• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Cùng chuyên gia Bệnh viện K làm rõ quan điểm người bệnh ung thư tuổi cao không nên phẫu thuật

10/08/2019 09:08

BVK – Ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân đến bệnh viện chẩn đoán, phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm chỉ khoảng hơn 20%, số còn lại đều đến viện ở giai đoạn tiến triển 3-4, do đó điều trị gặp nhiều hạn chế. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân ngoài 70 tuổi khi phát hiện bệnh dù ở giai đoạn nào cũng thường có tâm lý buông xuôi, từ chối điều trị, hãy cùng làm rõ quan điểm này với TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 Bệnh viện K về vấn đề này.

PV - Thưa bác sỹ, vừa qua Bệnh viện K đã phẫu thuật thành công cho một người bệnh 88 tuổi, đây có phải là trường hợp hiếm gặp trong quá trình điều trị tại Bệnh viện K không, thưa ông?

TS.BS Phạm Văn Bình – Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, tôi xin khẳng định rõ quan điểm, ung thư không phải dấu chấm hết, kể cả với những người lớn tuổi, thông thường với nhưng gia đình có người bệnh ngoài 70 tuổi thì hay có tâm lý buông bỏ, nhưng trường hợp như bà ông 88 tuổi vừa phẫu thuật thành công tại Bệnh viện K là minh chứng rõ ràng nhất để bác bỏ suy nghĩ đó. Nếu còn cơ hội, đảm bảo về sức khỏe thì chúng ta nên quyết tâm để điều trị và hoàn toàn có thể chữa trị thành công như vậy.

Về trường hợp bệnh nhân cao tuổi vừa được phẫu thuật thành công thì phải khẳng định ở tuổi 88 mà chữa bệnh ung thư giai đoạn tiến triển thì kĩ thuật mổ là 1 vấn đề thách thức lớn. Thứ 2 là kỹ thuật gây mê hồi sức trong và sau mổ, đây cũng là một tiến bộ không chỉ của bệnh viện K mà trong những năm gần đây chúng tôi phẫu thuật rất nhiều bệnh nhân nặng phức tạp, tuổi cao như bệnh nhân gần 90 tuổi, ung thư dạ dày vẫn đảm bảo gây mê trong mổ và gây mê sau mổ an toàn, thì đấy cũng là cái tiến bộ rất là đáng lưu ý và ghi nhận của bộ phận gây mê hồi sức bệnh viện K khi kết hợp với kỹ thuật ngoại khoa ung thư. Như vậy để phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư đặc biệt với người bệnh tuổi cao thì phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chăm sóc trước mổ, ngoại khoa, gây mê hồi sức, hồi sức tích cực sau mổ để chất lượng điều trị cho người bệnh được đảm bảo với dịch vụ tốt nhất.

Trường hợp bạn vừa nhắc đến là bệnh nhân 88 tuổi có tiền sử ung thư dạ dày đã phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày cách đây 40 năm, bệnh nhân đã  được chỉ định chụp chiếu và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân T. bị ung thư dạ dày, giai đoạn tiến triển. Mặc dù bệnh nhân tuổi đã cao, sau khi đánh giá tổn thương tại chỗ, chưa di căn, thể trạng bệnh nhân đảm bảo và sự quyết tâm của cụ T., kíp phẫu thuật đã thực hiện cắt toàn bộ dạ dày, loại bỏ tổn thương kích thước 2x3 (cm) và tạo hình dạ dày mới cho cụ T. Ca mổ diễn ra thành công, bệnh nhân hồi phục tốt, ra viện sau 7 ngày điều trị.

Cụ T.ổn định và được ra viện

PV – Quay trở lại với bệnh nhân ung thư dạ dày vừa được phẫu thuật thành công, thì tiên lượng đối với bệnh nhân này sẽ như thế nào?

TS.BS Phạm Văn Bình - Như các bạn đã biết, đối với ung thư dạ dày thì là 1 bệnh điều trị đa mô thức, trong đó ngoại khoa đã, đang và vẫn sẽ là một phương pháp quan trọng nhất, mang tính quyết định. Thông thường bệnh nhân được chỉ định, tiến hành phẫu thuật và đánh giá trong mổ và sau mổ sau đó tùy từng giai đoạn, kết quả giải phẫu bệnh bác sỹ sẽ tư vấn, quyết định thêm các phương pháp điều trị bổ trợ, như là hóa chất, miễn dịch cho người bệnh hay không.

PV – Vừa qua bệnh viện K cũng thực hiện kỹ thuật mới nội soi 3D điều trị ung thư thực quản, bác sĩ có thể nói thêm kĩ thuật mà chúng ta vừa tiến hành với bệnh nhân này?

TS.BS Phạm Văn Bình - Đó là 1 trường hợp bệnh nhân nam, 62 tuổi, qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán lâm sàng, chúng tôi đánh giá là ung thư giai đoạn 3, chúng tôi quyết định hóa xạ trị liền phẫu, điều trị bổ trợ, sau khi điều trị bổ trợ xong chúng tôi đánh giá thể trạng bệnh nhân tốt, đáp ứng về mặt ung thư học dưới tác dụng của hóa chất và tia xạ tiền phẫu tốt và chúng tôi quyết định phẫu thuật, bệnh nhân này được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi 3D, đây là một trong những phương pháp phẫu thuật tiên tiến, kỹ thuật mới, cũng là kỹ thuật mũi nhọn trong kỹ thuật nội soi của bệnh viện K.

Phẫu thuật nội soi 3D được thực hiện thường quy tại Bệnh viện K

Bệnh nhân này được phẫu thuật nội soi cắt thực quản 2 kỳ qua phẫu thuật nội soi lồng ngực để giải phóng thực quản, phẫu thuật nội soi ổ bụng để giải phóng dạ dày và tạo hình dạ dày sau đó chúng tôi cắt toàn bộ thực quản và tạo hình bằng dạ dày để nối. Diễn biến sau mổ thì bệnh nhân đã được rút hết tất cả dẫn lưu màng phổi, dẫn lưu ổ bụng, bệnh nhân có thể đi lại bình thường và bắt đầu cho ăn lại, dự kiến khoảng 2 ngày nữa tức là ngày thứ 7 sau mổ chúng tôi có thể cho bệnh nhân ra viện. Đánh giá lại bệnh nhân này có 2 điều đáng nói, thứ nhất là ung thư thực quản được điều trị đa mô thức và đáp ứng được điều trị đa mô thức rất tốt đó là hóa xạ trị tiền phẫu, sau khi hóa xạ trị tiền phẫu theo phác đồ chuẩn của thế giới thì chúng tôi tiến hành phẫu thuật và áp dụng phương pháp phẫu thuật mũi nhọn là phẫu thuật nội soi 3D và kết quả cho thấy tất cả tiến bộ trong chẩn đoán trong điều trị của chúng tôi đã hiện thực hóa bằng việc bệnh nhân phục hồi rất tốt, đến ngày thứ 5 đã đi lại gần như bình thường và đặc biệt là hồi phục nhanh sau mổ, rất ít đau.

PV - Vậy tại khoa ngoại bụng 1 tỉ lệ bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn chiếm tỉ lệ bao nhiêu và bác sĩ gặp khó khăn gì trong điều trị cho bệnh nhân ở giai đoạn muộn như vậy?

TS.BS Phạm Văn Bình - Điều trị ung thư là một điều trị đa mô thức, và theo những nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới cũng như là ở các nghiên cứu trong nước chứng minh điều trị ung thư khi chẩn đoán ở giai đoạn sớm mang lại kết quả tốt, không chỉ kéo dài tối đa sự sống, mà còn giảm thiểu chi phí điều trị, vì thế, nếu chẩn đoán ung thư nói chung và ung thư thực quản, ung thư dạ dày nói riêng ở giai đoạn sớm là một thuận lợi rất lớn cho người bệnh và cả thầy thuốc. Thực trạng ở Việt Nam nói chung và Bệnh viện K, bệnh viện trung ương đầu ngành về ung thư nói riêng có thể nói là hiện trạng chẩn đoán ung thư trực tràng, ung thư thực quản và ung thư nói chung ở giai đoạn sớm chỉ chiếm 20-30%. Còn lại là 70-80% là giai đoạn muộn, tức là giai đoạn 3, giai đoạn 4, điều này đặt ra cho thầy thuốc và các nhân viên y tế và cho cộng đồng về tuyên truyền về ung thư tốt hơn nữa và đặc biệt là công tác khám sàng lọc và ý thức  của những người phòng bệnh, tránh các nguy cơ, yếu tố dẫn đến ung thư. Tôi nghĩ đấy cũng là cái cần thiết phải làm trong cộng đồng để phòng chống ung thư. 

PV - Tuy nhiên thì hiện nay chúng ta đã đạt được những tiến bộ như nào trong điều trị ung thư?

TS.BS Phạm Văn Bình - Điều trị ung thư là một điều trị đa mô thức, thế giới đã nghiên cứu chốt lại 3 phương pháp chính, đó là phẫu thuật, hóa chất, xạ trị. Trong nhánh phẫu thuật thì người ta có những tiến bộ, một là mổ kinh điển, có nguồn gốc lịch sử, thăng trầm theo thời gian, trải qua  hàng thế kỷ nay. Tiến bộ hơn nữa là phương pháp nội soi, là phương pháp sang chấn tối thiểu được chỉ định cho những trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn tương đối sớm, phẫu thuật cắt đc triệt để ung thư hoặc làm hạn chế các phá hủy vì thế bệnh nhân giảm đau sau mổ và hồi phục tốt hơn, tuy nhiên về mặt ung thư học vẫn phải tôn trọng và tuân thủ một cách rất đúng, đó là loại bỏ tối đa, triệt để khối u và nạo vét hạch hệ thống. Tiến bộ nữa trong phẫu thuật nội soi ngày nay là phẫu thuật nội soi Robot, đặc biệt là phẫu thuật nội soi Robot Da Vinci, là một trong những cái có thể nói là phẫu thuật đỉnh cao nhất trong lĩnh vực nội soi được áp dụng trong ung thư.

Trong nhánh điều trị thứ 2 là hóa chất thì cũng theo thời gian, các công trình nghiên cứu trên thế giới pha I, pha II, pha III và đến nay thì đã có rất nhiều bước tiến mới, làm sao tiêu diệt tế bào ung thư với hiệu suất cao nhất mà lại tránh tổn thương các tế bào khác. Các thế hệ hóa chất mới lần lượt ra đời và cho đến nay có tiến bộ gọi là điều trị đích tức là hóa chất nhưng chọn lọc, chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà không làm tổn thương tế bào khác, đấy cũng là một tiến bộ, và đặc biệt ngoài điều trị đích còn điều trị miễn dịch cũng là một tiến bộ mới. Giải thưởng Nobel Y học trong những năm gần đây tập trung chủ yếu vào điều trị đích và điều trị miễn dịch. Điều trị miễn dịch cũng là hướng có nhiều triển vọng và đang được tiến hành rất bài bản tại bệnh viện K.

Xạ trị cũng như vậy, ngoài việc tiến bộ từ máy xạ trị thế hệ đầu đến máy xạ trị gia tốc đến thế hệ điều trị tiếp theo này thì cũng như là điều trị đích của hóa chất, là tia xạ chọn lọc, tính liều để chiếu, tiêu diệt khối u một cách chọn lọc nhất, và hạn chế tối đa tổn thương của các tế bào ngoài có thể gọi là xạ trị đích. Phẫu thuật, hóa chất và xạ trị, cả 3 nhánh đều đã và đang có rất nhiều tiến bộ trong tương lai gần và cũng như tương lai xa.

Quay trở lại với bệnh viện K thì chúng tôi đang tiệm cận với cả khu vực và trên thế giới ở cả 3 lĩnh vực phẫu thuật, hóa chất và tia xạ. Phẫu thuật thì chúng tôi phẫu thuật nội soi 3D, phẫu thuật tạo hình trong ung thư, phẫu thuật chọn lọc, tương lai gần là phẫu thuật nội soi Robot. Xạ trị thì Trung tâm xạ trị quốc gia tiến tới sẽ đi vào hoạt động và tương lai sẽ là xạ trị Proton. Về hóa trị thì  tại Bệnh viện K đã và đang áp dụng điều trị đích rất hiệu quả, điều trị miễn dịch cũng đang được thực hiện bài bản, và đặc biệt là khi Trung tâm pha chế thuốc của bệnh viện K được đưa vào hoạt động.

PV - Tỉ lệ bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn đến điều trị tại viện K là như thế nào và các bác sĩ gặp khó khăn gì trong điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn?

TS.BS Phạm Văn Bình - Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư thường gặp, số liệu cũng như tỉ lệ mắc không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới ngày càng tăng theo các năm, tại Việt Nam con số thống kê cũng như thực trạng ở bệnh viện K cho thấy chẩn đoán ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm vẫn còn chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn, khoảng 20-30%, vậy 70-80% bệnh nhân còn lại đến điều trị tại bệnh viện không phải giai đoạn sớm, nghĩa là giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc là đã có di căn vì vậy đây cũng là một cái hướng nghiên cứu sàng lọc phát hiện sớm trong cộng đồng để làm sao mà hạ thấp tỉ lệ mà bệnh nhân ung thư đến điều trị ở giai đoạn tiến triển hoặc di căn.

PV - Có nghĩa là khoảng 70% bệnh nhân ung thư đại trực tràng đều đến khi giai đoạn muộn phải không?

TS.BS Phạm Văn Bình – Thường bệnh nhân khi nhập viện điều trị Bệnh viện K thì phần lớn khoảng 70 % được phát hiện ở giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc di căn ra là giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4.

PV - Vậy thực trạng mà người dân Việt Nam mắc ung thư đại trực tràng là như thế nào?

TS.BS Phạm Văn Bình - Theo số liệu WHO năm 2018, trên toàn thế giới có thêm 1,8 triệu ca mắc mới và gần 900.000 ca tử vong. Còn tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất với gần 15.000 ca mắc mới và gần 8.000 trường hợp tử vong. Thực trạng năm vừa qua tại Bệnh viện K, phẫu thuật khoảng 22,23 nghìn ca ung thư và trong đó ung thư đại trực tràng chiếm 4 – 5000 ca.

PV – Gần đây bệnh viện còn tiếp nhận trường hợp người bệnh nào lớn tuối (ngoài 80) mắc ung thư đại trực tràng và được phẫu thuật thành công không, thưa ông?

TS.BS Phạm Văn Bình - Chúng tôi mới tiếp nhận trường hợp cụ bà 84 tuổi chẩn đoán ung thư đại tràng trái. Cụ được nhập viện trong tình trạng bán tắc ruột, tức là bản thân khối u đa đủ lớn để gây hẹp lòng đại tràng, và như vậy đây cũng là giai đoạn tiến triển tại chỗ, không phải giai đoạn sớm, và chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật trên bệnh nhân 84 tuổi trong tình trạng bán cấp cứu và sau mổ thì bệnh nhân diễn biến tương đối thuận lợi.

PV – Vậy hướng điều trị tiếp theo cho bệnh nhân là gì, thưa bác sỹ?

TS.BS Phạm Văn Bình - Ung thư đại trực tràng là ung thư tiêu hóa là một trong những ung thư điều trị đa mô thức trong đó phẫu thuật vẫn đóng vai trò quan trọng nhất mang tính chất triệt căn, bản thân cụ già đã được áp dụng phương pháp phẫu thuật và phẫu thuật cắt trong mổ đánh giá lưu lượng ... và chia căn, cắt toàn bộ, nạo vét hạch trong hệ thống, hiện tại diễn biến hậu phẫu bình thường. Còn hướng điều trị tiếp theo, có thể điều trị hóa chất hay không còn phụ thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh sau mổ, thứ 2 là thể trạng hồi phục của bệnh nhân. Đây là tham số quan trọng trong việc đưa ra quyết định có điều trị bổ trợ tiếp hay không.

PV - Vậy thông thường có bệnh nhân phát hiện ung thư trực tràng khi ở giai đoạn muộn, tức giai đoạn 3 hoặc 4 thì có thể kéo dài sự sống trong vòng bao nhiêu lâu?

TS.BS Phạm Văn Bình - Người ta ước tính theo tỉ lệ gọi là tỉ lệ phần trăm sống thêm sau mổ đối với giai đoạn 1 là tỉ lệ sống 5 năm từ 80-85%, giai đoạn 2 có thể là 80%, giai đoạn 3 giảm xuống còn khoảng 65%, giai đoạn 4 thì còn 20-30%. Như vậy nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát căn bệnh này, điều trị hiệu quả cao mà giảm thiểu chi phí.

Vâng trân trọng cảm ơn TS.BS Phạm Văn Bình!

Thời gian qua, bệnh viện K đã phẫu thuật thành công cho nhiều người bệnh trên 80 tuổi .... Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng có thể nhận thấy kỹ thuật ngoại khoa và gây mê hồi sức của bệnh viện K đạt trình độ tiệm cận với y học khu vực và thế giới, giúp người bệnh yên tâm hơn trong quá trình điều trị. Đặc biệt, việc trao đổi, hợp tác quốc tế, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào chẩn đoán và điều trị được đẩy mạnh như kỹ thuật nội soi phóng đại, ánh sáng màu tầm soát phát hiện sớm ung thư điều tiêu hóa, cắt hớt niêm mạc dạ dày, đại trực tràng ESD, phẫu thuật nội soi 3D......  và trong tương lai rất gần là phẫu thuật Rô bốt mổ ung thư đã khẳng định chất lượng điều trị tại bệnh viện K ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của người bệnh

Để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, mọi người nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A …và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên. Các chuyên gia khuyến cáo, những nguời có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu … thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời. Ngay cả khi phát hiện ung thư ở bệnh nhân tuổi cao thậm chí trên 80 vẫn nên quyết tâm phối hợp với các bác sĩ chuyên sâu về ung thư để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh bệnh tốt nhất. Với trình độ của các bác sĩ phẫu thuật ung thư cũng như khả năng gây mê hồi sức tốt như Bệnh viện K là một địa chỉ tin cậy .

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook