• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Ung thư tinh hoàn - không thể chủ quan với các dấu hiệu này

02/10/2022 10:10

BVK - Ung thư tinh hoàn là tình trạng xuất hiện một khối u ác tính tại một hay cả hai tinh hoàn. Khối u ác tính này cứ ngày một to ra và rồi nó xâm lấn ra toàn bộ tinh hoàn. Đến một mức độ nào đó, toàn bộ tinh hoàn chỉ toàn là khối ung thư.

Do tinh hoàn là một cơ quan sinh sản đặc thù của nam giới nên ung thư tinh hoàn là một bệnh đặc thù của giới này. Nó là nguyên nhân ảnh hưởng không những tới khả năng sinh sản mà còn ảnh hưởng tới chất lượng phát triển đặc điểm giới tính namUng thư tinh hoàn là bệnh lý tương đối hiếm xảy ra ở tinh hoàn. Bệnh có khả năng chữa trị thành công rất cao nếu được phát hiện sớm. Tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư tinh hoàn, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng những phương pháp khác nhau.

Với việc phát hiện các u tinh ở giai đoạn I, tỷ lệ sống sau 5 năm là 98%, ở giai đoạn II là 95% và ở giai đoạn III thì chỉ còn 6%. Các bệnh nhân đã có di căn hạch thì tiên lượng xấu hơn là chưa có di căn hạch. Số di căn hạch càng nhiều thì tiên lượng càng xấu.

Ung thư tinh hoàn thường được chia thành 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn I: Khối u khu trú ở tinh hoàn.

  • Giai đoạn II: Tế bào ung thư đã lan ra hạch bạch huyết ở vùng bụng dưới.

  • Giai đoạn III: Ung thư di căn tới những vùng khác trên cơ thể.

Nguy cơ ảnh hưởng

- Nguy cơ lớn nhất và bị coi là nguy cơ rõ rệt nhất là tình trạng tinh hoàn ẩn. Tinh hoàn ẩn là tinh tràng tinh hoàn không nằm trong bìu như bình thường, có thể định cư trong ổ bụng hay trên thành bụng. Đây là nguy cơ cần được lưu ý hàng đầu (với tỷ lệ ~ 2,5-14%). Tinh hoàn ở trong bụng thì nguy cơ mắc cao hơn 4 lần so với ở vị trí trên thành bụng. Do vậy, tất cả những bé trai mà có tinh hoàn ẩn, nên được phẫu thuật ngay để đưa tinh hoàn xuống bìu và cần phải theo dõi tối thiểu là 3-5 năm sau đó.

Tuổi cũng là một yếu tố nguy cơ. Mặc dù, ung thư tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng lứa tuổi từ 15-35 độ tuổi bị ung thư tinh hoàn nhiều nhất. Có tới trên 50% trường hợp gặp ở độ tuổi này.

Yếu tố di truyền: Nếu một bé trai có bố bị ung thư tinh hoàn thì đứa bé có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 4 lần so với em bé đồng trang lứa. Còn nếu anh em trai cùng một thế hệ bị bệnh thì tỉ lệ không may với em bé cao hơn gấp 8 lần.

- Một số ngành nghề: thợ mỏ, công nhân dầu khí, lái xe là những người có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn. Với những tài xế lái xe đường dài, người ta cho là nhiệt độ quá nóng chính là nguyên nhân gây ra bệnh. Bởi thế mà chúng ta vẫn thường được khuyên là không mặc quần lót quá chật, nhất là những trang phục bó sát của nam giới.

- Ngoài ra, ung thư tinh hoàn còn gặp trong một số đối tượng khác: sắc tộc, nhiễm HIV, Klinefelter, chàm da bẩm sinh, u sắc tố da...

Dấu hiệu ung thư tinh hoàn

  • Khối u không đau hay sưng trên một trong 2 tinh hoàn. Nếu phát hiện sớm, khối u có kích thước nhỏ. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, khối u có thể phát triển lớn hơn rất nhiều.

  • Cảm giác nặng nề ở bìu: Chẳng hạn như 1 tinh hoàn có thể trở nên cứng so với tinh hoàn khác hay ung thư tinh hoàn sẽ làm cho tinh hoàn phát triển lớn hơn hay nhỏ hơn.

  • Cảm giác đau âm ỉ ở bụng dưới hay bẹn.

  • Tích tụ dịch trong bìu.

  • Ngực mềm hay phát triển: Đây là tình trạng hiếm gặp. Một số khối u tinh hoàn sản sinh ra hormone gây đau ngực hay tăng trưởng mô ngực. Tình trạng này gọi là cường tuyến vú nam.

  • Đau lưng dưới, khó thở, đau ngực, đờm lẫn máu có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư tinh hoàn giai đoạn sau.

  • Sưng một bên hoặc hai bên chân, khó thở do cục máu đông.

 

Tự kiểm tra trước khi đi khám bác sĩ

- Nên thực hiện trong lúc tắm gội. Nước ấm có thể làm bìu dái mềm hơn, giúp dễ dàng thăm khám.

- Kiểm tra từng tinh hoàn một. Có thể dùng một tay hoặc cả hai tay.

- Tách hai tinh hoàn sang hai bên để quan sát xem có thay đổi gì bất thường hay không.

- Để ngón trỏ và ngón giữa bên dưới tinh hoàn, ngón cái để bên trên, nhẹ nhàng lăn qua lại tinh hoàn trên các ngón tay để cảm nhận xem có u cục gì bên trong tinh hoàn hay không. Thực hiện tương tự ở tinh hoàn bên kia.

- Đồng thời kiểm tra xem có bất thường gì ở thừng tinh và mào tinh hay không.

- Nếu qua thăm khám, bạn phát hiện ra những u cục ở tinh hoàn thì phải đi bác sĩ ngay.

Điều trị ung thư tinh hoàn

- Phẫu thuật cắt bỏ u và xạ trị được ứng dụng rộng rãi nhất. Các tế bào mầm (chiếm 90% ung thư tinh hoàn) rất nhạy cảm với xạ trị. Xạ trị được dùng trước phẫu thuật các u to và dính, được dùng sau phẫu thuật trong các trường hợp có nguy cơ tái phát cao. Xạ trị còn được chỉ định cho những ung thư tinh hoàn không còn khả năng phẫu thuật.

- Hóa trị được dùng ứng dụng cùng lúc với xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị còn làm tăng tác dụng của xạ trị như một chất gây cảm ứng. Đây là một hướng điều trị mới để điều trị các u kháng tia.

- Ngoài các liệu pháp trên thì liệu pháp miễn dịch được xem là đầy hứa hẹn. Đó là các vaccin kháng thể ung thư, sử dụng các biện pháp nhắm trúng đích, liệu pháp kháng sinh mạnh, liệu pháp gen.

Làm thế nào để phòng ngừa ung thư tinh hoàn

- Đối với các gia đình mới sinh em bé, cần kiểm tra ngay xem có dị tật bẩm sinh về tiết niệu sinh dục hay không? Quan trọng nhất là xem 2 tinh hoàn có nằm trong bìu hay ở vị trí khác? Gặp trường hợp tinh hoàn không xuống bìu thì phải mổ hạ tinh hoàn trước 4 tuổi.

- Tất cả nam giới, nhất là thanh niên phải biết cách tự kiểm tra tinh hoàn của mình. Khi thấy có dấu hiệu bất thường như tinh hoàn bên này to hơn bên kia và cảm thấy nặng ở bìu, vướng, đau thì phải đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tiết niệu ngay.

- Tất cả bệnh nhân ung thư tinh hoàn đã được điều trị phải có kế hoạch theo dõi chặt chẽ để phát hiện kịp thời khi bệnh tái phát.

Những thành tựu mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư tinh hoàn cộng thêm ý thức biết phát hiện bệnh sớm trong cộng đồng, chắc chắn bệnh ung thư tinh hoàn không còn là nỗi kinh hoàng của nam giới nữa.

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook