• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Trạng thái bình thường mới

15/05/2020 09:05

Một bệnh nhân ung thư vú mới đây bị cách ly tại viện K chúng tôi cùng các y bác sĩ.

Chúng tôi tiếp nhận một trường hợp người bệnh ung thư vú kết thúc điều trị từ 2 năm trước đến viện với triệu chứng ho, đau ngực, khó thở và phát hiện sốt tại điểm sàng lọc. Hệ thống, quy trình cách ly được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước lập tức được kích hoạt.

Sau đó, mặc dù hình ảnh tổn thương phổi trên phim chụp được nhận định là di căn ung thư nhưng phải đến khi xét nghiệm RT-PCR của người bệnh cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, kết thúc quá trình cách ly.

Chúng tôi đã phải thích nghi với tình hình mới. Để bảo vệ bệnh nhân và người nhà họ cũng như nhân viên y tế, bệnh viện đã triệt để thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thậm chí cao hơn khuyến cáo của Bộ đối với một bệnh viện chuyên khoa bệnh không lây nhiễm. Đội ngũ nhân viên được tập huấn bài bản, triển khai các cửa sàng lọc, chuẩn bị khu vực cách ly, tăng cường công tác vệ sinh, khử khuẩn; tuân thủ quy tắc "mỗi người bệnh chỉ một người nhà đi cùng", đẩy mạnh tuyên truyền người dân tới bệnh viện thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc phòng chống dịch.

Trong những ngày cách ly xã hội, chúng tôi đã vận dụng tối đa phương thức khám và tư vấn từ xa qua điện thoại, có thể nói là một hình thức đơn giản của Telemedicine (tạm dịch: Y học từ xa). Nguyên lý chúng tôi đặt ra là cân bằng giữa hiệu quả điều trị và nguy cơ cá nhân.

Các y bác sĩ cân nhắc đặc điểm từng trường hợp, bao gồm nguy cơ tiến triển bệnh nếu hoãn điều trị, tình trạng bệnh ung thư, sức khỏe chung hiện tại của người bệnh, nguy cơ nhiễm và biến chứng nặng nếu nhiễm SARS-CoV-2, để quyết định người bệnh nào có thể trì hoãn khám định kì hay tạm dừng điều trị hoặc chuyển đổi liệu trình. Bên cạnh đó, tôi và các đồng nghiệp cũng đã nhanh chóng chia sẻ các hướng dẫn, kinh nghiệm điều trị người bệnh ung thư trong thời kì dịch bệnh với các bệnh viện, trung tâm khác trong mạng lưới phòng chống ung thư thông qua các hội thảo trực tuyến.

Khi quyết định người bệnh cần phải đến viện tiếp tục điều trị, chúng tôi cải tiến quy trình, đảm bảo việc điều trị được thực hiện ở một khoa duy nhất, hạn chế tối đa việc người bệnh di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Đối với nhiều trường hợp hoá trị, các y bác sĩ gọi điện hướng dẫn người bệnh làm các xét nghiệm cơ bản ở địa phương, hỏi bệnh và gửi kết quả qua công cụ trực tuyến, sau đó hẹn ngày đến điều trị. Sáng kiến này giúp giảm thiểu thời gian người bệnh hiện diện tại bệnh viện.

Một sáng kiến khác là chuyển đổi đường dùng từ tiêm truyền sang các thuốc tương đương đường uống hoặc tiêm dưới da giúp người bệnh hoặc không phải đến viện hoặc nếu phải đến cũng giảm tối đa thời gian lưu trú. Ngay cả đối với các nhân viên y tế, hầu hết các cuộc họp, hội chẩn lâm sàng được thực hiện qua các công cụ trực tuyến. Chưa bao giờ tôi thấy vai trò của công nghệ trong y tế lại quan trọng như lúc này.

Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống toàn cầu mà lĩnh vực ung thư cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Người bệnh ung thư là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao và dễ xảy ra biến chứng nếu nhiễm SARS-CoV-2, do hệ thống miễn dịch ở họ vốn dĩ đã suy giảm bởi bệnh ung thư và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị.

Ở một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, đồng nghiệp của chúng tôi đã phải giảm tối đa quy mô hoạt động để ưu tiên nguồn lực cho phòng chống dịch cũng như giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người bệnh và nhân viên y tế. Nhiều bệnh viện phải phân loại người bệnh, chỉ ưu tiên những người có nguy cơ biến chứng nguy hiểm nếu dừng điều trị. Theo điều tra tại Mỹ, chương trình sàng lọc ung thư bị huỷ bỏ đến tháng 6/2020 có thể dẫn đến hệ luỵ 80.000 người bị bỏ sót hoặc chậm trễ được chẩn đoán ung thư.

Trong thời kỳ dịch bệnh, dù không phải tuyến đầu chống dịch nhưng các y bác sĩ chuyên ngành ung thư phải nỗ lực làm việc gấp đôi bình thường, vì vừa đảm bảo công tác chăm sóc và điều trị người bệnh, vừa phải thực hiện các biện pháp dự phòng, kiểm soát lây nhiễm - một công việc khó khăn vì bệnh viện tuyến cuối có lưu lượng người ra vào hàng ngày rất lớn.

Mặc dù ung thư là bệnh mạn tính, hầu hết các trường hợp thường không đe dọa đến tính mạng ngay lập tức, nhưng việc trì hoãn chẩn đoán và điều trị có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thời gian sống thêm và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do vậy, bổn phận và trách nhiệm của thầy thuốc vẫn phải tiếp tục định kỳ thăm khám, điều trị và theo dõi với khả năng tốt nhất, đồng thời đảm bảo an toàn cho người bệnh, người nhà và nhân viên y tế khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Khủng hoảng tồi tệ nhất của đại dịch, nếu may mắn, có thể đã ở lại phía sau. Tuy nhiên, nguy cơ, tác động rõ ràng sẽ còn kéo dài. Điều này đặt ra yêu cầu cho không chỉ ngành Y mà mọi ngành nghề: hành động quyết liệt để thích nghi, tổ chức lại mô hình vận hành, chuyển sang "trạng thái bình thường mới", vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Không phải loài mạnh nhất sẽ sống sót, thay vào đó, loài có khả năng thích ứng trước sự thay đổi tốt nhất mới là loài sống sót, như Thuyết Tiến hóa của Darwin. Không thể có tập thể thích ứng nếu không có cá thể thích ứng và đổi mới.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook