• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

TRUNG TÂM GIẢI PHẪU BỆNH VÀ SINH HỌC PHÂN TỬ

02/03/2023 16:03

TRUNG TÂM GIẢI PHẪU BỆNH VÀ SINH HỌC PHÂN TỬ

Địa chỉ : Tầng 3 nhà A, Bệnh viện K Tân Triều

 

1. Lãnh đạo tiền nhiệm

Trưởng khoa :

- BS Nguyễn Văn Phan

- BS Hoàng Xuân Kháng

- BS. Đặng Thế Căn

Phó Trưởng khoa

- PGS.TS Ngô Thu Thoa

- BS. Phạm Văn Thiều

2. Lãnh đạo đương nhiệm

- PGS.TS Tạ Văn Tờ : Giám đốc trung tâm

- ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Mai : P. Giám đốc trung tâm

- Ths.BS Trương Thị Hoàng Lan : P. Giám đốc trung tâm

3. Chức năng:

Trung tâm Giải phẫu bệnh và Sinh học phân tử chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về:

- Tiếp nhận, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán tế bào học, mô bệnh học, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử và lưu trữ các sản phẩm sinh học;

- Tham gia đào tạo cán bộ, chỉ đạo tuyến;

- Chỉ đạo các khoa, phòng trực thuộc trung tâm thực hiện công tác chuyên môn được Giám đốc bệnh viện giao;

- Nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ kĩ thuật hiện đại trong chẩn đoán ung thư;

- Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư.

4. Nhiệm vụ:

4.1. Công tác chẩn đoán, phân loại bệnh ung thư

- Tổ chức lấy bệnh phẩm, nhận bệnh phẩm để chẩn đoán tế bào học, mô bệnh học, xác định các đột biến gen sinh ung thư, xác định các tác nhân nguy cơ cao gây ung thư như HPV, EBV...vvv; các bệnh có thể nhầm với ung thư như lao, viêm gan;

- Thực hiện chẩn đoán sinh thiết tức thì trong và ngoài viện;

- Thực hiện kĩ thuật, thủ thuật chọc hút tế bào, mô bệnh học, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử theo quy trình kĩ thuật của bệnh viện, ưu tiên các xét nghiệm cấp cứu, mang tính đặc thù.

- Thực hiện đọc tiêu bản tế bào học, mô bệnh học, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử  chính xác, kịp thời. Nội dung và kết quả xét nghiệm cần ghi rõ ràng, đầy đủ vào phiếu xét nghiệm và lưu trữ vào máy tính;

- Tiếp nhận bệnh phẩm ngoại viện thực hiện chẩn đoán tế bào học, mô bệnh học, hóa mô miễn dịch, xét nghiệm sinh học phân tử.

- Tổ chức hội chẩn tiêu bản tại trung tâm, tại các khoa thuộc trung tâm, tham gia hội chẩn liên khoa, bệnh viện, liên viện, hội chẩn quốc tế về chẩn đoán tế bào học, mô bệnh học và sinh học phân tử.

- Thực hiện lưu giữ, bảo quản tiêu bản, khối nến, bệnh phẩm tươi, các sản phẩm sinh học, phiếu trả lời kết quả phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy;

- Tham gia các chương trình nội kiểm, ngoại kiểm nhằm nâng cao chất lượng xét nghiệm.

- Không ngừng triển khai thêm các kỹ thuật mới có tính ứng dụng cao cho người bệnh.

4.2. Công tác nghiên cứu khoa học

- Đề xuất và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học xuất phát từ nhu cầu chẩn đoán tế bào học, mô bệnh học, sinh học phân tử theo xu hướng phát triển của nền y học hiện đại.

- Ứng dụng những tiến bộ khoa học trong lĩnh vực giải phẫu bệnh, tế bào, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử trong nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị ung thư.

- Nghiên cứu, xây dựng các quy trình kĩ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ung thư.

- Chủ trì và tham gia các công trình nghiên cứu khoa học các cấp về lĩnh vực bệnh học ung thư, giải phẫu bệnh, sinh học phân tử.

- Phối hợp với các khoa, phòng trong bệnh viện, các đơn vị liên quan, trình hội đồng khoa học kĩ thuật bệnh viện triển khai các đề tài, dự án các cấp.

- Tham gia xây dựng và trình Hội đồng kĩ thuật bệnh viện các phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn tại Việt Nam.

- Biên tập hoặc tham gia biên tập các tài liệu chuyên môn phục vụ cho công tác giảng dạy, tuyên truyền về chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.

4.3. Công tác đào tạo cán bộ

- Tham gia đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao trình độ cho bác sĩ, cử nhân, kĩ thuật viên trong khoa, trong bệnh viện và các cán bộ y tế tuyến dưới được gửi đến học tập và thực hành theo yêu cầu của Giám đốc bệnh viện.

- Tham gia đào tạo cán bộ y tế ở bậc sau đại học, đại học, cao đẳng, trung học do bệnh viện phân công.

- Phối hợp với Trung tân đào tạo và chỉ đạo tuyến và các khoa, phòng trong bệnh viện chỉ đạo chuyên môn, kĩ thuật cho các địa phương về lĩnh vực bệnh học ung thư, tế bào học, mô bệnh học, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử.

- Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước trong đào tạo cán bộ để phát triển nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên ngành.

4.4. Công tác chỉ đạo tuyến

- Tuyên truyền giáo dục người bệnh và người nhà người bệnh về phòng, phát hiện sớm bệnh ung thư.

- Phối hợp các cơ quan trong và ngoài ngành y tế thực hiện truyền thông, giáo dục sức khỏe theo sự phân công của Giám đốc bệnh viện.

- Tham gia chương trình sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư theo yêu cầu của bệnh viện.

- Tham gia chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật cho y tế cơ sở, thực hiện chuyển giao và các kĩ thuật chuyên môn về chẩn đoán tế bào, mô bệnh học, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử theo chỉ đạo của Giám đốc bệnh viện.

4.5. Hợp tác quốc tế

- Tham gia các chương trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học về chẩn đoán tế bào học, mô bệnh học, hóa mô miễn dịch và sinh học phân tử.

- Khai thác, thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm thuộc lĩnh vực chuyên ngành để phát triển chuyên môn dưới sự chỉ đạo của Giám đốc bệnh viện.

- Tham dự các hội nghị, hội thảo, các lớp học quốc tế và trong nước về lĩnh vực giải phẫu bệnh, sinh học phân tử hoặc các lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành dưới sự chỉ đạo của Giám đốc bệnh viện.

4.6. Quản lý chất lượng trung tâm

- Áp dụng, triển khai và xây dựng kế hoạch hoạt động của trung tâm, từng bước thực hiện theo tiêu chí, chất lượng của bệnh viện và các tiêu chuẩn chất lượng khác có liên quan.

- Tự đánh giá chất lượng, công khai chất lượng hoạt động của Trung tâm và chịu sự kiểm định chất lượng của Bệnh viện, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan khác.

- Xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bệnh viện của trung tâm, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng và không ngừng nâng cao chất lượng các kỹ thuật dịch vụ của Trung tâm.

4.7. Quản lý trung tâm

- Triển khai, thực hiện quy chế hoạt động của trung tâm căn cứ vào quy chế bệnh viện, các quy định khác của Nhà nước, Ngành, Bộ Y tế.

- Tự đánh giá chất lượng, công khai chất lượng các hoạt động của trung tâm và chịu sự kiểm định chất lượng của bệnh viện, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan khác.

- Xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bệnh viện, của trung tâm, tăng cường nội kiểm, ngoại kiểm để đảm bảo chất lượng và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ của trung tâm, hướng tới sự hài lòng của người bệnh và lòng tin của các đồng nghiệp.

- Tổ chức giao ban, tham gia giao ban bệnh viện, tham gia sinh hoạt khoa học, sinh hoạt các tiểu ban chuyên môn.

- Thường xuyên giáo dục nâng cao y đức cho cán bộ của trung tâm và thực hiện tốt quy chế giao tiếp trong bệnh viện.

- Trung tâm có cán bộ chuyên trách về tài chính kế toán để tính toán, chi, thu theo đúng các quy định của Bộ Tài chính và Pháp luật của Nhà nước để báo cáo cho Giám đốc bệnh viện cũng như Phòng Tài chính kế toán..

- Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của trung tâm như: Nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất được bệnh viện giao theo quy định.

- Thực hành tiết kiệm, chống thất thoát và lãng phí trong công tác chẩn đoán tế bào học, mô bệnh học, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử, thống kê, tính đúng, tính đủ các chi phí của người bệnh.

- Thực hiện xã hội hóa y tế theo chủ trương của Bệnh viện.

5. Quyền hạn

- Được chủ động trong các hoạt động chuyên môn, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác khoa học trong và ngoài nước chịu sự giám sát của Giám đốc Bệnh viện.

- Chủ động đề xuất với Giám đốc bệnh viện trong việc tuyển chọn nhân sự của Trung tâm.

- Được đề xuất với Giám đốc bệnh viện về các vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của Trung tâm.

6. Mối quan hệ công tác

- Chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Giám đốc bệnh viện về các mặt hoạt động của Trung tâm.

- Kết hợp với phòng Tổ chức cán bộ việc bố trí, sắp xếp, điều phối nhân lực cho hợp lý.

- Phối hợp với các khoa lâm sàng, cận lâm sàng trong công tác chẩn đoán tế bào học, mô bệnh học, sinh học phân tử chính xác, kịp thời.

- Tham gia hội chẩn tiêu bản, kiểm thảo tử vong cũng các khoa lâm sàng.

- Phối hợp với các phòng chức năng trong bệnh viện thực hiện triển khai các hoạt động của Trung tâm cũng như của Bệnh viện.

- Tham gia sinh hoạt khoa học, giao ban bệnh viện.

- Tham gia các hoạt động đoàn thể, công đoàn, đoàn thanh niên...

7. Lịch sử hình thành và phát triển

        Trung tâm Giải phẫu bệnh và Sinh học phân tử được thành lập từ Khoa Giải phẫu bệnh-Tế bào, tên gọi cũ là khoa Giải phẫu bệnh lý. Tiền thân của Khoa ra đời năm 1931, gần như đồng thời với sự ra đời của Viện Radium Đông Dương. Theo tài liệu còn lại, Trưởng khoa ban đầu là một bác sĩ người Pháp tên là B.Joyeux và Phó trưởng khoa là bác sĩ Trương Cam Cống, người Việt Nam đầu tiên làm công tác chẩn đoán giải phẫu bệnh lý. Bác sĩ Trương Cam Cống làm việc tại Khoa cho đến ngày giải phóng Thủ đô (1954), sau đó ông sang làm Chủ nhiệm Bộ môn Tổ chức học Trường Đại học y khoa Hà Nội, đặt cơ sở làm việc ngay tại khoa Giải phẫu bệnh lý, cho đến cuối những năm 60.

        Sau ngày giải phóng Thủ đô Viện Radium Đông Dương sát nhập vào Bệnh viện Việt-Đức, trong đó có khoa Giải phẫu bệnh lý. Thời kỳ này Trưởng khoa là bác sĩ Nguyễn Như Bằng, cán bộ công nhân viên có các bác sĩ Ngô Văn Quỹ, Ngô Thu Thoa, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Phúc Cương, Nguyễn Văn Chính, y sĩ Chu Văn Thực, các y tá Đặng Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyết, các kỹ thuật viên Nguyễn Quang Bân, Nguyễn Xuân Lương, Khuất Đình Kính, Đặng Thu Hà, Nguyễn Thị Hợp, Phạm Thị Hồng, hộ lí Nguyễn Văn Quang. Lúc này Khoa còn làm thêm công tác khám nghiệm pháp y.

        Năm 1969, Bộ Y tế quyết định thành lập Bệnh viện K tách khỏi Bệnh viện Việt - Đức. Một số cán bộ khoa Giải phẫu bệnh lý chuyển sang Bệnh viện Việt - Đức, một số chuyển về phòng Mổ Bệnh viện K. Lúc này bác sĩ Nguyễn Văn Phan đảm nhiệm Trưởng khoa, Phó trưởng khoa là bác sĩ Hoàng Xuân Kháng, các cán bộ gồm các bác sĩ Ngô Thu Thoa, Phạm Văn Thiều, Trần Bích Ngọc, y sĩ Nguyễn Quang Đẩu, các kỹ thuật viên Nguyễn Quang Bân, Khuất Đình Kính, Nguyễn Thị Nga, Phạm Thị Hồng, Tạ Thị Thảo, Cao Thị Hà.

        Sau năm 1975, bác sĩ Hoàng Xuân Kháng thay bác sĩ Nguyễn Văn Phan làm Trưởng khoa, các Phó trưởng khoa là phó tiến sĩ Ngô Thu Thoa và bác sĩ Đặng Thế Căn (từ tháng 12/1987). Cơ cấu tổ chức của Khoa gồm 2 bộ phận:

        * Giải phẫu bệnh:

        Bộ phận này gồm 15 cán bộ, cho đến tháng 2/1995 : các bác sĩ Hoàng Xuân Kháng, Đặng Thế Căn, Trần Bích Ngọc, Tạ Văn Tờ, các y sĩ Nguyễn Quang Đẩu, Nguyễn Thị Châm, CN Cao Thị Hà, các kỹ thuật viên Nguyễn Quang Bân, Phạm Thị Hồng, Khuất Đình Kính, Nguyễn Kim Oanh, Đào Mai Dung, Đặng Thị Chi, các y tá Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Thị Lan.

        * Tế bào:

        Tách ra từ khoa Huyết học vào đầu những năm 80, bộ phận này gồm 8 cán bộ, cho đến tháng 3/1994 : PTS Ngô Thu Thoa, các bác sĩ Phạm Văn Thiều, Đoàn Thị Minh, Nguyễn Thị Hợp, Lê Quang Hải, y sĩ Nguyễn Thị Châm, kỹ thuật viên Nguyễn Thị Vân Anh, hộ lí Lê Thị Phụng.

        Từ tháng 6/1998 bác sĩ Đặng Thế Căn, Phó giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa, Phó trưởng khoa là các bác sĩ Tạ Văn Tờ (từ 2001) và BS Phạm Văn Thiều (từ 2002). Năm 2005 bác sĩ Phạm Văn Thiều nghỉ hưu, tiếp tục làm ở Phòng khám Bán công của Bệnh viện cho đến năm 2010. Tháng 2/2007 TS Tạ Văn Tờ được bổ nhiệm Trưởng khoa và tháng 7/2007 Ths Lê Quang Hải là Phó trưởng khoa. Tháng 6/2000 triển khai bộ phận chẩn đoán tế bào học và STTT tại cơ sở Tam Hiệp thuộc Khoa Dược-Cận lâm sàng, Ths Trần Văn Tuấn làm Phó trưởng khoa phụ trách bộ phận này. Tháng 9/2005 bổ sung thêm tại đây BS Trương Thị Hoàng Lan và tháng 9/2006 KTV Lê Thùy Linh. Tháng 5/2009 triển khai đầy đủ khâu chẩn đoán mô bệnh học. Hai bộ phận GPB và Tế bào của Khoa tại cơ sở 43 Quán Sứ được bổ sung thêm các nhân viên như danh sách ở phần cuối tài liệu này.

        PGS Ngô Thu Thoa hiện vẫn tiếp tục làm hợp đồng sau nghỉ hưu(2002) cho đến năm 2009.

        Một số bác sĩ GPB của Đại học Y khoa Hà Nội tham gia hội chẩn hoặc một số công việc chuyên môn khác của Khoa như: GS Vũ Công Hòe, Chủ nhiệm Bộ môn GPB tham gia hội chẩn tại Khoa vào những năm 60, 70; BS Vi Huyền Linh thuộc Bộ môn Ung thư (1985-1986), PGS Lê Đình Roanh thuộc Bộ môn GPB (từ năm 1990 đến 2009) và Ths Bùi Thị Mỹ Hạnh cũng thuộc Bộ môn GPB (từ tháng1/2007).

        Về cơ sở, trang thiết bị hiện nay. Diện tích của khoa là 200m2, gồm các phòng Chẩn đoán tế bào học, Kỹ thuật mô học thường qui, Kỹ thuật mô học đặc biệt, Phòng nhân viên, Phòng đọc kết quả, Phòng pha bệnh phẩm và Hành lang. Tại cơ sở Tam Hiệp hiện có được trọn vẹn 1 phòng 17 m2. Trang thiết bị máy móc chủ yếu của Khoa gồm: 14 kính hiển vi, trong đó có 2 kính 5 đầu và 1 kính chụp ảnh - truyền hình (analogue), 3 máy cắt vi thể, 3 máy sử lý mô tự động, 2 máy nhuộm tiêu bản, 2 máy đúc khối nến, 2 máy cắt lạnh (1 tại cơ sở Tam Hiệp), 1 máy nhuộm HMMD, 1 máy li tâm tế bào, 7 máy vi tính với 4 máy in,…

        Về các kỹ thuật đã triển khai. Kỹ thuật chẩn đoán tế bào học chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) được thực hiện từ những năm đầu thập niên 70. Tương tự như thế đối với kỹ thuật cắt lạnh (Sinh thiết tức thì-STTT), ban đầu bằng máy làm đông lạnh trực tiếp bằng CO2, sau đó lần lượt là các máy hiện đại có buồng lạnh của các hãng Leitz, Leica, Shandon, Microm. Năm 1976, qui trình của 16 kỹ thuật nhuộm hóa mô đặc biệt như: PAS, PTAH, Mucicarmin, Van Gieson, Fontana, Đỏ Côngô được hoàn thiện triển khai. Từ tháng 7/2000 bắt đầu thực hiện nhuộm hóa mô miễn dịch (HMMD) trên các lát cắt paraffin, ban đầu đối với các dấu ấn ER và PR trong ung thư vú, sau đó là hàng chục các dấu ấn chủ yếu khác góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chẩn đoán mô bệnh học ung thư.

        Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chuyên môn, lưu trữ hồ sơ của Khoa được triển khai từ năm 2002. Tháng 10/2002, phần mềm GPB do Ths Phạm Minh Tuấn thuộc Tổng cục 2 BQP viết đã đưa vào sử dụng, toàn bộ các phiếu trả lời kết quả mô bệnh học được in vi tính, bỏ được sổ cái. Tháng 9/2004, phần mềm này được sửa đổi, thay thế và tháng 12/2007 được bổ sung nâng cấp, với lần này có thể bỏ được các sổ lưu khác như: STTT, hội chẩn tiêu bản và nhuộm HMMD. Phần mềm Tế bào, cũng do Ths Phạm Minh Tuấn là tác giả cung cấp đưa vào sử dụng từ tháng 7/2006 và được triển khai ở cơ sở Tam Hiệp từ tháng 6/2007.

Năm 2012, Bệnh viện K bắt đầu triển khai cơ trở Tân Triều, khoa GPB-TB chuyển một phần xuống và dần dần thành một bộ phận chính của khoa do hầu hết các khoa, phòng đã chuyển xuống cơ sở Tân Triều. Tháng 10/2017, PGS.TS Tạ Văn Tờ được Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội ra quyết định là Trưởng Bộ môn Giải phẫu bệnh. Điều này rất tốt cho việc gắn kết viện trường, góp phần quan trọng trong đào tạo bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh vì bệnh viện K là một cơ sở thực hành rất tốt. Tháng 1/2018 Khoa Giải phẫu bệnh – Tế bào được Giám đốc bệnh viện ra quyết định trở thành Trung tâm Giải phẫu bệnh và Sinh học phân tử. PGS.TS Tạ Văn Tờ được bổ nhiệm làm Giám đốc trung tâm. Các Phó Giám đốc trung tâm gồm : TS.BS. Nguyễn Phi Hùng ; ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Mai ; ThS.BS Trương Thị Hoàng Lan. Cơ sở Quán Sứ tách riêng về mặt hành chính và trở thành Khoa Giải phẫu bệnh-Tế bào, trực thuộc Trung tâm Giải phẫu bệnh-Tế bào về chuyên môn. TS.BS Nguyễn Văn Chủ làm trưởng khoa. TS.BS Lê Quang Hải làm phó khoa.

Tại Trung tâm Giải phẫu bệnh và Sinh học phân tử Bệnh viện K, số lượng các xét nghiệm tăng hàng năm. Bên cạnh các xét nghiệm truyền thống, trung tâm đã và đang triển khai các xét nghiệm sinh học phân tử giúp bệnh nhân điều trị theo hướng cá thể. Xét nghiệm hóa mô miễn dịch hiện trở thành xét nghiệm thường quy giúp chẩn đoán bệnh.

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook