• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Hội thảo chuyên đề "Điều trị u phổi trên góc nhìn đa mô thức với phẫu thuật nội soi"

16/09/2019 16:09

BVK - Ngày 16/09, Bệnh viện K tổ chức Hội thảo chuyên đề "Điều trị u phổi trên góc nhìn đa mô thức với phẫu thuật nội soi" với sự tham dự của GS.BS  Satoshi Nagasaka, Trưởng khoa ngoại lồng ngực, Bệnh viện Trung tâm y tế Quốc gia và Quốc tế (National Center for Global Health and Medicine Hospital) thành phố Tokyo; PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K; TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Phụ trách khoa Ngoại lồng ngực cùng các đồng chí Trưởng các đơn vị thuộc Bệnh viện. 

PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K phát biểu trong Hội thảo

Tại Hội thảo các chuyên gia đã thảo luận về 02 nội dung chính: "Điều trị cơ bản và kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến cho bệnh ung thư phổi"; "Phẫu thuật nội soi cắt u phổi (VATS) và phẫu thuật Robotic", cụ thể:

- Điều trị ung thư phổi dựa trên hướng dẫn tại Nhật Bản. 

- Chỉ định phẫu thuật cho ung thư phổi

- Phẫu thuật cắt bỏ ung thư phổi giai đoạn đầu

- Phẫu thuật robot điều trị ung thư phổi. 

Cũng trong sáng ngày 16/09, bác sĩ Bệnh viện K và chuyên gia Nhật Bản đã phối hợp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân ung thu phổi, ca mổ truyền hình trực tuyến đến Hội trường để các chuyên gia cùng thảo luận. 

Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân “đứng top” gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Tỉ lệ mắc ung thư phổi ngày càng tăng ở nữ giới do phong trào hút thuốc ở nữ giới gia tăng.

Ung thư phổi là ung thư hay gặp nhất trên toàn cầu, khó phát hiện sớm, kết quả điều trị cũng rất thấp, gây tử vong nhiều nhất trong các loại ung thư. Ở Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai sau ung thư gan ở cả hai giới nam và nữ. Tuy nhiên ung thư phổi có thể tránh dễ dàng và chủ động bằng cách không hút thuốc và tránh xa khói thuốc lá.

Ung thư phổi được cho là bắt đầu tại các vị trí tiền ung thư trong phổi. Những thay đổi đầu tiên trong gene (DNA) của các tế bào phổi có thể làm các tế bào phát triển nhanh hơn. Tại thời điểm này các thay đổi không tạo thành khối u, không thể phát hiện được trên Xquang và không gây ra triệu chứng.

Theo thời gian, các tế bào bất thường có thể có được những thay đổi gen tiếp tục để tiến đến ung thư thực sự. Các mạch máu xung quanh vị trí ung thư sinh sôi mạnh mẽ để nuôi dưỡng các tế bào ung thư, sau đó phát triển và hình thành một khối u đủ lớn có thể nhìn thấy trên các xét nghiệm hình ảnh như chụp Xquang.

Tại một số điểm, các tế bào từ các ung thư có thể thoát khỏi khối u ban đầu và lan tràn, di căn tới các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư phổi thường là một căn bệnh đe dọa tính mạng bởi vì nó có xu hướng di căn ngay cả trước khi nó có thể được phát hiện trên phim X-quang.

Có 2 loại chính của ung thư phổi:

- Ung thư phổi tế bào nhỏ: Chiếm khoảng 10%, diễn tiến ác hơn, khi phát hiện đã cho xâm lấn và di căn xa.

- Ung thư phổi không tế bào nhỏ: Chiếm khoảng 90%, ít ác hơn, phát triển qua từng giai đoạn.

Nguyên nhân gây ung thư phổi

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Mặc dù còn 4% bệnh nhân bị ung thư phổi mà không hút thuốc, nhưng họ đã hít một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hít khói của người hút thuốc lá). 90% bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong 20 năm. Ở nước ta, hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi.

Môi trường làm việc: là yếu tố cũng dễ tác động gây bệnh ung thư phổi. Những người tiếp xúc với khói, bụi cũng có nguy cơ cao bị ung thư phổi đặc biệt là trong quá trình luyện thép, ni-ken, crôm và khí than.

Tiếp xúc với tia phóng xạ có nguy cơ bị các bệnh ung thư trong đó có cả ung thư phổi. Những công nhân mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khi radon.

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài. Thở ngắn, ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Một thời gian sau bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi.

Chẩn đoán

Ung thư phổi thường được phát hiện đầu tiên bằng chụp X-quang lồng ngực. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thể xác định chính xác hơn vị trí của khối u, kích thước và biết được khối u đã phát triển ra ngoài phổi hay chưa. Có thể chẩn đoán bằng cách lấy sinh thiết ở vùng khác thường của phổi. Những mẫu sinh thiết lấy được, được nhuộm và soi dưới kính hiển vi quang học để chẩn đoán xác định.

Điều trị ung thư phổi

Phẫu thuật loại bỏ khối u

Có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân  cần có thể trạng tốt để phẫu thuật, có khoảng 20% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này.

Điều trị tia xạ

Phương pháp này được áp dụng cho khoảng 35% bệnh nhân. Mục đích là phá hủy khối u khi nó còn nhỏ (thường có đường kính 6cm) và không có di căn. Đối với những khối u lớn thì nó làm giảm sự phát triển của khối u. Phương pháp điều trị này kéo dài đời sống của bệnh nhân nhưng ít khi chữa khỏi bệnh.

Điều trị hóa chất

Đối với loại ung thư tế bào nhỏ, tỉ lệ bệnh thoái giảm khi điều trị bằng hoá chất lên  tới 80-90%, còn đối với các loại khác tỉ lệ đáp ứng khoảng 40-50%. Hoá chất  thường được sử dụng điều trị hỗ trợ với phẫu thuật và xạ trị khi bệnh ở giai đoạn mổ được. Các trường hợp ở giai đoạn muộn, hoá chất có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống ở bệnh nhân.

Điều trị hỗ trợ 

Áp dụng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn không điều trị được bằng các phương pháp kể trên, bao gồm chăm sóc bệnh nhân, điều trị triệu chứng và làm giảm đau.

Phòng bệnh

Yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng chống bệnh ung thư phổi là không hút thuốc lá. Cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ cũng giúp cho việc phòng chống ung thư phổi.

 

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook