19/12/2017 11:12
SKĐS - Bệnh nhân ung thư được xạ trị cuối cùng của ca ngày hôm trước kết thúc lúc khoảng 2-3h sáng, ca xạ trị tiếp theo bắt lúc đầu ngay sau đó khoảng 1-2 tiếng
PGS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K cho hay, hiện Bệnh viện đang trong tình trạng quá tải trầm trọng bệnh nhân chờ xạ trị do thiếu trang thiết bị y tế nên các máy xạ của bệnh viện này phải hoạt động liên tục từ 22-23h/ngày…
PGS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K cho biết tới đây tình trạng thiếu máy xạ trị sẽ được khắc phục
Tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, gánh nặng ung thư ngày càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư.
Theo Giám đốc Bệnh viện K, các phương pháp điều trị ung thư phổ biến bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ, trong đó việc xạ trị chiếm vị trí quan trọng song Bệnh viện lại đang trong tình trạng quá tải do bệnh nhân đông, thiếu trang thiết bị y tế xạ trị.
Thông tin về việc sử dụng trang thiết bị trong điều trị cho bệnh nhân ung thư lãnh đạo Bệnh viện K cho hay, trước năm 2017, Bệnh viện có 7 máy xạ trị (6 máy xạ trị gia tốc và 1 máy xạ trị Cobalt). Năm 2017, Bệnh viện được đầu tư hệ thống gia tốc xạ trị hiện đại đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, với số lượng người bệnh ngày càng lớn, nhu cầu điều trị của người bệnh ngày càng cao, cụ thể năm 2015 bệnh viện tiếp nhận 11.799 người bệnh, năm 2016 là 12.081 người bệnh, song đến năm 2017 (tính đến 30/11/2017) Bệnh viện điều trị cho hơn 15.000 người bệnh.
Riêng về xạ trị, mỗi ngày, Khoa Xạ trị của Bệnh viện K phải tiến hành xạ trị cho hơn 1.000 bệnh nhân và do không đủ máy móc nên việc điều trị phải chia làm 3 ca sáng, chiều, đêm và các máy xạ trị của Bệnh viện thường xuyên phải sử dụng liên tục 22-23h/24h.
Bệnh viện K cơ sở Tân Triều được thiết kế với 6 buồng máy xạ trị, nhưng hiện mới chỉ có 3 máy. Bệnh viện chia theo 3 ca chạy xạ: 3h-10h, 10h-17h và 17h-24h; chu kỳ luân chuyển giữa các khoa, kỹ thuật viên là 3 tháng một lần. Mỗi ca làm 7 tiếng, thực hiện chạy xạ cho khoảng 70-80; thậm chí 100 bệnh nhân. Vì thế, thông thường ca buổi tối kéo dài đến tận 2h-3h sáng ngày hôm sau.
"Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo mỗi máy xạ trị nên dừng lại ở 40 bệnh nhân/ngày. Nhưng thực tế, một ngày ở Bệnh viện K, một máy phải xạ trị lên tới 150, thậm chí 200 bệnh nhân. Các máy làm việc liên tục đến 22-23 giờ/ngày. Chỉ có một, hai tiếng máy sẽ nghỉ để bảo dưỡng, bảo trì”- giám đốc Bệnh viện K thông tin
Theo kỹ thuật viên Đỗ Đức Doanh, Khoa Xạ trị của Bệnh viện K, theo phác đồ điều trị, mỗi bệnh nhân sẽ xạ trị 5 buổi/tuần. Do lượng bệnh nhân quá lớn nên Bệnh viện sắp xếp thời gian điều trị ca ngày và ca đêm. Việc xạ trị vào ban đêm không chỉ gây khó khăn cho người bệnh mà bản thân kỹ thuật viên, nhân viên y tế cũng phải làm việc vất vả.
“Việc làm đêm hôm với chúng tôi là chuyện cơm bữa, hầu như không có ngày nghỉ. Máy xạ hầu như chạy hết công suất. Chúng tôi chỉ mong máy không trục trặc gì, nhất là vào đêm hôm", kỹ thuật viên Đỗ Đức Doanh nói.
Cũng theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, hiện tượng quá tải ở khu xạ trị là do thiếu máy, "chất lượng điều trị vẫn phải đảm bảo đúng theo quy định, tuy nhiên việc xạ trị vào đêm hôm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, gây phiền hà, và cũng ảnh hưởng đến tâm tư, sức khỏe của cán bộ y tế. Tuy nhiên, sắp tới sẽ không còn tình trạng này nữa. Hiện Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương để Bệnh viện mua thêm máy từ nguồn xã hội hóa. Chúng tôi sẽ cố gắng đến tháng 3/2018 có thêm khoảng 3-4 máy xạ nữa để phục vụ người bệnh”- PGS.TS Trần Văn Thuấn nói.
Đồng thời giám đốc Bệnh viện K cũng nêu rõ, xã hội hóa nhưng phải hài hòa lợi ích của người bệnh, nhà đầu tư phải chọn máy tốt nhất để người bệnh đóng thêm cũng phải được hưởng thành tựu tốt nhất. Giá cả sẽ được tính toán hợp lý nhất với người bệnh.
Theo: Thái Bình - suckhoedoisong.vn