• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh ung thư ở người cao tuổi

01/10/2020 10:10

BVK - Ngày 01/10 hàng năm là ngày Quốc tế Người cao tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người cao tuổi được định nghĩa là người từ 65 tuổi trở lên. Người cao tuổi cũng được chia ra 3 nhóm tuổi: 65 - 74 tuổi, 75 - 84 tuổi, và từ 85 tuổi trở lên. Theo Globocan 2012, có khoảng 6,7 triệu ca mắc mới là người cao tuổi (chiếm 47,5% tổng số ca ung thư), dự đoán đến năm 2035 có 24 triệu ca mắc mới (tỷ lệ ung thư ở người cao tuổi chiếm 57,6%). Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề phòng ngừa, yếu tố nguy cơ, dấu hiệu phát hiện sớm và điều trị ung thư ở người cao tuổi.

Nguyên nhân khiến người cao tuổi có nguy cơ mắc ung thư cao hơn

Lý do người cao tuổi dễ mắc bệnh hơn là do có thời gian tiếp xúc với các chất sinh ung thư, tích tụ lại theo thời gian và từ đó có thể gây bệnh ung thư. Và hiện nay, người cao tuổi ngày càng nhiều dẫn tới tỷ lệ ung thư ở người cao tuổi cũng tăng lên.

Những bệnh ung thư thường gặp nhất ở người cao tuổi

5 loại ung thư hay gặp ở người cao tuổi nữ giới lần lượt là: ung thư vú, đại trực tràng, phổi, dạ dày và gan. Trong khi đó 5 loại ung thư hay gặp ở người cao tuổi nam giới lần lượt là: ung thư tiền liệt tuyến, phổi, đại trực tràng, dạ dày và gan.

Khó khăn trong việc phát hiện và điều trị ung thư cho người cao tuổi

Việc phát hiện ung thư ở người cao tuổi thường sẽ khó hơn ở người trẻ do bệnh nhân ung thư người cao tuổi sẽ có nhiều bệnh lý kèm theo, từ đó dẫn tới các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh ung thư có thể là dấu hiệu triệu chứng của một bệnh khác. Hơn nữa, nhiều bệnh ung thư cần phải can thiệp để chẩn đoán bệnh thì sẽ gặp khó khăn do có bệnh kèm theo và sức khỏe kém hơn so với người trẻ.

Như bệnh ung thư phế quản phổi thể trung tâm, cần soi phế quản để chẩn đoán xác định hoặc nhiều trường hợp cần sinh thiết kim lớn để chẩn đoán xác định. Tuy nhiên cần phải cân nhắc kỹ khi tiến hành can thiệp chẩn đoán vì có thể gây ra những tai biến, biến chứng dẫn tới tử vong.

Việc điều trị bệnh ung thư ở người cao tuổi cũng có nhiều thách thức. Mặc dù, bệnh ung thư ở người cao tuổi thường có tiến triển chậm, độ ác tính tế bào thấp hơn so với người trẻ tuổi, nhưng lại khó khăn khi can thiệp điều trị do mắc nhiều bệnh lý kèm theo hơn, thể trạng kém hơn. Ví dụ như bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn có thể mổ triệt căn được, nhưng do mắc bệnh lý khí phế thũng hoặc suy tim mà không thể tiến hành phẫu thuật được. Một ví dụ khác đó là bệnh nhân có chỉ định điều trị hóa chất nhưng lại mắc suy thận kèm theo nên không thể điều trị hóa chất được.

Một vấn đề nữa khi cân nhắc điều trị đó chính là kỳ vọng sống thêm của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân hơn 80 tuổi mới phát hiện ra bệnh ung thư, khi đó thời gian sống thêm của họ không nhiều dẫn tới việc ảnh hưởng tới các quyết định điều trị cho bệnh nhân. Do vậy, nhiều bác sĩ lựa chọn phác đồ chăm sóc, điều trị chăm sóc triệu chứng cho bệnh nhân thay vì điều trị triệt căn, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân trên 80 tuổi.

Cụ An Thị T.(93 tuổi) quê tại Đội 6, thôn Gia Cốc, xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện, Hải Dương vừa được các bác sỹ Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K phẫu thuật Nội soi 3D thành công điều trị ung thư trực tràng (Ảnh tư liệu BVK)

Trở ngại khi chăm sóc người cao tuổi bị ung thư

Việc chăm sóc bệnh nhân ung thư nói chung đã là một vấn đề phức tạp, với bệnh nhân cao tuổi sẽ còn nhiều thách thức hơn. Do người cao tuổi có nhiều bệnh lý kèm theo, toàn trạng cũng yếu, dinh dưỡng kém cũng như việc tuân thủ các liệu trình điều trị, chăm sóc sẽ khó khăn hơn. Ví dụ có nhiều bệnh nhân không đi lại được, không thể tự ăn uống được nếu mắc bệnh ung thư, sẽ cần sự chăm sóc toàn diện, giúp bệnh nhân thoải mái nhất có thể. Khi đó, bệnh nhân cần cả một ekip điều trị, chăm sóc như bác sĩ, y tá, người nhà, người hỗ trợ khác.

Ngoài ra tâm lý của bệnh nhân ung thư, nhất là người bệnh cao tuổi cũng là vấn đề cần lưu ý

Ung thư không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người bệnh. Cảm xúc của bệnh nhân có thể thay đổi hàng ngày, hàng giờ hoặc thậm chí từng phút. Mỗi bệnh nhân ung thư sẽ có những phản ứng tâm lý khác nhau:

- Cảm thấy họ phải mạnh mẽ để bảo vệ gia đình và bạn bè của họ.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ đến từ những người thân yêu hoặc những người bệnh ung thư còn sống.
- Yêu cầu trợ giúp từ các chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc các chuyên gia khác.
- Tin rằng đức tin sẽ giúp họ đương đầu với bệnh tật.

Những vấn đề tâm lý mà bệnh nhân ung thư có thể gặp phải bao gồm: sự choáng ngợp, cự tuyệt, tức giận, sợ hãi và lo lắng, hy vọng, căng thẳng và cực kỳ lo lắng, sự buồn bã và trầm cảm, cảm giác tội lỗi, sự cô đơn và lòng biết ơn. Sự xuất hiện cũng như mức độ trầm trọng của mỗi biểu hiện tâm lý có thể khác nhau giữa các bệnh nhân, đồng thời cũng có thể thay đổi ở các thời điểm trên một bệnh nhân. Do đó, nhân viên y tế cần hiểu và nhận biết được những vấn đề tâm lý mà bệnh nhân ung thư gặp phải để có những tư vấn cũng như xử trí phù hợp với bệnh nhân.

Đối với tất cả bệnh nhân ung thư, phát hiện càng sớm điều trị càng hiệu quả.

Ngày nay, nhờ có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nên tỷ lệ bệnh nhân ung thư được chẩn đoán sớm và điều trị khỏi ngày càng tăng.

Tiên lượng của bệnh nhân ung thư phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: loại bệnh ung thư, giai đoạn bệnh, loại mô bệnh học, thể trạng, tuổi, bệnh lý kèm theo... Ở người cao tuổi, độ ác tính tế bào thường thấp nhưng lại khó khăn khi can thiệp điều trị. Do đó, việc tiên lượng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Làm thế nào để phòng tránh ung thư

Từ người trẻ, đến người cao tuổi thì việc dự phòng bệnh ung thư là biện pháp tích cực hơn, hiệu quả hơn việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư. Dự phòng ung thư gồm 3 bước:

Phòng bệnh bước 1: Là phòng ngừa ban đầu nhằm cố gắng loại trừ hoặc giảm tối đa sự tiếp xúc với các chất gây ung thư để tránh quá trình khởi đồng, khởi phát ung thư. Các nguyên nhân gây ung thư gồm thuốc lá, chế độ ăn, các yếu tố môi trường, các yếu tố nội sinh. Vì vậy, mọi người cần tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh. Đây là bước phòng bệnh tích cực, ít tốn kém nhất.

Phòng bệnh bước 2: Là sàng lọc và phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh, thậm chí những dấu hiệu của một tình trạng tiền ung thư như sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng...
Quá trình sàng lọc này chỉ có hiệu quả ở trên một số bệnh có những phản ứng (test) đặc hiệu, nhưng là chiến lược duy nhất có khả năng làm giảm tỷ lệ tử vong trong ung thư.

Phòng bệnh bước 3: Là tìm biện pháp điều trị có hiệu quả nhất.

Phương pháp điều trị ung thư hiện đại được triển khai tại Việt Nam

Điều trị ung thư vẫn gồm 3 phương pháp chính là phẫu thuật, xạ trị và điều trị toàn thân. Mỗi phương pháp điều trị đều có những tiến bộ như phẫu thuật nội soi, robot; xạ trị có nhiều kỹ thuật mới để hạn chế tai biến, biến chứng ở cơ quan lành; điều trị toàn thân có nhiều thuốc mới ra đời, ít tác dụng phụ. Đặc biệt, hiện nay, có nhiều thuốc điều trị đích và điều trị miễn dịch.

Việc quyết định một phương pháp điều trị phụ thuộc vào từng bệnh nhân về thể trạng, bệnh kèm theo và các phương pháp hiện có. Trước khi điều trị, cần có tiểu ban để lựa chọn phác đồ phù hợp với từng bệnh nhân. Tuy nhiên, các tai biến, biến chứng là không thể tránh khỏi trong quá trình điều trị. Vì vậy, cần theo dõi sát quá trình điều trị để phát hiện các tai biến, biến chứng để xử lý kịp thời. Nếu các tai biến, biến chứng không thể khắc phục được thì phải dừng quá trình điều trị. Đặc biệt là khi điều trị ung thư ở người cao tuổi càng cần cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra phác đồ điều trị và chăm sóc cho người bệnh trong và sau điều trị.

Tại Bệnh viện K, thời gian qua các bác sỹ đã điều trị, phẫu thuật thành công cho nhiều người bệnh ung thư ở độ tuổi ngoài 80, thậm chí hơn 90 tuổi. Các chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo, người cao tuổi thường có sức đề kháng, hệ miễn dịch kém hơn do đó cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, kết hợp tập luyện, vận động nhẹ nhàng và chú ý đến các biểu hiện bất thường của cơ thể để khám, điều trị các bệnh lý nói chung, ung thư nói riêng một cách kịp thời. Nếu không may, phát hiện bệnh khi ở độ tuổi cao thì hãy luôn giữ tinh thần lạc quan, trao đổi cùng bác sỹ điều trị để được tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Minh chứng rõ ràng nhất đó là những ca mổ ung thư dạ dày, đại trực tràng, ung thư vú ..... mà Bệnh viện K đã thực hiện thành công, chất lượng sống nhiều người bệnh 80, 90 tuổi đã được cải thiện và nâng cao hơn. Do đó, mọi người nên có cái nhìn khách quan hơn, không nên giữ quan điểm “ buông xuôi khi bản thân mình hay người thân tuổi đã cao nhưung mắc bệnh ung thư” bởi nếu có phác đồ phù hợp và đảm bảo về sức khỏe thì hiệu quả điều trị vẫn rất khả quan.

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook