• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Đại cương điều trị ung thư thực quản

17/08/2023 16:08

Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô thực quản, gồm hai loại: Biểu mô vảy và biểu mô tuyến. Ung thư thực quản đoạn 1/3 trên và 1/3 giữa giữa hầu hết là ung thư biểu mô vảy, nhạy cảm với xạ trị và hóa trị. Đoạn 1/3 dưới hay gặp ung thư biểu mô tuyến ít nhạy cảm với xạ trị và hóa trị. 

Theo GLOBOCAN 2018, có khoảng 500.000 ca được chẩn đoán mới và 450.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, ung thư thực quản đứng thứ 15 trong những bệnh ung thư thường gặp nhất với 2.411 chẩn đoán mới, 2.222 ca tử vong mỗi năm và tỷ lệ mắc 8,7/100.000 dân. Độ tuổi mắc căn bệnh này thường gặp nhất là khoảng 50 đến 60 tuổi, yếu tố nguy cơ chính của ung thư thực quản là lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá và thói quen ăn uống nóng. 

Ung thư thực quản là một trong những ung thư có tiên lượng rất xấu. Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị ung thư thực quản rất khó khăn, tiên lượng và kết quả thường xấu. 

Ung thư thực quản giai đoạn phẫu thuật được

- Đối với ung thư thực quản 1/3 dưới, 1/3 giữa: tiến hành phẫu thuật cắt đoạn thực quản theo phương pháp Akiyama, Lewis Santy và phương pháp khác. 

- Đối với ung thư thực quản 1/3 trên: phẫu thuật rất khó khăn, nguy cơ tai biến cao. 

- Phẫu thuật mở thông dạ dày nuôi dưỡng (phẫu thuật mở hoặc qua nội soi) 

- Cắt hớt niêm mạc thực quản (ER hoặc ESD) và cắt lạnh hoặc đốt sóng cao tần qua nội soi áp dụng cho những ung thư thực quản giai đoạn sớm (Tis hoặc T1a).

- Chỉ định cắt u qua nội soi (EMR, ESD, RFA, Cryoablation).

  • Ung thư giai đoạn Tis, pT1a (≤2cm) hoặc pT1b (≤2cm) biệt hóa vừa hoặc cao không có xâm lấn mạch thần kinh và chưa di căn hạch. 
  • Các tổn thương bề mặt (≤2cm) của thể Tis, loạn sản độ cao (HGD) hoặc bệnh Barrett có tổn thương loạn sản được cắt EMR qua nội noi. 
  • Các tổn thương bề mặt lớn >2cm cũng có thể điều trị hiệu quả bằng EMR nhưng nguy cơ biến chứng cao hơn. Do vậy những tổn thương này được cắt tổn thương đơn thuần. 

Ung thư thực quản giai đoạn không mổ được 

Đối với ung thư thực quản giai đoạn không mổ được, các phương pháp điều trị thường dùng là xạ trị, hoá trị, miễn dịch. Nhiều trường hợp tân bổ trợ, bệnh đã giảm xuống thành giai đoạn mổ được. Hoá xạ đồng thời là điều trị chuẩn cho giai đoạn này. 

Xạ trị chiếu ngoài 

- Chỉ định và liều lượng:

  • Xạ trị đơn thuần: với u và hạch di căn liều 60-70Gy, phân liều 2Gy/ngày. Xạ trị hạch dự phòng 50Gy. 
  • Hóa xạ đồng thời: 54Gy, phân liều 2Gy/ngày hoặc 50,4Gy phân liều 1,8Gy/ngày, có thể tăng thêm liều vào u lên tới 60Gy. 

- Mô phỏng: Chụp mô phỏng bằng CT, MRI hoặc tốt nhất bằng PET/CT, PET/MRI. 

- Kỹ thuật: Có thể dùng các kỹ thuật thường quy 3D, hoặc các kỹ thuật xạ trị tiên tiến giúp tăng hiệu quả, độ chính xác và giảm thiểu tác dụng phụ như xạ trị điều biến liều (Intensity Modulated Radiation Therapy: IMRT), xạ trị điều biến thể tích (Volumetric Modulated Arc Therapy: VMAT), xạ trị hạt nặng (Proton therapy, heavy ion). 

Xạ trị áp sát vào khối u hoặc diện u trong các trường hợp không phẫu thuật triệt căn hoặc bệnh lý kèm theo không thể phẫu thuật hay bệnh nhân nhất định từ chối phẫu thuật. Ngoài ra, xạ trị áp sát còn được chỉ định tăng liều khối u sau xạ trị chiếu ngoài. 

Xạ trị trong mổ (Intraoperative Radiation Therapy: IORT) 

  • IORT là một kỹ thuật đặc biệt có thể cung cấp một liều xạ trị duy nhất, tập trung cao liều bức xạ tại nền khối u sau phẫu thuật hoặc phần còn lại của khối u không thể phẫu thuật được, các khối u tái phát, di căn. 
  • IORT có nhiều loại kích thước của đầu phát tia bức xạ (applicator) khác nhau tùy thuộc vào diện cắt và hình dạng khối u, hơn nữa diện tích xạ trị hạn chế nên hầu như không ảnh hưởng các cấu trúc bình thường xung quanh vùng chiếu xạ. 
  • Chỉ định trong trường hợp cắt u thực quản tiếp cận, hoặc ung thư thực quản di căn xa (cột sống, xương chậu...). 

Ung thư thực quản giai đoạn muộn và có di căn xa 

- Điều trị nuốt nghẹn: nong, đặt stent nòng thực quản hay xạ trị triệu chứng chống chèn ép. 

- Điều trị tổn thương di căn:

  • Não (≤3 ổ: xạ phẫu bằng dao gamma quay; ≥3 ổ: xạ trị gia tốc toàn não liều 40Gy, 2Gy/ngày hoặc 30Gy, 3Gy/ngày).
  • Xương: dùng pamidronat, acid zoledronic... 

- Hóa chất toàn thân (xem các phác đồ cụ thể). - Điều trị đích trong ung thư thực quản: 

  • Trastuzumab: ung thư thực quản giai đoạn tiến triển; tái phát; thất bại với các biện pháp điều trị khác; HER2 dương tính. 
    • Cách dùng: kết hợp với hóa chất.
    • Liều lượng: 8mg/kg, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 1. Sau đó 6mg/kg, truyền tĩnh mạch ngày 21; chu kỳ 21 ngày. 
  • Bevacizumab: điều trị bước 1, điều trị duy trì ung thư thực quản tiến triển tại vùng, di căn xa hoặc tái phát. 
    • Cách dùng: dùng kết hợp với hóa chất
    • Liều dùng: Bevacizumab 7,5mg/kg cân nặng hoặc 15mg/kg cân nặng, truyền tĩnh mạch ngày 1. Chu kỳ 3 tuần. 
  • Ramucirumab٭: là một kháng thể đơn dòng kháng lại VEGFR-2, thuốc được chỉ định cho ung thư thực quản, ung thư miệng nối dạ dày-thực quản tiến triển sau khi thất bại với hóa trị. 
    • Liều dùng: Ramucirumab8 ٭mg/kg, truyền tĩnh mạch ngày 1. Chu kỳ 2 tuần. 
  • Điều trị miễn dịch: 
    • Với những bệnh nhân có bất thường MMR hoặc có biểu hiện MSI cao thì có thể sử dụng liệu pháp miễn dịch với pembrolizumab. 
    • Điều trị bước 2 với ung thư thực quản biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tuyến chỗ nối thực quản-dạ dày có biểu hiện PD-L1 với chỉ số CPS ≥10%. 
    • Liều dùng: Pembrolizumab 200mg/ngày, truyền tĩnh mạch ngày 1. Chu kỳ 21 ngày. 

- Điều trị triệu chứng, dinh dưỡng cho bệnh nhân: 

  • Mở thông dạ dày nuôi ăn bằng sonde. 
  • Dinh dưỡng bằng đường truyền. 
  • Trong quá trình phối hợp đa phương thức điều trị ung thư thực quản, thường xuyên phải quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng và viêm thực quản. 
  • Thức ăn nhiều dinh dưỡng mềm, xay nhuyễn, ăn nhiều bữa trong ngày, truyền tĩnh mạch thêm các loại dịch dinh dưỡng bổ sung. Nếu bệnh nhân không ăn được, tốt nhất nên nuôi dưỡng qua đường mở thông dạ dày hoặc ruột non. 
  • Cho các loại thuốc bọc niêm mạc thực quản, thuốc ức chế bài tiết dịch vị chống viêm loét niêm mạc thực quản. 

 

 

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook