• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Những tác dụng ngoại ý thường gặp trong điều trị ung thư phổi

01/12/2022 13:12

BVK - Hóa trị là phương pháp hiệu quả tuy nhiên cũng song hành với tác dụng không mong muốn. Điều trị với phác đồ đa hóa chất, liều dùng cao để đạt được tối đa hiệu quả điều trị thì tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ nặng nề. Để hạn chế tác dụng phụ với những đối tượng bệnh nhân già yếu, bệnh kèm theo, cần dùng đơn trị hóa chất với liều thấp khiến cho hiệu quả điều trị giảm đi.

Bác sĩ luôn phải cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ để đưa ra chiến lược điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Một trong những yếu tố để cân nhắc lựa chọn phương thức điều trị trên từng bệnh nhân đó là các tác dụng không mong muốn của các loại hóa chất. Trước khi áp dụng phương thức điều trị hóa chất, bác sĩ cần giành thời gian giải thích, hướng dẫn giúp bệnh nhân hiểu rõ về tác dụng phụ của từng loại hóa chất được sử dụng để theo dõi và phát hiện sớm trong và sau quá trình truyền hóa chất nhờ đó xử trí kịp thời và tuân thủ đúng được phác đồ điều trị.

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các tác dụng ngoại ý thường gặp khi điều trị hóa chất đối với bệnh nhân ung thư phổi.

  1. Nôn, buồn nôn

Đây là mối lo ngại thường trực với bệnh nhân khi bắt đầu hóa trị. Nôn và buồn nôn gây ảnh hưởng cả đến thể chất và tâm lý cho bệnh nhân thậm chí là khiến họ từ chối điều trị. Với những tiến bộ của phác đồ điều trị chống nôn đã cải thiện rất nhiều trong việc ngăn ngừa, kiểm soát nôn và buồn nôn, mang lại chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh và giúp họ tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

Mức độ nôn, buồn nôn chia ra thành nôn mạnh, nôn vừa và nôn nhẹ hoặc ít hôn tùy theo phác đồ hóa chất. Với mỗi mức độ sẽ có sự phối hợp các thuốc chống nôn phù hợp.

Ngoài các thuốc điều trị, các biện pháp can thiệp không dùng thuốc cũng góp phần thuyên giảm triệu chứng. Bệnh nhân nên áp dụng các phương pháp thư giãn như dùng hình ảnh, nghe nhạc, nên có suy nghĩ tích cực, cần có sự động viên từ cả người nhà, người thân và nhân viên y tế.

  1. Rụng tóc

Một vài loại hóa trị liệu có thể gây ra rụng tóc, tuy không nguy hiểm về sinh lý nhưng về mặt tâm lý nó là tác dụng phụ gây phiền muộn nhất cho bệnh nhân. Rụng tóc do điều trị hóa chất thường xảy ra sau điều trị 2 – 3 tuần và mọc trở lại 1 – 2 tháng sau khi đã kết thúc điều trị. Tóc mới mọc có thể khác tóc trước về màu sắc, đặc điểm.

Làm giảm nhiệt độ ở da đầu hoặc ép da đầu được dùng để làm hạn chế lượng máu tới nang tóc, với mục đích làm giảm tối đa rụng tóc. Tuy nhiên những phương pháp này không phải lúc nào cũng áp dụng được, ví dụ như làm lạnh da đầu có thể gây khó chịu cho bệnh nhân và không khuyên dùng cho bệnh nhân có khối u di căn da đầu. Biện pháp này thường sử dụng nhiều thuốc kết hợp, dùng nhiều lần sẽ làm giảm dần hiệu quả.

Vì vậy, điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần được cung cấp thông tin và giải thích về khả năng có thể rụng tóc, tránh sự lo lắng và sợ hãi khi rụng tóc, chấp nhận nguy cơ này và tuân thủ điều trị. Bác sĩ nên khuyến khích bệnh nhân dùng tóc giả để họ có thể lựa chọn trước khi điều trị.

  1. Tiêu chảy

Khi bệnh nhân xuất hiện tiêu chảy trong quá trình hóa trị cần phải đánh giá các dấu hiệu về số lần đi ngoài, số lượng phân, khám đánh giá tình trạng mất nước, xét nghiệm công thức máu, điện giải, xét nghiệm phân.

Thuốc hay dùng điều trị tiêu chảy là loperamide cùng với atropine sulfat. Các biện pháp không dùng thuốc cũng trợ giúp ngăn ngừa và kiểm soát tác dụng phụ này gồm ăn lượng vừa đủ, tăng lượng dịch, nếu tiêu chảy nặng cần truyền dịch đề phòng giảm thể tích tuần hoàn và sốc.

  1. Táo bón

Táo bón hay gặp ở bệnh nhân được điều trị hóa chất như vinorelbine, etoposide, cisplatin với các mức độ khác nhau. Chế độ ăn nhiều hoa quả, đủ nước có thể giúp giảm tối đa táo bón.

Điều trị táo bón thường bắt đầu bằng thuốc làm mềm phân và nhuận tràng, sau đó nếu không hiệu quả thì dùng nhuận tràng thẩm thấu hoặc kích thích.

  1. Suy tủy xương

Suy tủy là biến thường thường gặp của điều trị hóa chất. Tủy xương là nơi sinh ra các tế bào máu bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Trong các dòng tế bào máu ngoại vi, bạch cầu đa nhân trung tính là dòng hay bị ảnh hưởng nhất và là độc tính giới hạn liều của đa số các thuốc hóa chất.

Hạ bạch cầu và hạ tiểu cầu thường bắt đầu vào ngày thứ 9 hoặc thứ 10 sau liều hóa chất. Số lượng tế bào máu thấp nhất vào giữa các ngày 14 và 19, bắt đầu hồi phục vào ngày 21. Vì vậy hóa trị thường có chu kì khoảng 3 tuần để tủy xương kịp hồi phục.

Bệnh nhân thiếu máu hoặc thiếu tiểu cầu cần được truyền các chế phẩm máu như khối hồng cầu, khối tiểu cầu. Với các phác đồ hóa chất có nguy cơ hạ bạch cầu cao, cần sử dụng thuốc tăng bạch cầu dự phòng sau truyền hóa chất. Bệnh nhân có sốt hạ bạch cầu cần được theo dõi sát, kháng sinh phổ rộng và truyền dịch đạm nâng cao thể trạng.

  1. Sốc phản vệ

Đây là tác dụng ngoại ý hiếm gặp nhưng là biến chứng nặng, nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân. Với những thuốc có nguy cơ sốc phản vệ, cần có các thuốc dự phòng ngay trước khi truyền hóa chất. Trong quá trình truyền, bác sĩ và điều dưỡng cần lưu tâm theo dõi sát bệnh nhân. Bệnh nhân cần được giải thích kĩ về triệu chứng và nguy cơ của sốc phản vệ để có thể phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook