• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

CẦN HIỂU RÕ YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY UNG THƯ PHỔI ĐỂ PHÒNG TRÁNH

28/07/2022 14:07

BVK - Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo thống kê của Globocan năm 2020, trên thế giới có khoảng 2,2 triệu ca mới mắc ung thư phổi, chiếm 11,4% tổng số ca mới mắc. Ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở nam giới, hàng năm có khoảng 1,8 triệu người tử vong, chiếm tỷ lệ 18% tổng số ca tử vong do ung thư. Tại Việt Nam tính chung cho cả 2 giới ung thư phổi đứng thứ 2 chỉ sau ung thư gan, với 26262 trường hợp mới mắc, chiếm 14,4% tổng số ca ung thư, với tỷ lệ mắc ở nam là 35,4/100 000 và ở nữ là 11,1/100 000.

Triệu chứng sớm của ung thư phổi rất nghèo nàn và ít đặc hiệu, khi có biểu hiện lâm sàng thì đa số bệnh đã ở giai đoạn muộn, không có khả năng điều trị triệt căn. Việc điều trị ở giai đoạn muộn rất khó khăn, các phương pháp điều trị toàn thân được áp dụng với mong muốn kéo dài thời gian sống, giảm nhẹ triệu chứng, việc duy trì và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh là ưu tiên hàng đầu. 

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi

- Thuốc lá và thuốc lào: Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, 80%  trường hợp ung thư phổi ở nam giới và 50% tỷ lệ ung thư phổi ở nữ có liên quan đến hút thuốc lá. Người ta nhận thấy, nguy cơ mắc ung thư phổi cũng gia tăng theo số lượng thuốc hút hàng ngày, số năm hút thuốc, tuổi bắt đầu hút. Sau khi ngừng thuốc lá 10-15 năm thì nguy cơ mắc ung thư phổi sẽ giảm đi một nửa so với người đang hút thuốc lá. Nguy cơ bị ung thư phổi cũng tăng cao ở những người hút thuốc lá thụ động, người bị hít hơi thuốc lá lâu ngày có nguy cơ tăng tương đối khoảng 1,2 – 1,5 lần so với người không hút thuốc thuốc lá.

- Ô nhiễm không khí: nguy cơ ung thư phổi ngày càng tăng theo quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ô nhiễm môi trường. Các chất gây ô nhiễm là các chất thải từ quá trình đốt nhiên liệu trong sinh hoạt, giao thông, công nghiệp, rác thải công nghiệp, bụi, phóng xạ… Người ta nhận thấy ung thư phổi sinh nhiều hơn ở những nước có nền công nghiệp và giao thông phát triển. Trong từng nước tỷ lệ ung thư phổi ở thành thị cao hơn ở nông thôn.

- Yếu tố nghề nghiệp: Công nhân làm việc trong môi trường có phơi nhiễm với một trong các yếu tố sau có nguy cơ mắc ung thư phổi:

+ Tia xạ ion hóa (Radon): trong các hầm mỏ, một số công trình xây dựng dân dụng, tình trạng ô nhiễm khí radon từ các vật liệu.

+ Chrome, sắt, arsenic, nickel, silic, các hydrocarbon thơm đa vòng.

+ Amiăng: khi con người tiếp xúc với bụi amiăng thì nguy cơ mắc ung thư phổi tăng gấp 10 lần, đặc biệt nếu người có hút thuốc lá kèm theo, nguy cơ sẽ tăng gấp 100 lần.

- Yếu tố không liên quan nghề nghiệp:

+ Tia xạ: bom nguyên tử, xạ trị cho bệnh nhân u lympho Hodgkin.

+ Nhiễm virus: nhiễm virus HPV, EBV có nguy cơ mắc ung thư phổi.

+ Bệnh lý phế quản phổi: xơ phổi, sau lao phổi, sarcoidosis…

- Yếu tố gen: mất đoạn nhiễm sắc thể 3p, 5p, 17p, đột biến gen p53 được quan sát trong ung thư phổi.

- Giới tính: nam mắc nhiều hơn nữ, tỉ lệ nam/nữ khoảng 6:1. Tại Việt Nam, từ trước năm 1994 tỉ lệ mắc nam/nữ khoảng 8:1, hiện nay tỉ lệ này chỉ còn 4:1.

- Tuổi: tỷ lệ mắc ung thư phổi bắt đầu tăng dần ở lứa tuổi sau 40. Phần lớn ung thư phổi được chẩn đoán ở lứa tuổi 35 – 75, thường gặp nhất là ở độ tuổi 55 – 65.

Các chuyên gia khuyến cáo, tầm soát ung thư phổi định kỳ với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại hiện nay như chụp Xquang phổi thường thẳng- nghiêng hay CT ngực; cắt lớp vi tính ... sẽ giúp chẩn đoán ung thư phổi chính xác, đặc biệt với nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ như vậy nên khám định kỳ hàng năm để kịp thời phát hiện và được tư vấn điều trị.

 

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook