• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

VAI TRÒ CỦA ĐIỀU TRỊ MIỄN DỊCH TRÊN BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ GIAI ĐOẠN III

09/12/2021 07:12

BVK - Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III là nhóm bệnh thường gặp, chiếm đến 1/3 số bệnh nhân trong tổng số những bệnh nhân mắc ung thư phổi. Điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III là điều trị đa mô thức bao gồm điều trị kết hợp phẫu thuật, hóa chất, tia xạ và điều trị miễn dịch. Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào vị trí, kích thước của khối u, mức độ xâm lấn của u, mức độ di căn hạch, thể trạng của bệnh nhân, các bệnh lý kèm theo cũng như mong muốn điều trị của bệnh nhân.

Điều trị miễn dịch cho nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III bao gồm thuốc kháng thể đơn dòng kháng PDL1 như durvalumab. Thuốc ức chế sự gắn kết giữa thụ thể PDL1 trên bề mặt tế bào u, tế bào miễn dịch với thụ thể PD1 trên bề mặt tế bào T, qua đó làm tăng hoạt tính tiêu diệt u của tế bào T giúp tế bào T nhận diện và tiêu diệt tế bào u một cách hiệu quả hơn.

Thuốc miễn dịch durvalumab được chỉ định điều trị bổ trợ 1 năm cho nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III không mổ được, được điều trị củng cố sau hóa xạ đồng thời với ít nhất 2 chu kỳ hóa trị với platinum và mà bệnh không tiến triển sau điều trị. Theo nghiên cứu PACIFIC,thuốc được chứng minh làm kéo dài thời gian sống thêm không bệnh tiến triển trung vị lên tới 17,2 tháng và thời gian sống thêm toàn bộ trung vị lên tới 47,5 tháng so với nhóm bệnh nhân không được điều trị bổ trợ với durvalumab tương ứng là 5,6 tháng và 29,1 tháng. Điều trị bổ trợ với durvalumab còn làm giảm tỉ lệ tái phát và di căn xa đặc biệt là di căn hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, trong kết quả mới nhất từ ASCO 2021, có đến 43% bệnh nhân được điều trị củng cố với durvalumab sau hóa xạ trị đồng thời sống lên đến 5 năm và sau 5 năm, có đến hơn 30% bệnh nhân vẫn chưa tiến triển.

Tác dụng phụ của điều trị miễn dịch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ mô cơ quan nào trong cơ thể, tuy nhiên thường gặp nhất là các tác dụng phụ như: trên da như nổi ban da, ngứa, nổi bọng nước trên da; mệt mỏi; tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như tiêu chảy hoặc viêm ruột; tác dụng phụ trên tuyến nội tiết như tuyến giáp, tuyến yên, tuyến thượng thân; tác dụng phụ trên cơ quan hô hấp như viêm phổi kẽ và tác dụng phụ tại các cơ quan khác. Các tác dụng phụ có thể xảy ra từ mức độ nhẹ cho tới mức độ nặng thậm chí de dọa tính mạng. Tác dụng phụ được phân làm 4 độ: độ 1: nhẹ; độ 2: trung bình; độ 3: nghiêm trọng; độ 4: rất nghiêm trọng. Tùy thuộc vào mức độ của tác dụng phụ mà có các biện pháp điều trị khác nhau. Tác dụng phụ mức độ nhẹ thường chỉ cần điều trị triệu chứng mà không đòi hỏi ngừng điều trị thuốc miễn dịch, tác dụng phụ mức độ trung bình đòi hỏi trì hoãn điều trị cho đến khi hồi phục. Tác dụng phụ mức độ nghiêm trọng đòi hỏi dừng điều trị và cần theo dõi sát của các bác sỹ chuyên khoa.

Trong điều trị miễn dịch, phần lớn các tác dụng phụ xảy ra ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và thường hồi phục nếu được phát hiện sớm và điều trị một cách thích hợp. Các tác dụng phụ này có thể gặp sau vài tuần hoặc vài tháng kể từ khi bắt đầu điều trị, tuy nhiên nó có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình điều trị như xuất hiện sớm ngay sau ngày truyền đầu tiên hoặc thậm chí 1 năm sau khi đã kết thúc quá trình điều trị. Do đó điều quan trọng là bạn cần thông báo cho bác sĩ nếu có triệu chứng nào mới xuất hiện, hay triệu chứng cũ đã có nhưng nặng nên hoặc bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy lo lắng. Bạn sẽ được theo dõi sát nhằm phát hiện sớm các tác dụng phụ và điều trị nếu cần.

Ngoài ra còn có các thử nghiệm lâm sàng khác nhằm đánh giá vai trò của thuốc miễn dịch trên nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III với rất nhiều thử nghiệm đem lại kết quả hứa hẹn. Như trong nghiên cứu IMPOWER 010 [PVQ1] trên nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ nhỏ giai đoạn III được điều trị triệt căn bằng phẫu thuật và hóa chất bổ trợ. Nghiên cứu cho thấy điều trị bổ trợ với thuốc miễn dịch kháng PDL1 như atezolizumab trong thời gian 1 năm giúp kéo dài thời gian sống thêm không bệnh tiến triển cho nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III. Tuy nhiên vẫn cần thời gian theo dõi thêm trước khi đưa vào thực hành lâm sàng.

Tóm lại, điều trị miễn dịch kết hợp với các biện pháp điều trị tiêu chuẩn khác cho bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn III là một phương pháp điều trị có hiệu quả cao và độc tính ít. Điều trị miễn dịch giúp kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân và giảm tỉ lệ tái phát bệnh với các tác dụng phụ có thể kiểm soát được nếu được phát hiện kịp thời và điều trị một cách thích hợp. Trong UTPKTBN giai đoạn III, bệnh nhân còn có cơ hội tiếp cận điều trị triệt căn với hóa xạ đồng thời. Không nên xem điều trị UTPKTBN giai đoạn III như điều trị giai đoạn di căn tiến xa (giai đoạn IV) để mất cơ hội điều trị với hóa xạ trị.

BS Trần Thị Hậu – Khoa Nội 1, Bệnh viện K     

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. Champiat S, Lambotte O, Barreau E, et al. Management of immune checkpoint blockade dysimmune toxicities: a collaborative position paper. Ann Oncol 2016;27(4):559-574.
  2. Haanen JBAG, Carbonnel F, Robert C, et al. Management of toxicities from immunotherapy: ESMO Clinical Practice Guidelines for diagnosis, treatment and follow-up. Ann Oncol 2017;28(suppl_4):iv119-iv142.
  3. Felip E, Altorki N, Zhou C, et al. Adjuvant atezolizumab after adjuvant chemotherapy in resected stage IB–IIIA non-small-cell lung cancer (IMpower010): a randomised, multicentre, open-label, phase 3 trial. Lancet 2021;398:1344-1357
  4. Antonia SJ, Villegas A, Daniel D, et al. Overall survival with durvalumab after chemoradiotherapy in stage III NSCLC. N Engl J Med 2018;379:2342-2550.
  5. Baverel PG, Dubois VFS, Jin CY, et al. Population pharmacokinetics of durvalumab in cancer patients and association with longitudinal biomarkers of disease status. Clin Pharmacol Ther 2018;103:631-642

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook