tăng lên và họ yên tâm cống hiến cho nghề. Phải có đề án về cơ chế tài chính cho y tế cơ sở. Tiếp đó, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục các việc, dịch vụ cấp cơ sở” - Phó Thủ tướng nói

Phó Thủ tướng cho rằng, ở các địa phương tùy tình hình mà có thể không cần y tế xã mà đưa về huyện, có như vậy thì y bác sĩ mới có điều kiện nâng cao tay nghề, y tế cấp huyện sẽ được đầu tư tập trung.

Theo Phó Thủ tướng, về lâu dài, người dân phải được khám sức khỏe định kỳ. Chỉ cần khám đơn giản thì cũng có thể phát hiện bệnh, cứu được nhiều người. Do đó, các địa phương, tùy ngân sách, theo gói dịch vụ mà tổ chức khám sức khỏe dần dần cho người dân để tiến tới mỗi người dân có sổ hồ sơ về sức khỏe như các nước khác đã làm.

Liên quan đến công tác khám chữa bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Việt Nam so với thế giới còn chênh lệch quá lớn, đặc biệt là vấn đề quá tải bệnh viện. Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, thời gian chờ khám bệnh giảm rõ rệt, trung bình 48,5 phút/lượt khám.

Theo: Nguyễn Hoàng- suckhoedoisong.vn

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook