• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Người phụ nữ dân tộc Thái kiên cường vượt qua căn bệnh ung thư

01/10/2019 13:10

“Tại sao lại là tôi?” - chúng ta thường tự hỏi điều đó khi gặp phải biến cố trong cuộc đời, chúng ta dằn vặt, thậm chí muốn buông xuôi tất cả nhưng rồi .... chúng ta vẫn phải tiếp tục sống, thậm chí phải sống thật tốt vì những người ta yêu thương nhất.

Là một cô gái miền sơn cước, sinh năm 1986, tại Bản Lầm Lèn, xã Lầm Lèn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên nơi vùng sâu, vùng xa, khó khăn của đất nước. Chị Lò Thị Trang, người phụ nữ dân tộc Thái với dáng người nhỏ nhắn nhưng lại có ý trí kiên cường và mãnh mẽ, nhất là khi gặp biến cố trong cuộc đời.

Năm 2005, chị Trang xây dựng gia đình với một chàng thanh niên cùng bản, lúc đó chị vừa bước vào tuổi 20 – độ tuổi đẹp nhất của người con gái. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng anh chị vẫn rất hạnh phúc với tình yêu của mình, như các cụ thường ví “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Hạnh phúc và sự vui sướng được tăng lên gấp bội khi 1 năm sau chị sinh được cô con gái đầu lòng kháu khỉnh, đáng yêu, và mọi thứ trọn vẹn hơn gia đình đủ nếp đủ tẻ vào năm 2011 với một bé trai khỏe mạnh ra đời. Thêm thành viên, thêm hạnh phúc nhưng cũng thêm nhiều khó khăn hơn, anh chị cố gắng làm việc để chăm các con khôn lớn.

Năm 2014 chị cảm thấy trong người khó chịu và đặc biệt bị đau ở ngực chủ yếu là ở vùng vú, chị Trang lập tức đi khám tại Bệnh viện tỉnh Điện Biên, qua thăm khám ban đầu các bác sĩ chẩn đoán chị có một khối u ở vú bên trái. Sau một thời gian ngắn chị chuyển xuống Bệnh viện K. Ngày 14/3/2014 là ngày chị muốn quên đi nhất trong cuộc đời, kết quả bị ung thư vú như sét đánh ngang tai, tinh thần chị suy sụp nghiêm trọng, câu hỏi cứ vang lên trong đầu chị “tại sao lại là tôi?”....

“Nhưng rồi được nghe các bác sĩ tư vấn, động viên chia sẻ tôi thấy mình có thêm niềm tin, thêm động lực, các bác sĩ có nói phát hiện bệnh sớm, có thể khỏi được, tôi ước mong điều ấy thành hiện thực” chị Trang chia sẻ.

Thời gian đầu, khi tiếp nhận phác đồ điều trị, tinh thần của chị Trang đi xuống rất nhiều, chị lo cho 2 đứa con còn nhỏ dại ở quê, lo đến khoản tiền để trang trải cuộc sống và chi phí chữa bệnh.  Nhưng rồi được sự động viên của người thân trong gia đình và đặc biệt là người chồng luôn quan tâm sẻ chia mọi chuyện với chị, tinh thần của chị cũng dần dần vui vẻ, lạc quan trở lại và thêm phần quyết tâm chữa bệnh.

Trong suốt quá trình điều trị 6 đợt chuyền hóa chất và 30 mũi xạ, mặc dù cơ thể mệt mỏi nhưng chị vẫn lạc quan, nuốt nước mắt vào trong để động viên chồng “anh cứ yên tâm em không sao hết, em còn phải nuôi các con đến khi nó lớn khôn cơ mà”.

Cứ như vậy chị Trang điều trị theo phác đồ của các bác sĩ tại Bệnh viện K từng đợt, từng đợt ..... ngoài thời gian không phải điều trị chị về nhà sinh hoạt cùng gia đình, tại đây chị vẫn làm công việc của một người nông dân cần mẫn với ruộng, nương và thậm trí chị còn tăng gia sản xuất thêm để cải thiện cuộc sống cho gia đình bằng cách nuôi thêm lợn, gà và trồng thêm nhiều loại rau củ quả khác.

Cánh cửa tương lai tươi sáng hơn đã hé mở, vào cuối năm 2014 sau nhiều lần chuyền hóa chất và xạ trị, các bác sĩ  hội chẩn và đánh giá tình hình sức khòe của chị, chị chính thức được ra viện vào ngày 17/12/2014 với niềm vui sướng tột cùng.  Hạnh phúc  nào hơn khi được về  nhà với chồng, con với những người thân yêu của mình. Từ năm 2014 cho tới nay chị Trang chỉ đi khám định kỳ 6 tháng 1 lần tại Bệnh viện K, tại đây qua thăm khám các bác sĩ cho biết tình trạng của chị vẫn ổn định và tốt đẹp.

Chị Trang vui vẻ với kết quả ổn định sau mỗi lần tái khám

Khi gặp lại chúng tôi chị vui mừng chào hỏi “anh chị có khỏe không, còn em vẫn như con voi trên rừng chị à” và nở nụ cười rất tươi - nụ cười của người phụ nữ miền sơn cước.

Cuộc sống đôi khi có những thứ không được như mong đợi, nhưng rồi có niềm tin, có nghị lực ta sẽ có những điều vô giá, lớn hơn tất cả những thứ trước đó ta ước mong. “Hạnh phúc trong cuộc đời không phụ thuộc nhiều vào điều xảy ra với bạn bằng cách mà bạn đón nhận nó”

Ung thư vú có thể kiểm soát tốt. Tỉ lệ bệnh nhân ung thư vú có thể sống sau 5 năm lên đến hơn 90% nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên tỉ lệ bệnh nhân phát hiện ra bệnh ở giai đoạn muộn là rất cao, ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị ung thư vú nói chung. Tự khám vú tại nhà là một bước quan trọng, góp phần phát hiện sớm ung thư vú. Thông qua những bất thường chưa rõ nguyên nhân xuất giện ở vú, bạn hãy thực hiện 6 bước đơn giản sau để bảo vệ sức khỏe của mình.

Bước 1: Cởi áo phần trên thắt lưng, đứng hoặc ngồi trước gương, để hai tay xuôi theo người và quan sát thật kỹ xem có sự thay đổi về hình dáng hay kích thước không như : hai bên vú có đối xứng không, da vùng ngực có bị nhăn nheo, sần sùi hay thay đổi màu sắc không, núm vú có bị lõm xuống không?

Bước 2: Giơ hai tay lên đầu nhìn kỹ vú từ các hướng khác nhau xem có sự thay đổi nào không. Kiểm tra núm vú xem có sự tiết dịch lạ hay chảy máu không?

Bước 3: Đưa tay phải ra sau đầu, dùng tay trái khám vú phải. Chụm các ngón tay lại, dùng phần phẳng của các ngón tay tìm kiếm khối u hoặc màng dày bất thường nếu có. Làm tương tự với vú trái.

Bước 4: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ vê nhẹ núm vú, bóp nhẹ xem có tiết dịch lạ hay chảy máu không, lật đi lật lại kỹ quanh núm vú.

Bước 5: Nằm ngửa trên giường kê gối mỏng dưới vai trái và đưa bàn tay trái ra sau đầu. Dùng tay phải khám vú trái theo hướng dẫn như Bước 3 và Bước 4

Bước 6: Dùng phần mềm của đầu các ngón tay khum lại và miết tìm xem có u, hạch ở hõm nách không?

Sau khi kiểm tra vú mà phát hiện có các dấu hiệu dưới đây kéo dài hơn 2 tuần, cần đi khám vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vú:

- Đau hoặc đỏ vú, tụt núm vú, da vùng vú bị lồi lõm, sần sùi, co kéo bất thường.

- Chảy dịch vú, thay đổi màu sắc trên da của vú, một bên vú dày, chắc hơn bên kia.

- Có hạch nách hoặc hố thượng đòn.

Ngoài việc tự kiểm tra vú hàng tháng, chị em phụ nữ cần tập cho mình thói quen đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư vú thường xuyên, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao như: trong gia đình có mẹ hoặc chị, em gái mắc ung thư vú, đột biến gen BRCA1/BRCA2, tuổi có kinh sớm, không sinh con, người trên 40 tuổi,…

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook