• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

KHÔNG CHỈ XÉT NGHIỆM MÁU, CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH NGỰC LIỀU THẤP MỚI LÀ PHƯƠNG PHÁP TỐI ƯU TRONG PHÁT HIỆN UNG THƯ PHỔI

17/11/2022 16:11

BVK - Ung thư phổi là một trong 3 ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ hai chỉ sau ung thư gan, ước tính mỗi năm có khoảng 23.000 trường hợp mắc mới, gần 21.000 trường hợp tử vong và con số này không ngừng tăng lên. Tại bệnh viên K, hàng nghìn bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi mỗi năm. Tuy nhiên, tại thời điểm chẩn đoán trên 70% số trường hợp bệnh đã tiến triển hoặc di căn xa và không có chỉ định điều trị triệt căn. Nếu ung thư phổi được phát hiện, chẩn đoán và điều trị ngay từ giai đoạn I thì tỉ lệ bệnh nhân còn sống sau 5 năm lên đến trên 80%, nhưng đối với ung thư phổi giai đoạn IV thì tỉ lệ bệnh nhân còn sống sau 5 năm < 5% cùng với đó là chi phí điều trị đắt đỏ. Với mục tiêu đưa bệnh ung thư trở thành một bệnh mạn trong tương lai, thì chìa khóa chính là sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư ngay từ giai đoạn sớm. Dưới đây là những thông tin hữu ích sẽ cung cấp cho bạn đọc kiến thức cơ bản trong sàng lọc ung thư phổi.

  1. Đối tượng nào cần sàng lọc ung thư phổi?
  • Những người trong độ tuổi 50-75 tuổi
  • Hút thuốc lá trên 20 bao-năm. Ví dụ một người đàn ông 55 trung bình một ngày hút 1 bao thuốc và hút trong vòng 30 năm, thì người đàn ông này đã hút thuốc 30 bao-năm
  • Những người đang hút thuốc hoặc đã bỏ hút thuốc nhưng ít hơn 15 năm

Khi một người có đủ cả 3 yếu tố trên thì sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư phổi và cần phải sàng lọc mỗi năm một lần bằng cắt lớp vi tính liều thấp để phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm.

  1. Cắt lớp vi tính liều thấp là gì?

Cắt lớp vi tính lồng ngực liều chuẩn (CT scanner) là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh không mới và là phương tiện không thể thiếu trong chẩn đoán ung thư phổi. Tuy nhiên, phương pháp này lại không thích hợp để tiến hành sàng lọc ung thư phổi do nguy cơ phơi nhiễm tia X khi chụp cắt lớp nhiều lần. Chính vì điều này mà cắt lớp liều thấp ra đời nhằm khắc phục nhược điểm của cắt lớp vi tính liều chuẩn.

Lợi ích của cắt lớp vi tính ngực liều thấp:

  • Có thể phát hiện những nốt nghi ngờ ung thư phổi với kích thước rất nhỏ, ngay cả khi khối u < 10mm
  • Tiến hành chụp nhanh chóng, điều này rất quan trọng với bệnh nhân khó thở
  • Không đau đớn, không xâm lấn và không cần tiêm thuốc cản quang, điều này đặc biệt có ý nghĩa với những bệnh nhân dị ứng với thuốc cản quang
  • Mức độ phơi nhiễm tia X ít hơn 90% so với cắt lớp vi tính ngực liều chuẩn, nhưng chất lượng hình ảnh không thua kém

Những đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư phổi cần được sàng lọc với cắt lớp vi tính ngực liều thấp mỗi năm một lần để phát hiện những tổn thương nghi ngờ. Khi phát hiện những nốt bất thường tại phổi trên cắt lớp vi tính ngực liều thấp, bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ mỗi 3 hoặc 6 tháng tùy thuộc vào đặc điểm của tổn thương. Sau đó các chiếm lược chẩn đoán xâm lấn hơn sẽ được chỉ định như PET/CT, sinh thiết tổn thương u phổi, nội soi phế quản, thậm chí phẫu thuật cắt thùy phổi đối với những tổn thương không thể tiến hành sinh thiết những nguy cơ ung thư rất cao.

Đối với bệnh nhân phát hiện ung thư phổi qua sàng lọc bằng cắt lớp vi tính liều thấp, đa số những trường hợp này bệnh ở giai đoạn rất sớm và thích hợp với các phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu như phẫu thuật nọi soi hoặc phẫu thuật bằng robot. Với những tiến bộ trong sàng lọc phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm cùng với các phương pháp phẫu thuật hiện đại đã và đang được triển khai tại bệnh viện K trong những năm gần đây, cho thấy những kết quả rất khả quan về tỉ lệ bệnh nhân còn sống sau 5 năm, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí điều trị.

Theo thông tin từ Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook