• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

UNG THƯ ỐNG HẬU MÔN

11/04/2023 08:04

BVK - Ung thư ống hậu môn là những khối u có tổn thương nguyên phát nằm trong ống hậu môn. Mặc dù, hiếm gặp và chỉ trên một đoạn ngắn của đường tiêu hóa nhưng ung thư ống hậu môn cũng bao gồm rất nhiều loại khác nhau do đặc điểm giải phẫu và cấu trúc mô học phức tạp của nó. Ung thư biểu mô vảy là loại tổn thương hay gặp nhất nhưng u hạt, u tế bào chuyển tiếp, u hắc tố… cũng có thể gặp đơn độc hoặc phối hợp với nhau

Đặc điểm lâm sàng

Các yếu tố nguy cơ thường gặp là virus HPV (Human Papillomavirus), quan hệ tình dục qua đường hậu môn, tiền sử bệnh lý lây nhiễm qua đường sinh dục, hút thuốc lá và suy giảm miễn dịch.

Hình thái tổn thương thường dưới dạng thâm nhiễm hoặc loét khu trú ở rìa hậu môn, ống hậu môn hoặc đôi khi ở phần thấp trực tràng. 

Triệu chứng lâm sàng thường gặp là xuất huyết tiêu hóa thấp, ngứa hoặc đau vùng tầng sinh môn, tự sờ thấy khối nhưng không đặc hiệu và có tới 25% bệnh nhân được chẩn đoán tình cờ mà không có triệu chứng trực tiếp nào. Phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển do bệnh nhân đến muộn hoặc không được thăm khám hậu môn trực tràng bởi các bác sỹ chuyên khoa được đào tạo căn bản. Trên thực tế, mặc dù chẩn đoán xác định phải dựa vào giải phẫu bệnh nhưng động tác thăm khám hậu môn trực tràng đơn giản hay soi hậu môn – trực tràng ống cứng ngay tại phòng khám có thể mang lại cơ hội chẩn đoán sớm cho bệnh nhân. 

Tiến triển của u chủ yếu theo con đường xâm lấn tại chỗ, do vậy, bilan đánh giá chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng và siêu âm nội soi hậu môn – trực tràng cho phép đánh giá mức độ xâm lấn so với cơ thắt, tổn thương ở các tổ chức lân cận và đánh giá hạch vùng. 

Mặc dù di căn xa của ung thư ống hậu môn là khá hiếm gặp nhưng chụp cắt lớp ổ bụng – tiểu khung, chụp X-quang phổi vẫn được coi là cần thiết trong đánh giá giai đoạn bệnh. Trong khi đó, chụp cộng hưởng từ vẫn là lựa chọn đầu tay trong đánh giá xâm lấn vùng của các tổn thương vùng tiểu khung. Chụp PET – CT có giá trị và cần được cân nhắc chỉ định trong đánh giá giai đoạn bệnh nhưng không được khuyến cáo sử dụng thường quy.

Bên cạnh đó, các xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan, thận, tim mạch cũng cần được tiến hành trước khi thực hiện can thiệp hóa xạ trị hay phẫu thuật.

Kháng nguyên ung thư biểu mô vảy (SCCAg) là một chất chỉ điểm khối u có thể sử dụng trong ung thư biểu mô ống hậu môn, tuy nhiên, giá trị của nó trong chẩn đoán và theo dõi còn chưa rõ ràng.

Chẩn đoán xác định

Cũng giống như tất cả các loại ung thư khác, tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư ống hậu mônlà kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh. Do đó, tất cả các tổn thương nghi ngờ ở vùng hậu môn và các hạch lân cận cần được sinh thiết với mục đích phát hiện và sàng lọc ung thư ống hậu môn ở giai đoạn sớm

Điều trị ung thư ống hậu môn

Ung thư biểu mô vảy của ống hậu môn có thể được điều trị triệt để bằng xạ trị hoặc hóa xạ trị phối hợp. Phẫu thuật cắt cụt trực tràng đường bụng và tầng sinh môn chỉ được chỉ định nếu điều trị nội khoa thất bại. 

Hóa trị:

Chỉ định với các trường hợp ung thư giai đoạn T1-2 N1-3 M0, T3-4 N bất kỳ M0. Mục tiêu chính cần đạt được là bảo tồn được cơ thắt hậu môn.

Xạ trị:

Xạ trị đơn thuần được chỉ định với trường hợp ung thư giai đoạn T1 / T2N0M0 và kích thước u dưới 4 cm

Liều xạ trị ngoài thường là 45 – 50Gy trong vòng 5 tuần ở vùng quanh hậu môn, trực tràng và các hạch quanh trực tràng và trước xương cùng cụt. Trong trường hợp có xâm lấn hạch vùng thì trường chiếu có thể mở rộng tới các hạch chậu và hạch bẹn.

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy tỷ lệ tái phát dao động khoảng 12 đến 20% và tỷ lệ sống thêm 5 năm vào khoảng 60 đến 74%. Tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn là 100%, 85% và 76% tương ứng với các u ở giai đoạn T1, T2 và T3 – 4 

Phẫu thuật:

Chỉ định phẫu thuật ngay từ đầu rất ít gặp và thường là làm hậu môn nhân tạo nếu cần trước khi bắt đầu hóa xạ trị (10%) hoặc cắt cụt trực tràng đường bụng và tầng sinh môn trong trường hợp chống chỉ định xạ trị vùng tiểu khung (ví dụ đã xạ trị do ung thư cổ tử cung). Chỉ định phẫu thuật chủ yếu khi điều trị nội khoa thất bại. Cụ thể :

  • Bệnh tiến triển trong thời gian hóa xạ trị
  • Còn tổn thương u sau khi điều trị nội khoa gặp ở 15 đến 30% các trường hợp, đặc biệt là các trường hợp khối u có kích thước lớn. Tụy nhiên, AJCC khuyến cáo nên đánh giá đáp ứng điều trị sau 26 tuần để liệu pháp hóa xạ trị phát huy được toàn bộ hiệu quả của nó.
  • Biến chứng của điều trị nội : khá hiếm gặp. Chủ yếu được ghi nhận là triệu chứng đau tại chỗ, không đáp ứng với điều trị giảm đau cấp cao kết hợp hẹp hậu môn hoặc rối loạn trương lực cơ thắt gây ỉa không tự chủ.

Tái phát tại chỗ : Phần lớn các trường hợp tái phát tại chỗ được phát hiện trong 2 năm sau khi điều trị, tuy nhiên, thường bị chẩn đoán muộn do đó tỷ lệ sống thêm 3 năm từ khi tái phát chỉ khoảng 29%. 

 

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook