• Hotline
    0904 690 818
  • Tổng đài tư vấn & hỗ trợ người bệnh
    1900886684
  • Cơ sở 1

    Số 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Cơ sở 2

    Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

  • Cơ sở 3

    Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SAU PHẪU THUẬT UNG THƯ PHỔI

10/08/2023 10:08

BVK - Ung thư phổi là một trong 3 ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ hai chỉ sau ung thư gan, ước tính mỗi năm có khoảng 23.000 trường hợp mắc mới, gần 21.000 trường hợp tử vong và con số này không ngừng tăng lên. Tại bệnh viên K, hàng nghìn bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi mỗi năm. Tuy nhiên, tại thời điểm chẩn đoán trên 70% số trường hợp bệnh đã tiến triển hoặc di căn xa và không có chỉ định điều trị triệt căn. Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm.

  1. Phẫu thuật cắt khối u phổi sẽ diễn ra như thế nào?
  • Phẫu thuật viên sẽ rạch một đường tại khoang liên sườn khoảng 5cm đối với mổ mở và khoảng 3 cm đối với phẫu thuật nội soi. Sau đó, phẫu thuật viên sẽ tiến hành cắt thùy phổi có u và nạo vét hạch trung thất.
  • Thông thường cuộc mổ kéo dài trung bình 2-3 giờ. Kết thúc cuộc mổ một ống dẫn lưu được đặt vào khoang lồng ngực

  1. Chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư phổi ra sao?
  • Người bệnh sau khi ổn định sẽ được chuyển từ khoa hồi sức tích cực trở về Khoa Phẫu thuật lồng ngực (12h sau mổ).
  • Ngày thứ hai sau mổ, người bệnh sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn cách tập ngồi dậy, tập thở, tập ho, tập với bình tập thở,
  • Dân lưu khoang màng phổi sẽ được rút sau 3-4 ngày nếu đủ điều kiện: không rò khí, dịch ra dưới 200ml/ngày và Xquang phổi nở tốt.
  • Bệnh nhân thông thường phải nằm viện khoảng 10 ngày khi đã ổn định.
  • Dựa vào kết quả giải phẫu bệnh sau mổ, bệnh nhân có thể được ra viện, theo dõi định kỳ hoặc điều trị bổ trợ hóa chất hoặc tia xạ tùy thuộc vào giai đoạn bệnh

  1. Liệu pháp giảm đau sau phẫu thuật.
  • Đau sau mổ là một vấn đề mà người bệnh nào cũng sẽ trải qua. Đa số bệnh nhân phẫu thuật cắt thùy phổi được giảm đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng trong 72h sau mổ và sử dụng giảm đau đường uống trong thời gian nằm viện.
  • Bên cạnh đó, các phương pháp giảm đau thông thường khác như tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch được sử dụng khi cần thiết

4. Chế độ ăn uống sau phẫu thuật thế nào?

  • Do phẫu thuật trong ung thư phổi thường không liên quan đến đường tiêu hóa, do đó bệnh nhân có thể ĂN SAU 6 TIẾNG, UỐNG SAU 3 TIẾNG.
  • Nên ăn đa dạng các loại thức ăn, ăn từ lỏng tới đặc, chia nhỏ làm nhiều bữa, chú ý bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả, đặc biệt là các loại hoa quả giúp nhuận tràng như bưởi, chuối, thanh long, đu đủ…
  • Đối với người bệnh mắc các bệnh khác kèm theo như suy thận, đái tháo đường, cao huyết áp… cần điều chỉnh chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng.
  • Người bệnh nên đăng ký suất ăn với nhân viên y tế để đảm bảo vừa an toàn vệ sinh và cân bằng đầy đủ dinh dưỡng.

5. Vận động sau mổ cần lưu ý điều gì?

  • Thông thường 24 giờ đầu sau mổ, người bệnh sẽ nằm tại giường cần sự chăm sóc của người nha
  • Sau 24 giờ, người bệnh có thể ngồi dậy, vận động nhẹ nhàng tại giường, tập thở, tập ho
  • Sau khi rút dẫn lưu màng phổi, người bệnh cần đi lại trong phòng bệnh sau đó vận động nhiều hơn sẽ giúp giảm nguy cơ huyết khối

6. Biến chứng có thể xảy ra trong quá trình theo dõi tại khoa phẫu thuật lồng ngực.

  • Huyết khối động mạch phổi: Là nguyên nhân tử vong hàng đầu sau phẫu thuật cắt thùy phổi. Vì vậy, đa số người bệnh được sử dụng chống đông trong thời gian nằm viện và vận động sớm sau mổ sẽ làm giảm nguy cơ huyết khối
  • Chảy máu: thường xảy ra ngày đầu sau mổ. Biểu hiện: băng vết mổ thấm nhiều máu, dịch dẫn lưu ra máu đỏ tươi 100- 200ml/h trong 3-4h liên tiếp.
  • Nhiễm trùng khoang màng phổi: Gặp khoảng 5% các trường hợp sau mổ. Tập lý liệu pháp hô hấp, vận động sớm sẽ giúp tránh được nguy cơ này. Những trường hợp này cần để dẫn lưu lâu hơn. Một số ít trường hợp tiến triển thành mủ màng phổi có thể phải phẫu thuật lại để làm sạch.
  • Tràn khí dưới da: do chân dẫn lưu bị lỏng làm khí từ bên ngoài đi vào gây    ra tình trạng căng tức hoặc ấn lép bép vùng da xung quanh chân dẫn lưu.
  • Rò khí kéo dài: Do rò khí từ diện cắt phổi, điều này là bình thường sau mổ. Nó có thể kéo dài 3-5 ngày. Dẫn lưu màng phổi phải để đến lúc hết hẳn khí. Một vài trường hợp rò khí kéo dài có thể phải mổ lại để xử lý hoặc bơm bột tal gây dính.
  • Tràn khí màng phổi: Sau mổ phổi không nở hoàn toàn vẫn còn khí trong khoang màng phổi phải đặt dẫn lưu dài ngày.
  • Các biến chứng khác: đau họng, đau vai, tổn thương răng, nhiễm khuẩn vết mổ, khàn tiếng.

Phẫu thuật cắt thùy phổi là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với ung thư phổi giai đoạn sớm. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật khó, nhiều biến chứng trong và sau mổ, đòi hỏi trình độ và kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Ngoài ra, sự theo sát sao của nhân viên y tế, gia đình và bệnh nhân trong giai đoạn hậu phẫu cũng có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Trên đây là những thông tin cung cấp cho bạn đọc kiến thức cơ bản trong chăm sóc và quản lý bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư phổi. 

Theo thông tin từ Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K

Bài liên quan

Thong ke

Kết nối facebook