• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Tấm gương người điều dưỡng hơn 25 năm cống hiến vì người bệnh ung thư

27/10/2022 07:10

BVK - Ba năm vừa qua là thời điểm khó khăn đối với toàn xã hội, đặc biệt là ngành Y tế và đây cũng là khoảng thời gian hình ảnh vất vả, sự hy sinh thầm lặng của những người mang áo blouse trắng được hiện hữu rõ nét nhất.

Ai cũng nhắc đến ngành Y với cả sự trân trọng “Nghề Y là một nghề cao quý”, đúng vậy không có điều gì ý nghĩa và cao quý hơn khi được cống hiến, thực hiện sứ mệnh là cứu người. Nhiều tấm gương đã được tôn vinh, họ dành cả cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, mang lại sự an tâm cho người bệnh. Tại bệnh viện K cũng có nhiều y bác sĩ không ngại khó, ngại khổ, tận tụy vì người bệnh ung thư. Như câu chuyện dưới đây, sự hy sinh, cống hiến của 02 nữ điều dưỡng này đã khiên nhiều đồng nghiệp và người bệnh cảm phục, xúc động.

"Cả tuổi xuân, cả sự nghiệp, tâm huyết của chị là Bệnh viện K với 26 năm công tác”

Đó là câu nói đầu tiên của chị Bùi Thị Thanh Hải, Điều dưỡng trưởng khoa Xạ vú – phụ khoa, Bệnh viện K. Chị luôn được đồng nghiệp nhắc tới với sự tận tâm, nhiệt tình và nụ cười tươi hiện hữu trên gương mặt.

Ở tuổi 48 tuổi, đến nay chị đã gắn bó với bệnh viện hơn 26 năm. Từ nữ điều dưỡng công tác tại Khoa Hóa chất năm 1996 – 1998, sau đó chị được phân công công tác tại Khoa Xạ vú – phụ khoa đến nay đã 24 năm. Chồng của chị cũng công tác tại Bệnh viện K được 28 năm; “Hai vợ chồng cùng công tác tại Bệnh viện K đã hơn 20 năm rồi, có thể nói, cả tuổi xuân, cả ước mơ, hoài bão, sự nghiệp của chị là Bệnh viện K. Công việc khiến chị và đồng nghiệp nhiều khi chẳng để ý tới thời gian, sáng đến trực buồng giao ca là quay đi quay lại cuốn vào phòng bệnh này, bệnh nhân kia, nhìn đi nhìn lại mặt trời đã xuống. Công việc điều dưỡng vốn vất vả, nhưng ở Bệnh viện K, công việc này càng đặc biệt hơn” .... chị Hải chia sẻ.

Công việc của chị không chỉ dừng lại với hình ảnh quen thuộc khi nghĩ về người điều dưỡng là tiêm, truyền ... mà còn là điểm tựa tinh thần với nhiều chị em, khi đa phần họ luôn ở trong tâm thế hụt hẫng, tiêu cực những ngày đầu phát hiện ra bệnh. Bệnh nhân đến bệnh viện ai cũng bệnh cũng đau, nhưng bệnh nhân ung thư luôn là những người đặc biệt, nhất là các chị em phụ nữ, phía trước còn cả tương lai, cả thanh xuân tươi đẹp, mắc bệnh hiểm nghèo luôn khiến họ tự ti. Bởi họ phải đối diện với vấn đề sức khỏe, và cả những mắc cảm về cơ thể mình, để chữa lành vết thương ấy không chỉ có Y học hiện đại, mà còn cả tấm lòng bao dung, ân cần, cảm thông.

"Đêm trực không thể quên....”

Nhiều câu chuyện, nhiều đêm trắng cùng đồng nghiệp giành giật sự sống mong manh cho người bệnh trong từng giây từng phút … chị nhớ như in đêm trực ấy đồng hồ điểm 11 giờ, người bệnh chảy máu rất nhiều, diễn biến nặng ở trong khoa, mọi thứ xảy đến quá nhanh, mất máu kéo dài đồng nghĩa với việc tính mạng người bệnh bị đe dọa, gương mặt tái xanh, phờ phạc của bệnh nhân và gia đình vẫn vẹn nguyên trong suy nghĩ của chị. Với kinh nghiệm của mình, chị cùng bác sỹ và ekip trực tiến hành truyền máu cho bệnh nhân, máu truyền 03 đơn vị vẫn chảy không ngưng, sau sự khẩn trương, chính xác, kịp thời xử lý, bệnh nhân qua cơn nguy kịch. “Đó là đêm trắng chị mãi không quên, khi mọi thứ đã ổn định, bệnh nhân tỉnh, chị và bác sỹ vừa kiểm tra, theo dõi ổn định định trở ra thì bệnh nhân với với ý gọi chị lại gần nắm tay, “Cảm ơn anh chị, cảm ơn các bác sỹ cho tôi được sống lại lần nữa”, đó là khoảnh khắc chị và bệnh nhân cùng khóc, cùng xúc động, đó là giọt nước mắt của hạnh phúc”. – Chị Hải nghẹn ngào nhớ lại.

Đến giờ chị và Khoa Xạ 2 vẫn nhận được lời cảm ơn, hỏi thăm của bác ấy dù đêm ấy đã trôi qua cả chục năm ...

"Người mẹ nghẹn ngào khi nghe con nói về ước mơ “Con muốn học ngành Y”” ....

Sau những giờ làm việc ở bệnh viện, chị trở về nhà với vai trò của người vợ, người mẹ, vun vén gia đình quây quần bữa cơm tối. Có chồng làm cùng bệnh viện, thậm chí cùng tầng của tòa nhà nhưng công việc cứ cuốn theo thời gian, “hiếm khi hai vợ chồng cùng ngồi ăn trưa như những đồng nghiệp, chị ở khoa và ở cùng người bệnh, cùng mọi người trong khoa nhiều hơn là ở cùng chồng con”, - vẫn là nụ cười tươi khi chị kể lại câu chuyện, nghe thì tưởng là chuyện vui nhưng ánh mắt chị cũng ánh lên nỗi niềm của người mẹ, người vợ.

Khi đã chọn công việc, chọn ngành Y, nhất lại là người chồng cũng cùng công tác thì chắc hẳn gia đình nhỏ của chị luôn hiện hữu sự cảm thông, chia sẻ. Không ít những đêm vợ trực, con ốm và ngược lại chồng công tác, vợ trực, 2 anh em ở nhà chăm nhau ... Và còn có khoảng thời gian “không thể quên”, - những ngày Bệnh viện K là tâm dịch, 02 vợ chồng chị đến Bệnh viện tham gia chống dịch cả tháng trời với nỗi niềm đau đáu, con trai chỉ còn ít ngày là thi Đại học – bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của con, cũng là khoảng thời gian con cần có bố mẹ ở bên. Nhưng những đứa trẻ thật hiểu chuyện, có thể con đã quen với công việc vất vả của bố mẹ qua lời tâm sự ít ỏi hàng đêm, 2 anh em bảo ban nhau học hành, tự lo lắng sinh hoạt hàng ngày, kết quả con đỗ Trường Đại học kinh tế Quốc dân đúng với ước vọng của mình là trái ngọt dành tặng chị.

“Ở tâm dịch trở về, con cũng chuẩn bị vào kỳ thi, kết quả của con dù cao dù thấp chị cũng chưa đặt nặng, miễn sao con cố gắng hết sức, nhưng may mắn và hạnh phúc nhất của người làm mẹ là chị được chứng kiến con đạt được ước mơ, kỳ vọng của mình, đó cũng là nguồn động viên lớn cho chị và chồng cùng cố gắng công tác để nuôi dạy các con thật tốt, nhất là khi bé gái thứ hai nhà chị tâm sự con cũng muốn học ngành Y, chị rất tự hào khi nghe con nói về ước mơ ấy”, chị chia sẻ.

Ánh mắt của người mẹ giờ đây là cả sự hy vọng, cũng không ít trăn trở khi con gái muốn theo công việc của cha mẹ, nhưng đó cũng là điều hạnh phúc nhất của người mẹ, của người điều dưỡng gắn bó quá nửa thời gian qua của mình, được con cảm nhận và muốn tiếp nối tình yêu với tấm áo blouse.

"25 năm qua, chưa bao giờ chị có suy nghĩ dừng lại công việc này”...

Các đồng nghiệp tại Bệnh viện K vẫn thường chuyện tếu cùng nhau mỗi khi nhắc tới “Chị Cả chị Hai” là chị Hải và Chị Bùi Thị Bích Liên, Điều dưỡng Trưởng khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện K. Một người hay cười, một người điềm đạm, trầm lắng hơn. Hai chị cũng là những người điều dưỡng tâm huyết có thời gian gắn bó rất dài với Bệnh viện K. Chứng kiến từng bước chuyển mình, từng bước phát triển của Bệnh viện đi cùng năm tháng, cũng đồng nghĩa với mái tóc thêm điểm bạc.

Chị Liên 47 tuổi và đã có 25 năm công tác tại Bệnh viện K. Sau khi học xong, năm 1997 chị làm việc tại bệnh viện với công việc ban đầu ở khoa Ngoại vú, đến năm 2016 chị chuyển về công tác tại khoa Ngoại tiết niệu. Đây là chuyên khoa “đặc biệt” ở bệnh viện điều trị cho người bệnh ung thư, bởi đa phần người bệnh là nam, bệnh lý thường gây mặc cảm, tự ti, nên rất khó để chia sẻ, nên trong công việc hàng ngày chị cũng như nhiều đồng nghiệp khác gặp không ít khó khăn.

"Lắng nghe câu chuyện của cụ già đến nửa đêm trực”....

“Nhiều cụ phát hiện bệnh khi đã nhiều tuổi rồi, hơn tuổi bố chị, các cụ ngoài 80 nên lúc nhớ lúc quên, vừa tiêm, vừa đặt ống lại giữa đêm trực, chưa kịp ngơi tay, cụ lại giật ống, mất kiểm soát, ngồi giữa khoa chị và nói về chiến tranh, nói chuyện ngày xưa ở chiến trường, .... Chị cũng ngồi nghe, trò chuyện vậy cả hai, ba tiếng, cũng không nhớ điều bác nói lúc đó là những chuyện gì mà dài được đến thế, mình cũng chỉ lắng nghe, gật gù, đôi khi như vỗ về cụ, cụ thấy vậy mừng lắm, chị và con trai cụ cứ ngồi để nghe đến cả hơn 11h đêm” .... nhiều câu chuyện mà chị nghĩ lại vừa vui, vừa xót xa. Dù mệt dù đã xong công việc nhưng với đặc thù về người bệnh chủ yếu cao tuổi, lại là nam, chính sự ân cần, như người thân, người con cháu trong nhà mà dần dần chị lại là người mà người bệnh lựa chọn tâm sự, trút nỗi niềm với câu hỏi quen thuộc “Bác Liên đi đâu rồi cô...” mỗi khi vắng bóng chị ở khoa.

Nghe chị tâm sự về quá trình lặng lẽ công hiến cùng các đồng nghiệp, công tác tại khoa ngoại, người bệnh đều đứng trước ca phẫu thuật điều trị u bướu, mới thấy mục tiêu lớn nhất của chị có lẽ là cố gắng cùng các bác sỹ giành giật sự sống cho từng người bệnh. Nhiều ca mổ cấp cứu ngay trong đêm, nhiều ca tưởng chừng như mọi thứ đã kết thúc thế nhưng may mắn lại mỉm cười, bao mệt mỏi với chị và các đồng nghiệp lại tan biến.

Nhớ lại kỷ niệm về ca phẫu thuật nào từng được tham gia chữa trị chăm sóc, vào những năm đầu công tác tại bệnh viện “Đó là một cô gái trẻ, bệnh nhân mới 24 tuổi, xinh xắn, vừa tốt nghiệp đại học, phải phẫu thuật ung thư vú và sau mổ trở về buồng bệnh chị phụ trách. Giây phút đầu tiên khi cô gái ấy tỉnh chỉ khóc, bạn ấy shock và tâm lý hoảng loạn khi thấy 01 bên ngực của mình không còn, dù đã trấn an, trò chuyện nhưng cũng chỉ cải thiện được một chút. Đến chiều muộn khi chưa thể ngồi dậy, bạn ấy muốn được soi gương để nhìn hình ảnh của mình và cả bên ngực đã mổ, nhất là vết mổ lúc bấy giờ, chị cũng suy nghĩ rất nhiều, lấy đủ lý do là bận việc để tránh vì cũng là phụ nữ chị hiểu khi họ thấy vẻ bên ngoài thay đổi nhanh đến như vậy, tâm lý có thể sẽ không chịu nổi, .... Nhưng đêm hôm đó, 9h hơn là khi xong việc và trực đêm, chị ngồi lại bên giường bệnh và tâm sự với bạn ấy, chị nói về nhiều trường hợp khỏi bệnh, cũng có nói về không ít người bi quan, chị đều nhắc tới, điểm chung của họ là đều mắc bệnh nhưng khác nhau ở cách đối diện, chị có hỏi “Em sẵn sàng chưa”? Bạn ấy khóc và lặng lẽ gật đầu. Khi tận mắt nhìn thấy, bạn ấy bình tĩnh đến lạ, không khóc, không cảm xúc, có lẽ bạn ấy rất đau, dằn vặt trong suy nghĩ và tương lai nhưng chọn cách đối diện trực tiếp để vượt qua. Chị là người khóc, vì khi nhìn bệnh nhân nước mắt không rơi mà môi run lên, chị hiểu họ đang trải qua nỗi buồn lớn thế nào, chị lặng lẽ nhẹ nhàng xoa tay động viên như người em gái của mình, và rất may mắn những ngày sau đó, em ấy vượt qua, tự tin với công việc chuyên ngành Luật mình đam mê theo đuổi”. – Chị Liên nhớ lại.

Bằng tất cả tình cảm trách nhiệm của người điều dưỡng và quan trọng là dòng chảy của sự hy sinh có sẵn trong con người chị, chị luôn chọn cách trao đi yêu thương, ân cần. Chị luôn luôn tâm niệm như vậy, hết mình vì người bệnh, vì đồng nghiệp, vì mọi người, cho được bao nhiêu là chị tình nguyện, không mong cầu nhận lại được gì ngoài sự yên tâm, may mắn hồi phục trở lại sớm của người bệnh. Có lẻ bởi vậy, vì sự hy sinh thầm lặng của chị, vì cống hiến với công việc mà chị yêu suốt 25 năm qua, bỏ lỡ nhiều thời gian bên chồng con, mà đồng nghiệp và người bệnh rất ghi nhận những gì chị trao đi.

Câu chuyện của 02 nữ điều dưỡng thật sự đã để lại nhiều sự cảm phục với các đồng nghiệp tại bệnh viện K, những sự hy sinh lặng lẽ, âm thầm của các chị là bài học, là tấm gương sáng để các cán bộ, đặc biệt thế hệ trẻ của bệnh viện học tập noi theo và lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia ấy đến mọi người.

Nhân ngày Điều dưỡng Việt Nam, Ban Lãnh đạo bệnh viện K tặng hoa chúc mừng và trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc, tri ân tới những người Điều dưỡng, đặc biệt là những cán bộ điều dưỡng Bệnh viện K sự hy sinh thầm lặng của mình đã cống hiến vì nụ cười của người bệnh, vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc & nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook