• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Ung thư dạ dày được tầm soát như thế nào?

14/11/2019 11:11

BVK – Ung thư dạ dày là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tại Việt Nam, năm 2018 có hơn 17 ngàn ca mắc mới và hơn 15 ngàn trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Việc tiến hành sàng lọc và điều trị dự phòng mang lại hiệu quả tích cực bởi ung thư dạ dày nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì vẫn có khả năng điều trị thành công.

Tại Việt Nam hiện nay tỉ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn cao, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém, kinh phí điều trị lớn. Ung thư dạ dày giai đoạn sớm được định nghĩa là mức độ xâm lấn ung thư dạ dày chưa vượt qua lớp hạ niêm mạc. Ở giai đoạn này có tiên lượng tốt hơn nhiều so với ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển (90% sống sót sau 5 năm). 

Hiện nay việc phát hiện ung thư dạ dày sớm được quan tâm nhiều, do sự phát triển của các kỹ thuật hình ảnh cho phép phát hiện sớm tổn thương như nội soi có dải ánh sáng hẹp, nội soi phóng đại.

Bước 1: Khám lâm sàng

Đây là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng trong khám tầm soát ung thư dạ dày.

Bác sĩ sẽ hỏi các thông tin cụ thể về tuổi, tình trạng sức khỏe, bệnh sử cá nhân và gia đình nếu có, các triệu chứng biểu hiện bệnh nghi ngờ gặp phải… nhằm đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Sau đó sẽ tiến hành khám lâm sàng phát hiện các dấu hiệu của bệnh.

Bước 2:  Nội soi dạ dày

Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi để đưa vào thực quản xuống đến dạ dày để quan sát bên trong. Ưu điểm của nội soi cho phép quan sát được các thay đổi của niêm mạc dạ dày và tiến hành sinh thiết qua nội soi để có chẩn đoán mô bệnh học, qua đó cho phép chẩn đoán các ung thư dạ dày tại chỗ hoặc xâm lấn. Ngoài ra các tổn thương tiền ung thư cũng có thể thấy được trên nội soi như: viêm teo, loét, polyp hoặc các tổn thương dạng tăng sản biểu mô tuyến. Sinh thiết các tổn thương nghi ngờ cũng có thể phát hiện các tổn thương tiền ung thư trên mô bệnh học như viêm teo, tăng sản, dị sản, loạn sản…Ngoài ra, nội soi cũng có thể đánh giá tình trạng có hay không có nhiễm Helocobacter Pylori, một trong số những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày, giúp cho việc điều trị dự phòng.

Ung thư dạ dày là loại bệnh lý tiến triển khá nhanh, do đó trong sàng lọc, vai trò của nội soi dạ dày chủ yếu tập trung vào phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư.

Bước 3: Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp CT. Bác sĩ chủ yếu dựa vào các hình ảnh để đánh giá tình trạng thương tổn của dạ dày, sự xâm lấn của khối u đến các bộ phận xung quanh.

Hơn nữa qua đó có thể đánh giá tình hình của bệnh nếu ung thư bắt đầu di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể như: gan, hạch, ổ bụng, ổ phúc mạc…

Bước 4: Sinh thiết

Phương pháp này có thể được tiến hành ngay khi nội soi ở nơi có tổn thương tại niêm mạc dạ dày, sau đó tiến hành giải phẫu bệnh. Sinh thiết là thủ tục cần để chẩn đoán tế bào khối u có phải là ung thư hay không. 

Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,6 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca. Điều đáng tiếc hơn, tỉ lệ mắc bệnh ở người trẻ tuổi ngày càng tăng, tỉ lệ tử vong sau khi phát hiện cũng ở mức cao, nhưng thời gian phát hiện bệnh lại thường rơi vào giai đoạn muộn. 

Những đối tượng “nguy cơ” mắc ung thư dạ dày

Hút thuốc lá: là một trong những thói quen mà đa số người mắc ung thư dạ dày vẫn duy trì sử dụng. Tại bệnh viện K hầu hết nam giới mắc ung thư dạ dày đều sử dụng thuốc lá. Đây có thể xem là yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này.

Nam giới tuổi trên 40: Trong số những người mắc ung thư dạ dày, có tới 96% là người ở độ tuổi từ 40 trở lên. Nam giới có tỉ lệ cao khoảng hơn gấp đôi so với phụ nữ mắc ung thư dạ dày.

Thói quen ăn uống mặn, đồ nướng, chiên ..: những thực phẩm được chế biến như hun khói, thức ăn ngâm tẩm, muối, món ăn chứa lượng muối cao thường có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người có thói quen ăn uống nhạt và thanh đạm.

Những người mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa: ung thu dạ dạy thường gặp ở người đã có bệnh dạ dày từ trước, như tiền sử đã từng bị phẫu thuật dạ dày, đau, viêm loét dạ dày lâu năm, bệnh nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori).

Di truyền: Nếu trong gia đình từng có thành viên có tiền sử bị bệnh ung thư, thì nguy cơ tự bị mắc ung thư liên quan sẽ có tỉ lệ cao hơn.

Bệnh nhân hoặc tiền sử gia đình có polyp tuyến có tính chất gia đình(FAP); mắc hội chứng Lynch; hội chứng Peutz-Jeghers; hội chứng Juvenile polyposis cũng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.

Ngoài ra những người tăng sản hoặc polyp tuyến dạ dày, thiếu máu nghi ngờ ác tính,  dị sản ruột tại dạ dày cũng không thể “làm ngơ” với căn bệnh ung thư này.

Sau đây là dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày bạn cần lưu ý:

- Đầy tức bụng: Lúc đầu, triệu chứng đau rất giống với trong loét dạ dày (đau liên quan tới bữa ăn, giảm khi dùng các thuốc điều trị loét). 

Chính vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan, xem nhẹ bệnh và chỉ đi khám khi đã quá muộn. Cảm giác nhanh no này có thể do khối u gây ra, nhưng cũng có thể do tình trạng không phải ung thư mà là đầy bụng - xảy ra khi một người có cảm giác rằng có thứ gì đó đang cản trở dạ dày của mình.

- Chán ăn:  Mất cảm giác thèm ăn chắc chắn là một điều cần hết sức chú ý. Trong nhiều trường hợp, biểu hiện này không đơn thuần chỉ là tiết lộ bạn đang gặp rắc rối với vị giác, tốt nhất bạn nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra. 

- Sut cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi: Sút nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.

- Nôn ra máu: khi nôn có lẫn máu thì cũng nên suy xét đến khả năng ung thư dạ dày.

- Ợ chua, đầy bụng sau khi ăn: người bị ung thư dạ dày khi ăn xong có cảm giác tức bụng, đầy bụng và buồn nôn... Ợ nóng là một triệu chứng phức tạp, nó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư (thường liên quan đến đau bụng hoặc đau vùng thượng vị) hoặc là yếu tố nguy cơ ung thư. Những người bị chứng ợ nóng có thể bị loét dạ dày tá tràng, có nghĩa là họ có nhiều axit trong dạ dày, điều này khiến họ có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn. 

- Đi ngoài phân màu bất thường: nếu bạn xuất hiện triệu chứng đi ngoài phân đen hoặc trong phân thường xuyên có máu, việc này lặp lại thường xuyên thì rất có thể bạn đã mắc ung thư dạ dày.

Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu như thấy những dấu hiệu trên bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa ung thư dạ dày

- Hạn chế ăn đồ ăn mặn: Chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất cực độc gây ung thư.

- Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên: Qua chế biến các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư.

- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích: Sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.

- Bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý: Ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E.

- Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook