• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Cùng chuyên gia Bệnh viện K tìm hiểu về quá trình tầm soát ung thư tuyến giáp

17/11/2020 16:11

BVK - Theo Ghi nhận ung thư năm 2018, ung thư tuyến giáp đứng thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến tại Việt Nam, với hơn 5.400 ca mắc mới, tuy nhiên ung thư tuyến giáp hoàn toàn có thể điều trị thành công nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Do đó, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư tuyến giáp có vai trò quyết định hiệu quả điều trị. Hãy cùng tìm hiểu về quá trình tầm soát ung thư tuyền giáp tại Bệnh viện K.

Thưa bác sỹ, bác sỹ có thể chia sẻ về nguyên nhân nào làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp?

PGS.TS Ngô Thanh Tùng, Giám đốc TT Xạ trị Quốc gia, Trưởng khoa Xạ đầu cổ:

Những năm gần đây, số lượng người bệnh đến khám tuyến giáp tại Bệnh viện K ngày càng tăng, đây là ung thư tuyến nội tiết chiếm nhiều nhất với tỉ lệ 92-95%, thường gặp ở nữ giới nhiều hơn ở nam giới. Ngoài yếu tố môi trường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư nói chung thì có 2 nguyên nhân khiến chúng ta ngày càng phát hiện nhiều người mắc ung thư tuyến giáp.

Thứ nhất là do nhận thức, ý thức của người dân đã cao hơn, nên khi mà chỉ tình cờ đi khám hoặc qua khám định kỳ hoặc là cảm thấy có những triệu chứng nhỏ như nuốt khó, họ cũng đi khám, đã đến viện K làm gia tăng tỷ lệ đấy.

Thứ hai là tất cả các phương tiện chẩn đoán bây giờ triển khai ở Bệnh viện K và các phòng khám về tuyến giáp đặc biệt là siêu âm đã được áp dụng một cách rất dễ dàng, có hiệu quả trong chẩn đoán ung thư là rất cao.

PGS.TS Ngô Thanh Tùng - Giám đốc TT Xạ trị Quốc gia, Trưởng khoa Xạ đầu cổ

PV: Thời gian qua, Bệnh viện K đã triển khai khám tầm soát ung thư tuyến giáp như thế nào?

PGS.TS Ngô Thanh Tùng: Bệnh viện K có các gói khám tầm soát ung thư thường gặp, trong đó có ung thư tuyến giáp, rất nhiều người đã chủ động đến khám tại bệnh viện khi chưa có biểu hiện gì của bệnh. Tầm soát ung thư tại Bệnh viện K, thì bước đầu tiên, bác sĩ sẽ khám và tư vấn cho người bệnh.

Tuyến giáp đó là tuyến nội tiết cho nên trước tiên, chúng ta phải kiểm tra xem tuyến nội tiết đó có bị ảnh hưởng gì không, có bị rối loạn không, bằng một xét nghiệm rất đơn giản là xét nghiệm về chức năng của nó, đó là xét nghiệm máu.

Tiếp theo bác sỹ sẽ tiến hành siêu âm tuyến giáp, siêu âm xong chúng ta sẽ thấy là tuyến giáp có kích thước có bình thường hay không, có vấn đề gì, ví dụ như có u không, có 2 loại, đó là u đặc và u nang. Và tuyến giáp có 2 thùy và cái eo, các bác sĩ siêu âm sẽ siêu âm rất kỹ là cả 2 thùy và nang giáp và sẽ miêu tả cho người bệnh.

Nếu bác sĩ khám xong cho chỉ định làm siêu âm, rồi sau đó trả lời là một nang lành tính hoặc là một nhân giáp nhưng không nghĩ đến ác tính thì người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm. Tuy nhiên, khi siêu âm xong mà thấy kết quả Tirad 3, hay 4, hay 5 thì bác sĩ sẽ cho làm thêm một xét nghiệm nữa, là chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ, viết tắt từ đầu tiếng Anh là FNA thì qua đó bác sĩ sẽ dùng kim tiêm nhỏ, chọc vào khối u đó và nếu mà là u nhỏ, ta phải dùng siêu âm để hướng dẫn chiều đi của kim, sao cho chính xác vào vùng nghi ngờ nhất, lấy được tế bào, để bác sĩ xem và cũng có sự đánh giá theo tiêu chuẩn để mà xác định tế bào đó có phải ung thư hay không.

PV: Vậy ung thư tuyến giáp có những biểu hiện như thế nào, thư bác sỹ?

PGS.TS Ngô Thanh Tùng: Một số dấu hiệu của bệnh có thể nhận thấy đó là:

- Khối u ở cổ

- Bị khàn giọng

- Xuất hiện u giáp trạng: u có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.

- Xuất hiện hạch vùng cổ: hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.

Triệu chứng muộn hơn có thể là:

- Khối u to, rắn, cố định trước cổ.

- Khàn tiếng, có thể khó thở.

- Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép.

- Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu.

- Siêu âm có thể nhận biết ung thư tuyến giáp.

Vậy với những người chưa có biểu hiện của bệnh thì có nên khám tầm soát hàng năm không, thưa bác sỹ?

PGS.TS Ngô Thanh Tùng: Nếu nhận thấy những bất thường của cơ thể khi xuất hiện những triệu chứng trên bạn hãy đến ngay cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Các chuyên gia Bệnh viện K vẫn khuyến cáo với những người chưa có dấu hiệu của bệnh thì vẫn nên đi khám tầm soát ung thư tuyến giáp một năm một lần.

Đối với những bệnh nhân mà đã có tiền sử đi khám mà có khối u ở tuyến giáp rồi thì tùy theo mức độ nguy cơ thấp hay cao thì bác sĩ trực tiếp khám cho bạn sẽ đưa ra khuyến cáo bạn nên khám định kỳ 3 tháng hay 6 tháng hay lâu hơn.

Nhiều người bệnh đã đến khám ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm hơn so với trước đây, tuy nhiên vẫn có những trường hợp tự điều trị tại nhà hay chần chừ chưa điều trị, khiến bệnh trở nặng, việc điều trị trở nên tốn kém và khó khăn hơn rất nhiều.Vậy bác sỹ có chia sẻ gì thêm về vấn đề này?

PGS.TS Ngô Thanh Tùng: Khi đã chẩn đoán được bệnh rồi, nhưng bệnh nhân lại không đến các cơ sở y tế chuyên khoa hay đến các bác sĩ chuyên khoa về tuyến giáp mà bệnh nhân lại tự ý ở nhà, sử dụng đắp thuốc lá hay đắp thuốc nam hoặc sử dụng các phương pháp khác mà không đến điều trị ngay, đến khi bệnh nhân đến bệnh viện khám thì đã quá giai đoạn điều trị triệt căn rồi, rất đáng tiếc cho những trường hợp như vậy. Do đó người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị để hạt hiệu quả cao nhất, đỡ tốn kém về chi phí.

 

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook