• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

TRÊN 70% NGƯỜI BỆNH UNG THƯ Ở VIỆT NAM PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ MUỘN

03/11/2017 15:11

Hiện mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

Ngày 3/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bệnh viện K đã tổ chức hội nghị quốc tế “Kiểm soát ung thư: Thực trang và giải pháp” " với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành ung bướu trong nước và quốc tế

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 94.000 trường hợp tử vong vì ung thư

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, GS.TS Lê Quang Cường- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển có thu nhập thấp và trung bình. Ở Việt Nam, gánh nặng ung thư đang gia tăng trên cả nước, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Theo số liệu của tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và thống kê của Viện Nghiên cứu và phòng chống ung thư quốc gia, hiện mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

Thứ trưởng Lê Quang Cường cho biết, với sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, ngành y tế và hỗ trợ quốc tế, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong kiểm soát ung thư.

Để phòng chống căn bệnh nan y đang đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam, về phía các cơ sở y tế, cùng với sự tiến bộ nói chung của nền y học thế giới và Việt Nam, trình độ và kỹ thuật phát triển đã giúp tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán sớm và điều trị ung thư hiệu quả đã tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên tại hội nghị, PGS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K thẳng thắn cho hay, hiện nay ước tính khoảng trên 70% người bệnh ung thư ở nước ta đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao. Đây là lý do chính khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư tại nước ta thấp, không bằng các nước phát triển.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị quốc tế "Kiểm soát ung thư thực trạng - giải pháp"

Phát hiện ung thư sớm, cơ hội điều trị thành công cao

Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, các bệnh ung thư đến nay phát hiện sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi được, ví dụ với bệnh ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ điều trị thành công 95 %, giai đoạn 2 tỷ lệ khoảng 70- 75 %, giai đoạn 3, tỷ lệ chữa khỏi đạt 65 % nhưng đến giai đoạn 4 thì chỉ đạt được 5 % tỷ lệ thành công”- PGS.TS Trần Văn Thuấn nói.

Do đó, giám đốc bệnh viện K khuyến cáo, để phát hiện được ung thư sớm giúp việc điều trị tốt, bệnh nhân nên có thói quen đi kiểm tra bệnh sớm để phát hiện bệnh sớm, chính xác, cơ hội điều trị thành công cao hơn.

Hiện nay việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư chưa được bảo hiểm y tế chi trả. PGS.TS Trần Văn Thuấn hy vọng trong thời gian tới bảo hiểm có thể chi trả phí tầm soát một số bệnh ung thư như: ung thư vú, cổ tử cung, gan, ung thư đường tiêu hóa… Nếu thực hiện được điều này đồng loạt trên toàn quốc sẽ giúp nâng tỷ lệ phát hiện bệnh sớm, nâng tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư.

Với những bệnh nhân không may mắc bệnh, theo Giám đốc Bệnh viện K, thời gian tới ngoài việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, Bệnh viện sẽ thành lập Trung tâm chăm sóc giảm nhẹ nhằm mở rộng về quy mô cũng như hiệu quả, chất lượng của công tác chăm sóc giảm nhẹ.

Đồng thời, Bệnh viện sẽ đào tạo cho các cơ sở tuyến dưới cũng như tiến hành áp dụng mô hình chăm sóc giảm nhẹ tại nhà và cộng đồng, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

Hội nghị lần này nhằm mục tiêu đưa ra đường lối và chiến lược phòng chống ung thu, đồng thời tạo cơ hội học tập, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm một cách toàn diện trong lĩnh vực kiểm soát ung thư bao gồm: Dịch tễ học và giám sát ghi nhận ung thư; Dự phòng và sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư; Các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư; Chăm sóc giảm nhẹ bệnh ung thư; Chi phí và hiệu quả trong phòng chống bệnh ung thư; Hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh ung thư và chương trình quốc gia phòng chống ung thư.

Trước khi diễn ra hội nghị, tại Bệnh viện K cơ sở Tân triều đã diễn ra 4 khóa đào tạo về phân tích cấu phần trong xác định yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm và ung thư; Ứng dụng ngân hàng sinh học trong nghiên cứu và kiểm soát ung thư; Chẩn đoán sớm, điều trị phẫu thuật và tiên lượng ung thư dạ dày; Chăm sóc sống còn trong ung thư.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025. Phấn đấu đến năm 2025, 100% UBND các tỉnh, thành phố có kế hoạch và đầu tư kinh phí triển khai thực hiện Chiến lược tại địa phương; 70% người trưởng thành hiểu biết về bệnh ung thư ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng, kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như các nguyên tắc phòng, chống bệnh;...Giảm 30% tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành so với năm 2015; giảm tỷ lệ hút thuốc ở nhóm vị thành niên xuống còn 3,6%; giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015; 40% số người mắc một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm; giảm 20% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do bệnh ung thư so với năm 2015... 90% cơ sở y tế dự phòng bảo đảm cung cấp các dịch vụ thiết yếu phòng chống bệnh theo quy định...

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook