• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Ám ảnh phút mẫu tử chia lìa và khao khát thuốc ung thư "Made in Vietnam"

26/02/2020 08:02

Theo DT - Người mẹ gắng gượng hơi tàn gặp con lần cuối, nhưng chị đã trở nên tiều tụy, gầy yếu, xanh xao đến mức cậu bé 5 tuổi không dám vào vì không còn nhận ra mẹ. Chứng kiến hình ảnh đó y bác sĩ đều bật khóc, vì thương, vì bất lực.

Câu chuyện xảy ra cách đây 6 năm nhưng với bác sĩ Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng, Phó trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), ký ức ấy vẫn còn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua.

Người phụ nữ khi ấy mới hơn 30 tuổi và là mẹ của hai con, bé lớn nhất 5 tuổi. Bỗng dưng được bệnh ung thư “gọi tên” nhưng chị cũng không ngờ lại là bệnh hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, thể bệnh rất ác tính. Tiên lượng ca bệnh khó khăn ngay từ ban đầu nhưng các bác sĩ cũng sốc khi thấy bệnh diễn tiến một cách nhanh chóng như vậy.

Bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn tại chỗ nên chị được phẫu thuật, điều trị bổ trợ với phác đồ mạnh nhất, tối ưu nhất nhưng không đạt hiệu quả. Chỉ mấy tháng sau khi vào viện bác sĩ cũng ngỡ ngàng khi bệnh nhân đã di căn nhiều vị trí khác.

“Các phương pháp điều trị không còn nhiều, tiếp tục chữa trị nhưng bệnh không đáp ứng. Bệnh nhân gần như đối mặt với cái chết”, bác sĩ Tú kể lại sự bế tắc trong thực hành lâm sàng khi đó. Ngày bệnh nhân hấp hối, người mẹ trẻ ấy chỉ có một mong muốn là được gặp con trai lần cuối. Chặng đường người nhà đón bé từ trường về nhà, rồi đến bệnh viện chỉ khoảng một tiếng, nhưng với người mẹ đang hấp hối thì quãng thời gian đó rất dài. Chị phải chịu đựng sự khó thở, đau đớn.

 

Lúc đấy các y bác sĩ có mặt trong buồng bệnh ai cũng bật khóc vì thương hoàn cảnh của bệnh nhân và có lẽ cũng vì sự bất lực. Trong hoàn cảnh đấy, họ không thể làm được gì hơn ngoài việc giúp hồi sức để người mẹ chờ được con.

Cuối cùng chị cũng chờ được nhưng chị đã thay đổi quá nhiều, gầy yếu, xanh xao, tiều tụy đến mức con không nhận ra mẹ. Cậu bé khi ấy mới chỉ 5 tuổi. Mọi người cố kéo cậu vào, nhưng phải mất một lúc bé mới lưỡng lự bước vào để mẹ ôm.

Chị ôm con khóc như cố gắng níu giữ lấy hình ảnh của đứa con còn ngây dại. Người mẹ ấy chị kịp dặn con ngoan, chịu khó học rồi từ biệt cõi đời. Với bác sĩ Tú, cảm xúc của buổi hôm đấy sẽ không bao giờ mất đi. Nó trở thành động lực để mọi người cùng cố gắng, để nghiên cứu và cứu chữa nhiều bệnh nhân ung thư hơn nữa. Đây chỉ là một ca bệnh điển hình, hàng năm các bác sĩ phải chứng kiến và trải qua rất nhiều cảm xúc buồn đau, bất lực này.

“Nó khiến những người làm bác sĩ ung thư như chúng tôi luôn trăn trở, khát vọng tìm ra phương pháp điều trị chữa được bệnh ung thư ở những giai đoạn sớm, giai đoạn muộn thì có thể làm tốt hơn. Có thể vẫn có cơ hội chữa khỏi bệnh hoặc kéo dài thời gian sống thêm, làm chất lượng sống của bệnh nhân ung thư tốt hơn”, bác sĩ Tú chia sẻ.

 

“Tôi đến chuyên ngành y nói chung và chuyên ngành ung thư vừa là có duyên cũng là vừa có nợ”, bác sĩ Tú tâm sự. Ở tuổi 35, anh đã gắn bó với công việc này được 10 năm.

Hiện nay để điều trị một số loại ung thư mô mềm ngoài phương pháp hoá trị kinh điển, còn thuốc trúng đích, thậm chí có nhiều thuốc trúng đích thế hệ mới tiêu diệt tế bào ung thư vào đúng đích cụ thể.

Lấy ví dụ với bệnh lý ung thư mô đệm đường tiêu hóa ác tính, bác sĩ Tú cho biết trước đây việc điều trị hóa chất thường không có hiệu quả, hầu hết bệnh nhân tiến triển nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Thế nhưng khi thuốc imatinib ra đời thì cuộc chiến ấy đã có những điểm khởi sắc.

Imatinib là thuốc trúng đích đặc hiệu, ức chế thụ thể tyrosine kinase của thụ thể tăng sinh mạch máu trên các khối u. Đây là thuốc uống, dễ sử dụng có hiệu quả kiểm soát bệnh tốt, giúp tăng tỷ lệ khỏi bệnh sau phẫu thuật ở những bệnh nhân giai đoạn sớm và cải thiện thời gian và chất lượng cuộc sống ở những bệnh nhân giai đoạn di căn.

Mặc dù ở giai đoạn không thể phẫu thuật được hoặc di căn xa, khi được điều trị thuốc này vẫn có tỷ lệ khoảng 10% bệnh nhân sống mà bệnh không tiến triển trở lại tại thời điểm 10 năm… Loại thuốc này chính là một trong những sản phẩm của nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng.

 
 

Thành lập được hơn 2 năm, đến nay Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng đã tiến hành được hơn 30 thử nghiệm lâm sàng. Đây là hướng tốt cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam có thể tiếp cận với các thuốc điều trị mới. Tuy nhiên, chi phí điều trị ung thư là vấn đề nóng, là rào cản với nhiều người bệnh. Có chuyên gia từng nói “mắc bệnh ung thư, người giàu cũng thành người nghèo”. Rất may mắn là hiện nay, bảo hiểm y tế đã chi trả nhiều chi phí, nhiều thuốc được chi trả 100%, 60%, 50% trong đó có nhiều thuốc thế hệ mới, đắt tiền, hiệu quả tốt.

Chẳng hạn như thuốc rituximab điều trị u lympho tế bào B là thuốc điều trị trúng đích kháng thụ thể CD20 được bảo hiểm chi trả 100%. Hay với ung thư vú, trước đây số lượng bệnh nhân tiếp cận với thuốc trastuzumab thấp thì nay bảo hiểm y tế chi trả 60%, giúp người bệnh tiếp cận tốt hơn.

Ngoài ra còn phải kể đến hỗ trợ từ chương trình các hãng thuốc, các tổ chức từ thiện cũng phần nào giúp bệnh nhân giảm gánh nặng chi phí về thuốc. Thêm một kênh nữa là bệnh viện cũng bắt đầu quan tâm triển khai các thử nghiệm lâm sàng, đây là một cách để bệnh nhân có thể tiếp cận với các thuốc mới mà không phải chi trả chi phí điều trị.

Theo bác sĩ Tú, tại nước ta không phải ai cũng có điều kiện điều trị bằng các thuốc đắt tiền, đôi khi một liệu trình điều trị một năm có thể tới vài tỷ. Với việc tham gia các thử nghiệm lâm sàng, bệnh nhân vẫn có thể có cơ hội, có những lợi ích tốt trong điều trị. Thực tế, nhiều bệnh nhân đáp ứng, bệnh lui, có những người bệnh khối u đáp ứng hoàn toàn.

Tại các nước phát triển, đây là việc làm rất thường xuyên. Tại các bệnh viện lớn, tỷ lệ người bệnh tham gia nghiên cứu có thể 15-40%, song ở hiện Việt Nam còn ít, khoảng 1-5%.

Lý do vì để tham gia thử nghiệm lâm sàng, bệnh viện phải đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của Bộ Y tế cũng như của nhà tài trợ. Bên cạnh đó, người bệnh phải phù hợp với nhiều tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả và khoa học, các phác đồ điều trị phải tuân theo các tiêu chuẩn của quốc tế.

Ngoài ra, sự tiếp cận của các bác sĩ, nhân viên y tế, người bệnh với thông tin về thử nghiệm lâm sàng chưa nhiều.

 

Là một trong 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ tiêu biểu của cả nước năm 2019, với bác sĩ Tú sự bế tắc trong thực hành lâm sàng chính là động lực để các bác sĩ khát vọng làm nghiên cứu.

Bác sĩ Tú cho rằng, việc phát triển thuốc chữa ung thư do Việt Nam sản xuất là xu thế tất yếu. Trước đây toàn bộ thuốc ung đều được nghiên cứu phát triển ở châu Mỹ, châu Âu thì hiện nay một số thuốc đã được nghiên cứu tại Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ…

 

Trong năm 2020, Trung tâm nghiên cứu lâm sàng có nhiệm vụ xây dựng đơn vị nghiên cứu lâm sàng pha 1. Nghiên cứu pha 1 trong ung thư là những nghiên cứu mà thuốc được nghiên cứu trên người sau khi có kết quả tốt ở các thử nghiệm tiền lâm sàng, nghiên cứu có tính phát minh, tìm ra thuốc mới, phương pháp mới có hiệu quả trong điều trị ung thư, đặc biệt là giúp cho những người bệnh ở giai đoạn muộn, các phương pháp điều trị hiện tại kém hiệu quả hoặc không còn thuốc điều trị có thêm một cơ hội để điều trị...

“Hy vọng trong thời gian tới chúng tôi có thể chia sẻ những kết quả bước đầu về loại thuốc này”, bác sĩ Tú tin tưởng nói.

“Rất nhiều phương pháp điều trị tiến bố trên thế giới đã được áp dụng tại Việt Nam như xạ trị kỹ thuật cao, xạ trị điều biến liều… Hay trong phẫu thuật thì có phẫu thuật robot, trong chẩn đoán bác sĩ cũng áp dụng kỹ thuật sàng lọc, kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử để đánh giá các yếu tố tiên lượng để lựa chọn phương pháp điều trị cho riêng từng bệnh nhân ung thư.

 

Về nội khoa, có nhiều phương pháp điều trị như điều trị trúng đích, điều trị miễn dịch. Các phương pháp này chúng ta đều cập nhật rất nhanh”, bác sĩ Tú cho biết.

Đối với bệnh ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn 1,2 tỷ lệ sống thêm 5 năm là trên 90%. Tuy nhiên đáng buồn là tỷ lệ này với bệnh nhân ung thư gan vẫn còn thấp.

Với ung thư dạ dày, người bệnh bắt đầu được phát hiện sớm hơn, từ đó cải thiện tỷ lệ sống thêm. Nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn 2-3 nghĩa là bắt đầu có tổn thương u xâm lấn, di căn hạch, nếu chỉ mổ thì tỷ lệ sống thêm 5 năm là khoảng 50%, nếu có điều trị hóa chất thì tỷ lệ này là 60-70%.

 
 

Trong câu chuyện của mình bác sĩ Tú nhắc đến một bệnh nhân đã vượt qua căn bệnh ung thư hắc tố giai đoạn bốn được 5 năm. Hiện bệnh nhân khoảng 50 tuổi, không cần dùng thuốc.

Nữ bệnh nhân bắt đầu điều trị bằng liệu pháp miễn dịch từ năm 2015. Khi bệnh được phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn 4 di căn xa so với vị trí u ban đầu, tổn thương u ở thành bụng, di căn hạch nách. Bác sĩ đã phẫu thuật vét hạch nhưng do số lượng hạch rất nhiều nên rất khó để vét hạch triệt để. 

 

Theo bác sĩ Tú, trước kia với giai đoạn này, bệnh nhân thường sống dưới 1 năm. Bệnh viện bắt đầu nghiên cứu sử dụng thuốc điều hòa miễn dịch lần đầu tiên vào năm 2014, đến nay đã được 6 năm. Mới đầu thuốc chủ yếu được dùng trong điều trị giai đoạn muộn, sau đó dần chuyển qua hỗ trợ, điều trị ở giai đoạn sớm, giai đoạn duy trì, giúp cải thiện hiệu quả của các phương pháp điều trị truyền thống.

Thuốc điều trị miễn dịch giúp kéo dài thời gian sống thêm, triệu chứng, cải thiện chất lượng sống. Hiệu quả của thuốc thay đổi ở nhiều bệnh lý khác nhau. Có những bệnh đáp ứng khá tốt như ung thư hắc tố, ung thư phổi có biểu hiện PDL1, ung thư đại trực tràng có rối loạn bất ổn định vi vệ tinh…

Hiện Bệnh viện K đã áp dụng thực hành trên lâm sàng với một số bệnh và vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nghiên cứu như với các bệnh: ung thư phổi, vú, hắc tố, biểu mô vảy, ung thư gan, đầu mặt cổ, ung thư biểu mô đường niệu… với nhiều giai đoạn khác nhau.

 

Ngày nay, bệnh ung thư không còn là án tử. Ở giai đoạn sớm, bệnh chắc chắn gần như có thể chữa khỏi, trừ một số ít trường hợp rất ác tính. Ở giai đoạn muộn với nhiều phương pháp điều trị mới (phương pháp điều trị tiên tiến, thuốc điều trị trúng đích, liệu pháp miễn dịch…) có thể kéo dài thời gian sống thêm, giúp bệnh nhân hòa nhập lại với cuộc sống. Bác sĩ Tú cho rằng điều quan trọng là dần dần thay đổi suy nghĩ của người bệnh về ung thư.

“Ung thư không đến để cướp đi cuộc sống và hy vọng của người bệnh, khiến họ tự ti và tự cô lập với mọi người xung quanh. Bệnh nhân và gia đình cần hiểu ung thư đôi khi chỉ là thử thách của cuộc đời mà mình phải đối mặt”, người bác sĩ trẻ ấy cười nói.

Theo Dân Trí

 

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook